(GD&TĐ) - Theo tin từ Viện Nghiên cứu Công nghệ thuộc Đại học FPT, vệ tinh tự chế F-1 do phòng Nghiên cứu không gian FSpace, Đại học FPT nghiên cứu chế tạo sẽ được đưa lên vũ trụ vào 9 giờ 6 phút ngày 21/7/2012.
|
Mô hình vệ tinh F-1 trên quỹ đạo |
Vệ tinh F-1 đã được lắp ghép lên tàu vận tải cùng bốn vệ tinh khác. Tất cả sẽ được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy tại bãi phóng Tanegashima của Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Hiện, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, vệ tinh F-1 đã được đưa lên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản. Buổi phóng được truyền hình trực tiếp trên Internet qua trang web của NASA.
F-1 có kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg. Vệ tinh do nhóm FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Tháng 6/2009, lần đầu tiên nhóm FSpace mang F-1 từ trong phòng thí nghiệm ra ngoài trời để thử nghiệm liên lạc ở khoảng cách xa so với phòng điều khiển.
Vệ tinh F-1 đã được đưa ra thử liên lạc ở các khoảng cách từ 7 đến 50 km trong môi trường thông thường. Nó đã phát tín hiệu và kết nối thành công với trạm điều khiển đặt tại trụ sở FPT ở Cầu Giấy, Hà Nội. Phòng thí nghiệm vũ trụ FSpace đã ra lệnh từ xa cho F-1 chụp ảnh, đo đạc các thông số và gửi về.
Khi F-1 lần đầu tiên “xuất ngoại” sang Nhật Bản ngày 14/3/2011, chỉ một ngày sau khi đại địa chấn xảy ra, để thử nghiệm rung động (vibration test). Lúc đó giáo sư Nakasuka Shinichi của trường Đại học Tokyo đã giúp FSpace thử nghiệm rung động cho vệ tinh.
Do ảnh hưởng của động đất sóng thần, Tokyo bị cắt điện luân phiên, nhưng các giáo sư Nhật Bản đã ưu tiên cho FSpace thử nghiệm F-1. Chạy máy thử nghiệm rung động rất tốn điện nên họ phải tạm dừng những hoạt động khác, Vũ Trọng Thư kể. Cuối cùng F-1 đã vượt qua kỳ thử nghiệm rung động.
Tháng 11/2011, F-1 được chuyển sang Mỹ cho công ty đối tác NanoRacks ở Houston, Texas để chuẩn bị kỳ đánh giá an toàn bay. Khi sang Mỹ, F-1 còn được di chuyển tới một số phòng thí nghiệm ở các bang khác để tiến hành các thử nghiệm cuối cùng.
Cùng chuyến đi lên Trạm Vũ trụ quốc tế lần này còn có 4 vệ tinh nhỏ khác của Nhật Bản và Mỹ gồm RAIKO, FITSAT-1, WE WISH và TechEdSat.
Dự kiến 6 ngày sau khi phóng, tàu HTV-3 sẽ tiếp cận và lắp ghép với trạm ISS. Các phi hành gia trên trạm sẽ vận chuyển các vệ tinh nhỏ sang module Kibo.
Tới khoảng tháng 9, các vệ tinh nhỏ sẽ được đưa vào khoang điều áp. Phi hành gia người Nhật sẽ điều khiển cánh tay robot của module Kibo nắm lấy ống phóng có chứa 5 vệ tinh đưa ra bên ngoài, thả các vệ tinh nhỏ ra khỏi trạm ISS để bắt đầu nhiệm vụ của mình.
Đây sẽ là lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi trạm ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ.
Sự kiện F-1 được phóng lên vũ trụ sẽ ghi thêm một dấu mốc cho ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ của Việt Nam, góp phần ứng dụng những thành tựu công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Anh Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng Nghiên cứu không gian Fspace chia sẻ: “Việc phóng vệ tinh là một mốc quan trọng. Tuy nhiên, dự án vệ tinh F-1 chỉ thật sự được coi là thành công khi F-1 được thả ra ngoài không gian và thu phát được tín hiệu với trung tâm điều khiển tại trạm mặt đất.”
Độc giả quan tâm có thể theo dõi quá trình phóng vệ tinh theo địa chỉ: - NASA TV HD: http://www.ustream.tv/nasahdtv - NASA TV: http://www.nasa.gov/multimedia/nasatv/index.html - Webcam từ bãi phóng Tanegashima: http://space.jaxa.jp/tnsc/webcam/index_e.shtml |
Lộc Hà