Khát vọng “trăng tròn”
Chúng tôi gặp Cà Thị Loan, ở bản Phiêng Khoảng, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa khi đang đứng chờ con bên hành lang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Chị bảo: “Con gái tôi vào trong đó mổ đã 30 phút rồi. Tôi tin ca mổ sẽ thành công và cháu sẽ bước ra với cụ cười trọn vẹn hơn”.
Chị Loan sinh được 3 người thì cô con gái thứ 2 là thiệt thòi nhất. Cháu bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh thể nặng. Chưa nói đến câu chuyện thẩm mĩ, khiến con tự ti với bạn bè, suốt gần 10 năm qua cháu gặp không ít khó khăn trong ăn, uống. Nhìn đứa con như “vầng trăng” bị khuyết, chị Loan mòn mỏi chờ ngày được phẫu thuật.
“Mỗi lần ăn, uống cháu thường bị sặc, có lần cơm tràn cả lên mũi. Thương con lắm, chúng tôi cũng đưa đi khám nhiều lần nhưng bác sĩ bảo cháu hở rộng, chưa phẫu thuật được nên đành đưa con về. Nếu không vì quá khó khăn, cả 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, chẳng có tiền, chứ chúng tôi mong mỏi đưa con đi chạy chữ từ lâu”, chị Loan tâm sự.
Lần này nghe tin cô giáo báo có chương trình khám, phẫu thuật miễn phí, chị Loan dắt díu đưa con theo, song cũng không mang nhiều hy vọng. Đến khi nghe tin con mổ, chị nghẹn ngào không nói lên lời. Gần 1 giờ đứng trước phòng phẫu thuật, lo lắng, mừng tủi đan xen, song chị Loan cũng tràn đầy hy vọng đón con ra ngoài với nụ cười trọn vẹn.
Phía bên trong khu vực phòng phẫu thuật, một cô bé khác là Lèng Thiên Lý (SN 2019) vừa hoàn thành ca mổ. Giật mình tỉnh dậy, vì hết thuốc mê, lại không thấy có người thân bên cạnh, Lý gào khóc theo bản năng. Ê-kíp y, bác sĩ hậu phẫu nhanh chóng mang theo 2 gói bánh, dỗ dành, vỗ về cô bé.
Lý là em bé dân tộc Thái, sinh ra trong một gia đình khó khăn ở bản biên giới Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ). Anh Lèng Văn Quyện – bố Lý, tâm sự: “Cháu sinh ra bình thường, khỏe mạnh. Nhưng thỉnh thoảng tôi có thấy con mệt mỏi, hạn chế vận động và kêu đau rồi sưng tấy ở chân. Vì không có điều kiện nên gia đình chưa thể đưa con đi khám. May mắn dịp này có chương trình phẫu thuật miễn phí, cho con xuống viện thì mới phát hiện bệnh và được phẫu thuật kịp thời, chứ không thì chẳng biết cháu sẽ thế nào!?”.
Sau khi kiểm tra, theo dõi sức khỏe đã ổn định, y, bác sĩ bàn giao Lý cho bố mẹ chuyển về khoa để tiếp tục điều trị phục hồi. Đón con với nụ cười rạng rỡ, anh Quyện bộc bạch: “Tôi cảm ơn chương trình, cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm. Lần này về, con có thể khỏe mạnh chơi đùa, sinh hoạt như các bạn rồi!”.
Lan tỏa “cơ hội vàng”
Ông Hà Huy Bình, cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Điện Biên là người túc trực suốt những ngày qua trong Bệnh viện Đa khoa địa phương để hỗ trợ các trường hợp được phẫu thuật lần này. Ông Bình cho biết: Đây là hoạt động thường niên, nằm trong chương trình phẫu thuật miễn phí do quỹ và Trung tâm II (Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) phối hợp tổ chức.
“Để thông tin chương trình đến được rộng rãi, quỹ đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ sở giáo dục và chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền. Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông bằng các tiếng dân tộc thiểu số (Thái, Mông…) để mọi người đều có thể nắm bắt. Vì vậy, mỗi đợt khám sàng lọc đều thu hút hàng nghìn trẻ tham gia. Tuy nhiên, những trường hợp đảm bảo các điều kiện theo quy định (cân nặng, sức khỏe, độ tuổi…), thì mới được chỉ định phẫu thuật”, ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, mỗi năm bình quân có từ 160 đến hơn 200 trẻ được phẫu thuật. Chủ yếu là bị ngoại chấn thương, ngoại tổng hợp và các khuyết tật về mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, vận động… Các bác sĩ chuyên khoa giỏi về chuyên môn ở Hà Nội và bệnh viện địa phương sẽ trực tiếp thăm khám, phẫu thuật. Ở chương trình, các em được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại và thanh toán toàn bộ viện phí đối với những danh mục không thuộc bảo hiểm y tế chi trả.
Năm nay, để đảm bảo các điều kiện tốt nhất và phòng chống dịch bệnh, việc phẫu thuật được tổ chức thành 2 đợt, kéo dài từ ngày 5 – 12/6. Dự kiến, có trên 200 trẻ trong độ tuổi từ 1 – 6, đảm bảo đầy đủ các điều kiện sẽ được phẫu thuật miễn phí.
Theo bà Lê Xuân Hồng, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Điện Biên cho biết, đối với những trẻ có dị tật nhưng chưa đủ điều kiện cũng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng.
“Chương trình duy trì được đến nay là 13 năm. 100% trường hợp tham gia đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo, không may bị khiếm khuyết trên cơ thể nên có thể nói đây là cơ hội vàng để các em được phẫu thuật, phục hồi chức năng, hòa nhập với cộng đồng. Qua đó, thắp sáng tương lai cho trẻ thiệt thòi”, bà Hồng chia sẻ.