Ngày 23/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ chưa có chủ trương CPH bệnh viện công. Theo Thứ trưởng Tiến, tư nhân hóa bệnh viện dù một phần thì bệnh viện sẽ hoạt động như một doanh nghiệp, khi đó lợi nhuận sẽ là mục tiêu của bệnh viện, lúc đó người nghèo sẽ càng khó tiếp cận dịch vụ y tế.
Phân tích nguyên nhân khiến Bộ chưa bàn đến việc CPH bệnh viện công, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, trong nhiều năm qua Nhà nước vẫn luôn đảm bảo tài chính cho các bệnh viện để khám chữa bệnh phục vụ cho dân, vì đây là công tác an sinh xã hội.
Thêm nữa, thời gian tới giá dịch vụ y tế sẽ tăng, góp phần cải thiện cơ sở vật chất, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với bệnh nhân thì không nhất thiết phải CPH để có tiền phát triển bệnh viện.
Tại một hội thảo mới đây của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh quan điểm tôn trọng quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân là nhiệm vụ hàng đầu, cần bổ sung giải pháp về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như khuyến khích phát triển mạng lưới Bác sĩ gia đình; củng cố y tế cơ sở theo Chỉ thị số 06; phát triển nguồn nhân lực quản lý bệnh viện; xây dựng theo đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Bộ trưởng nhấn mạnh, không khuyến khích CPH bệnh viện công mà chỉ khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân, không để “công”, “tư” lẫn lộn trong mô hình bệnh viện.
Trước đó, ngày 21/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phê duyệt phương án thí điểm CPH Bệnh viện GTVT Trung ương có trụ sở tại ngõ 84 phố Chùa Láng, Hà Nội.
Hình thức CPH là vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ phát hành lần đầu là 168 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 30%; bán ưu đãi cho người lao động trong bệnh viện là 10,52%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 30%.
Ngoài ra, bán đấu giá công khai 29,48% vốn điều lệ. Đến thời điểm này, sau khi mua thêm 21% vốn điều lệ, cộng với 30% cổ phần chiến lược, Tập đoàn T&T đã nắm quyền chi phối Bệnh viện GTVT Trung ương với số vốn trên 50%.