Nhà giáo, phẫu thuật viên "vẽ nụ cười" cho hàng nghìn trẻ em

GD&TĐ - Không chỉ là một nhà giáo mẫu mực, PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương còn là một phẫu thuật viên có đôi tay tài hoa và một trái tim giàu lòng nhân ái.

PGS.TS Lâm Hoài Phương (phải) trong một ca phẫu thuật từ thiện.
PGS.TS Lâm Hoài Phương (phải) trong một ca phẫu thuật từ thiện.

PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương - Trưởng bộ môn Phẫu thuật miệng và Hàm mặt, Khoa Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - là chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình hàm mặt, đặc biệt phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch, PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương đã mổ thiện nguyện mang lại nụ cười cho hàng nghìn trẻ em.

32 năm làm từ thiện

Có cha là Giáo sư Lâm Ngọc Ấn, cánh chim đầu đàn, cây đại thụ của ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam, mẹ và chị gái đều là bác sĩ, nên từ thời thơ ấu, cô bé Lâm Hoài Phương luôn ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để chữa lành cho những mảnh đời bất hạnh.

Nỗ lực học tập, năm 1981, bác sĩ Lâm Hoài Phương tốt nghiệp Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và chính thức trở thành giảng viên của trường. “Năm đó tôi mới theo ngành nha. Ngành nha ở đây liên quan đến các bệnh lý bệnh tật bẩm sinh. Thời điểm đó, bệnh nhi dị tật với hàm rất nhiều. Tôi vừa giảng dạy vừa gắn kết với một số bệnh viện lâm sàng để điều trị”, PGS.TS.BS Hoài Phương cho biết.

Để nâng cao tay nghề cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên sâu về thẩm mỹ răng – hàm - mặt, một lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam, nữ giảng viên trẻ quyết định sang Mỹ tu nghiệp tại Đại học Tulen vào năm 1994. Đến năm 1995 chị tiếp tục sang Canada học chuyên sâu cùng chuyên ngành tại Mc Gill.

Hoàn tất chương trình học tập ở nước ngoài, nữ giảng viên trẻ quay trở lại công việc giảng dạy, viết tiếp niềm đam mê được truyền tải kiến thức và kinh nghiệm cùng bao thế hệ sinh viên. Năm 2001, bác sĩ Lâm Hoài Phương bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Việt Nam và được phong học hàm PGS vào năm 2007. Đây cũng là năm chị hoàn thành tu nghiệp về Phẫu thuật Tạo hình tại Đại học Yales, Mỹ.

Nhiều năm trong nghề với vai trò bác sĩ y khoa, phẫu nhi, PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương luôn nặng lòng trăn trở về trẻ mắc dị tật. Không phải ai cũng có điều kiện để tạo hình lại những dị tật mà cơ thể sinh ra không được may mắn. Vì thế, trẻ mắc dị tật rất cần những bàn tay bác sĩ mổ thiện nguyện. Chia sẻ với trẻ dị tật, mặc dù bộn bề với gia đình và công việc, PGS.TS.BS Hoài Phương vẫn dành thời gian cho công tác mổ thiện nguyện. Chị là người đầu tiên tham gia tổ chức Operation Smile (Phẫu thuật nụ cười) để thực hiện những ca mổ từ thiện cho các bệnh nhi trên khắp thế giới.

40 năm trong nghề thì hơn 32 năm PGS.TS.BS Hoài Phương tham gia phẫu thuật từ thiện. Chị đã đi qua 50 quốc gia trên thế giới, với vô vàn ca mổ. “Tôi nghĩ duyên sinh ra gắn liền với mổ từ thiện. Tôi không biết mệt là gì. Tham gia mổ từ thiện, tôi vui khi mang lại niềm vui cho người bệnh. Ngoài ra, mỗi lần đi nước ngoài mổ, với tôi là cơ hội học tập, học tập cách tổ chức của họ, cách vận hành, thực hiện…”, PGS.TS.BS Hoài Phương chia sẻ.

PGS.TS Lâm Hoài Phương (thứ 3 từ phải qua) tham dự một hội nghị khoa học quốc tế.
PGS.TS Lâm Hoài Phương (thứ 3 từ phải qua) tham dự một hội nghị khoa học quốc tế.

Truyền “lửa” cho sinh viên

Trong hành trình mổ từ thiện xuyên quốc gia hơn 32 năm qua, phía sau đam mê là mong ước bền bỉ mà PGS.TS.BS Hoài Phương luôn muốn giữ lại, truyền lại cho thế hệ sinh viên của mình. Với chị, thầy cô không chỉ truyền đạt cho sinh viên kiến thức chuyên môn, mà còn chia sẻ về kinh nghiệm, y đức và tâm huyết với nghề. Gần 40 năm với sự nghiệp chữa bệnh cứu người và “trồng người”, PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương luôn truyền đạt cho học trò cả về cách sống và làm người. “Tôi luôn căn dặn sinh viên mình làm người tử tế và tình nghĩa, có trước có sau, không quên những người đã giúp mình dù là người nhỏ nhất. Các bệnh nhân cũng là những người đã giúp mình, vì đã tin tưởng những phương án mình làm hết sức để giúp họ. Đặc biệt, hãy luôn có tính cầu thị, biết lắng nghe, cố gắng học tập, học từ cái đúng lẫn cái sai, từ đó lựa chọn cách tốt nhất để thực hiện. Phải luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức mình học được với thầy, với bạn bè và những người xung quanh”, PGS.TS.BS Phương nói.

Để tích luỹ kinh nghiệm nghề nghiệp, chia sẻ với sinh viên, suốt những năm tháng theo đoàn mổ từ thiện đi đến các quốc gia và vùng lãnh thổ xa xôi trên thế giới, PGS.BS Lâm Hoài Phương đều tận dụng tối đa quỹ thời gian của mình để quan sát, học hỏi, tích lũy kiến thức thực tế. “Tái tạo dị tật khiếm khuyết khó thì tôi càng muốn làm. Ca càng khó thì tôi càng quyết tâm. Có những phương pháp thầy cô đã dạy nhưng có những phương pháp tự mày mò. Kinh nghiệm tích lũy từ thực tế mới là bài học hữu ích nhất để truyền lại cho thế hệ sinh viên sau này”, chị cho biết.

Theo PGS Hoài Phương, trong thời đại công nghiệp 4.0, với sự phát triển của Internet, sinh viên có nhiều cơ hội hơn, có thể không cần có thời gian nhiều với thầy vẫn tự học được nhiều kiến thức qua mạng. Tuy vậy vai trò của người thầy và truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn là điều quan trọng mà người học cần hiểu và thấm nhuần.

“Vai trò của thầy không thể thiếu nhưng phương thức giao tiếp cũng cần thay đổi, làm thế nào để thầy và trò hiểu nhau hơn, gắn kết tốt hơn. Ngay cả trên thế giới, phương thức dạy và học cũng đã thay đổi rất nhiều, mình cũng cần học hỏi nhưng tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh phù hợp của từng nơi, cần có sự xem xét để áp dụng cho phù hợp.

Khi giảng dạy, bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm mang đến cho sinh viên, tôi cũng học hỏi từ chính các bạn. Những kiến thức có được trong quá trình dạy học, tôi dùng phục vụ trở lại cho công tác chuyên môn của mình”, PGS.BS Lâm Hoài Phương chia sẻ.

PGS.TS Lâm Hoài Phương từng là giảng viên bộ môn Phẫu thuật Hàm mặt, khoa Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh vào năm 2000. Tháng 11/2006, chị được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TƯ TP Hồ Chí Minh kiêm Trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt – Tạo hình/Trưởng bộ môn phẫu thuật hàm mặt, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 6/2020 đến nay chị là Trưởng bộ môn Phẫu thuật miệng và Hàm mặt Khoa Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ