Khó tiếp cận khán giả hiện đại
Từ 20 – 29/8, “Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2016” sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Cuộc thi là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện những tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật.
Thế nhưng trước thềm Cuộc thi, nhiều người trong nghề bày tỏ băn khoăn về thực trạng nghệ thuật Tuồng - loại hình sân khấu cổ nhất từ lâu vẫn chưa tìm được lối thoát.
NSƯT Hán Văn Tình, người gắn bó với sân khấu Tuồng trên 30 năm, chia sẻ: “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng được các nghệ nhân lành nghề truyền dạy cách hát và diễn Tuồng cổ. Qua thời gian, nghệ thuật này bị tam sao thất bản và giảm sút rõ rệt. Tuồng là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi người xem phải được trang bị những kiến thức nghệ thuật nhất định thì mới có được năng lực cảm nhận cái hay, cái đẹp. Chính vì thế, nhiều khán giả dù có ý định tiếp cận với nghệ thuật Tuồng cũng đành ngậm ngùi khi sau vài lần thưởng thức các vở diễn Tuồng do không thể hiểu được ý nghĩa của các vở
diễn này”.
Theo NSND Hoàng Khiềm, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, lâu nay, hoạt động của Nhà hát Tuồng chủ yếu là chương trình phục vụ lễ hội vào dịp đầu năm, với các màn trống hội, múa rồng, múa cờ, múa hoa sen, múa phụng hay các vở Tuồng truyền thống, thông qua hợp đồng biểu diễn tại các địa phương. Thời gian còn lại, sân khấu Tuồng hoạt động rất cầm chừng. Tuồng truyền thống có lời thoại thiên về văn học cổ, nhiều từ Hán. Thêm nữa, nội dung phản ánh thường là trung quân, ái quốc nên có thể khó tiếp cận với khán giả hiện đại.
Giá trị di sản cần gìn giữ
Vừa bảo tồn vừa phát huy nghệ thuật Tuồng qua việc biểu diễn phục vụ công chúng, là câu hỏi đã được các nghệ sĩ tâm huyết với Tuồng đặt ra nhiều năm qua. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều hội nghị chuyên đề đánh giá những thực trạng của nền nghệ thuật sân khấu hiện nay và đề xuất những giải pháp có tính cấp thiết để mong “cứu nguy” cho sự tồn vong của các loại hình nghệ thuật dân tộc, trong đó có loại hình nghệ thuật sân khấu Tuồng, nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào khả thi làm cho bức tranh của nghệ thuật sân khấu Tuồng sáng sủa hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khủng hoảng” khán giả ở sân khấu Tuồng bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan. Sự phát triển của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí đa dạng, hấp dẫn đã khiến nhiều khán giả không quan tâm đến những loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương… Nhiều vở Tuồng mang tính cổ điển, khuôn mẫu của chế độ phong kiến đã không còn phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ hiện nay của khán giả.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hiện nay, các đơn vị nghệ thuật Tuồng chủ yếu chạy “sô” biểu diễn trong các lễ hội, nghi thức hành lễ với dàn trống, dâng hương chứ ít có cơ hội biểu diễn một vở trọn vẹn. Bên cạnh đó, diễn viên mải làm nhiều nghề để kiếm thêm thu nhập nên ít để tâm đến nghiệp diễn, vì thế nghệ thuật Tuồng ngày càng bị thất truyền.
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, để cho sức sống của nghệ thuật Tuồng thực sự trọn vẹn chúng ta cần kêu gọi các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết và cả sự quan tâm của lãnh đạo ban, ngành liên quan cùng chung sức bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng. Cần tiếp tục đưa nghệ thuật Tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gây dựng lớp khán giả cho Tuồng, phát triển hoạt động nghệ thuật Tuồng không chuyên, chính sách đãi ngộ, đối với nghệ sĩ, diễn viên Tuồng; đưa nghệ thuật Tuồng cùng các nghệ thuật sân khấu truyền thống khác thành sản phẩm du lịch để Tuồng lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân và bạn bè quốc tế.