(GD&TĐ) - Một ngày sau cơn bão số 11, người dân các thôn ở xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn đang sống chung với lũ. Đối với bà con ở nơi vùng lũ nơi đây, bão qua đi mọi người lại chung tay giúp đỡ những gia đình bị tốc mái. Nhà nào nước ngập sâu thì cố gắng lội đi quanh xóm để đỡ đần những người già, phụ nữ neo đơn có chồng đi làm ăn xa.
Hàng chục hộ dân sinh sống ven sông Diên Hồng huyện Quảng Điền đang bị cô lập trong nước lũ |
Cô lập giữa dòng lũ lớn
Sau hơn một tiếng lội bộ vào khu vực xóm Rào thôn Khuôn Phò, Phước Lý (xã Quảng Phước), quanq cảnh đập vào mắt chúng tôi là những bụi tre nằm chen ngang dòng nước lũ. Để đến được thôn biệt lập này không còn cách nào khác phải dùng ghe, đò để chống đi.
Theo chỉ dẫn của anh Nguyễn Bá Phước - Trưởng thôn Khuôn Phò - chúng tôi đến thẳng nhà chị Hồ Thị Phượng. Trước mái hiên nhà gió bão đánh sập một phần mái. Nhưng do gió to nhiều người trong xóm không thể đến giúp đỡ chị Phượng.
Ngôi nhà chị Phượng nằm trước mặt sông Diên Hồng, mùa gió bão gió cứ thổi vào mái nhà nhưng gia đình lại thường xuyên thiếu vắng người chồng. Chị Phượngị buồn bã kể: “Cả ngày ni bà con xóm Rào đến vận chuyển đồ đạc lên nhà trên không thì hư cả. Thấy tấm lợp xi măng rơi trên nhà xuống đất vậy mà mấy mẹ con chỉ biết nhìn rồi ôm nhau khóc thôi, chứ đêm hôm nhà ai cũng tối lửa tắt đèn, gió thì vùn vụt, răng có thể đến giúp mình được”.
Do gia đình khó khăn 3 đứa con đang ở trong tuổi ăn, tuổi học nên anh Nguyễn Ngọc - chồng chị Phượng - phải bỏ xứ vào Sài Gòn đi phụ nề kiếm tiền nuôi vợ con. Nhìn mấy mẹ con chị cứ thấp thỏm đưa ánh mắt lo lắng nhìn dòng nước ngày một dâng cao mà không khỏi chạnh lòng.
Đang ăn cơm trưa, thấy chúng tôi vào hỏi thăm tình hình bà con bị cô lập do bão lũ, bác Nguyễn Tuấn ở thôn Phước Lý (xã Quảng Phước) kể: “Hồi năm 1985 tui vô đây sống, chứng kiến cơn bão năm đó là lớn nhất. Đến lượt cơn bão số 11 ni nói thiệt là lâu lắm rồi người dân thôn tôi mới thấy có một cơn bão lớn đổ bộ kèm theo lũ. Cũng may bà con lâu nay không chủ quan nên giảm thiệt hại về tài sản. Cả thôn chỉ có 13 hộ tốc mái. Còn nước lũ thì không biết khi mô mà xuống đây. Bà con ở đây hễ cứ đến mùa lũ là cô lập từ 2 đến 3 ngày trời”.
Riêng thôn Mai Dương xã Quảng Phước lại có tới 240 hộ đang bị cô lập do bão số 11. Ngoài ra các thôn Khuôn Phò, Mai Dương, các thôn còn lại của xã Quảng Phước như Phước Lâm, Phước Lý hay xã Quảng Thành, Quảng An (huyện Quảng Điền), bà con chống bão số 11 chưa xong lại đến lượt chống chọi với lũ lụt. Cuộc sống của người dân vùng lũ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nước vẫn tiếp tục dâng cao
Tại huyện Quảng Điền, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - đi thị trấn Sịa cũng bị ngập sâu từ 0,5 - 1m. Theo báo cao nhanh của Ban chỉ huy PCLB huyện, đến nay đã có 3 người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng, chấn thương cột sống do đi lại vào thời điểm gió lớn.
Toàn huyện có gần 200 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó nhiều nhà bị sập đổ hoàn toàn. Bên cạnh nhà bị hư hỏng do gió lớn, nhiều vùng thấp trũng như Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An bị ngập sâu từ 1 - 1,5m, cá biệt có tuyến đường dẫn vào khu dân cư ngập sâu 2m, cô lập, chia cắt nên giao thông đi lại rất khó khăn, người dân chỉ di chuyển bằng thuyền ở vùng ven.
Công việc khắc phục do bão số 11 tại huyện này gặp rất nhiều khó khăn do nước hạ lưu các sông Bồ và vùng đầm phá đang lên rất cao.
Tính đến chiều 16/10, tại Thừa Thiên - Huế có 2 người chết do bão, lũ. Toàn tỉnh có 11 người bị thương. 669 nhà bị tốc mái, trong đó: 568 nhà chính bị tốc mái từ 20 - 50% và 101 nhà tạm bị tốc mái từ 30-50%; 190 ha cao su, 392ha keo, tràm bị gãy đổ. Ước tính thiệt hại do bão số 11 trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng 75 tỉ đồng. |
Một số hình ảnh ghi lại tại những xã bị ngập nặng do bão lũ tại Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế):
Nước lũ còn cao tại các vùng thấp trũng xã Quảng Thành |
Nước lũ tràn về vùng hạ du sông Hương ngập nặng |
Ghe đò là phương tiện đi lại của người dân rốn lũ Quảng Điền lúc này |
Nước lũ tràn vào phố cổ Bao Vinh |
Vội vã đi chợ lụt |
Minh Ngọc