Mang ‘điều kỳ diệu’ đến học sinh bị dị tật khe hở môi, vòm miệng trong ngày 1/6

GD&TĐ - Nghe con gọi được một từ mẹ tròn vành, rõ chữ… đó là hạnh phúc vô bờ bến mà mỗi người làm cha, làm mẹ có con mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng khát khao.

Mang ‘điều kỳ diệu’ đến học sinh bị dị tật khe hở môi, vòm miệng trong ngày 1/6

Con mong được bình thường như các bạn

Đó là chia sẻ của bé Phan Thị Huyền Trang (11 tuổi, ở huyện Thạch Hà – tỉnh Hà Tĩnh). Sinh ra mang trong mình khiếm khuyết là hở hàm ếch, Trang đã không thể tự bú sữa mẹ, phải dùng sữa ngoài để bón cho con.

Mỗi lần cho Trang ăn, gia đình phải đặt em nằm ngã, dùng thìa bón. Thấy con khó khăn trong việc ăn uống, chị Trần Thị Hường cùng chồng chạy khắp nơi để hỏi han. Đến ba tháng tuổi, theo lời khuyên của một nhân viên ở trạm y tế xã, chị Hường cùng chồng đưa con ra thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) để nhờ can thiệp.

Bác sĩ thăm khám sàng lọc.

Bác sĩ thăm khám sàng lọc.

Chị Hường kể lại: “Lần đầu tiên đưa con gái đi phẫu thuật chị đã phải vay tiền từ dự án nước sạch. Sau lần can thiệp đó, con có thể tự ti bình, không còn phải nằm để bón như trước, niềm hi vọng thắp sáng trong con và gia đình”.

Quá trình mang thai, chị Hường được bác sĩ cho biết con bị hở hàm ếch. “Lúc đó mình  không hình dung ra là bị như thế nào. Bác sĩ động viên cố gắng dưỡng thai để mẹ con khỏe mạnh. Mãi đến khi sinh ra, thấy những khó khăn trong việc ăn uống, phát âm đặc biệt khi đi học bị các bạn trêu chọc, gia đình mới hình dung những thiệt thòi con phải gánh chịu. Nhiều lần con đi học bị bạn bè nhại lại giọng nói, trêu chọc là sứt môi, méo miệng con đòi nghỉ học, không chịu đến trường”, chị Hường chia sẻ.

Những lần như vậy, Trang đòi nghỉ học, chị Hường phải nhờ đến sự động viên của cô giáo.  11 tuổi, Trang trải qua ba lần phẫu thuật, với những đau đớn phải chịu Trang nói rõ hơn một tí, tự tin giao tiếp với bạn bè hơn.

Nụ cười hiền của cô học trò 11 tuổi. Ảnh Ngô Chuyên.

Nụ cười hiền của cô học trò 11 tuổi. Ảnh Ngô Chuyên.

Con trai chị Nguyễn Thị Hải (ở huyện Lộc Hà - Hà Tĩnh) năm nay học lớp 4 đã trải qua 4 lần phẫu thuật, chưa kể rất nhiều lần đến viện phải quay về vì không đủ sức khỏe để thực hiện.

Chị Hải chia sẻ: “Con không bị ngọng, tuy nhiên con lại rất khó khăn trong việc ăn uống dẫu đã 11 tuổi”. Trước đó, khi mới sinh ra Bình Thắng (con chị Hải) không bú được, chị Hải phải vắt sữa và bón.

Bình Thắng may mắn hơn Trang khi đến trường được các bạn thấu hiểu, cảm thông cho những khiếm khuyết mà em gặp phải, không ai trêu chọc. Bình Thắng chia sẻ: “Con may mắn được bạn bè đồng hành, không ai kỳ thị hay trêu chọc con, thầy cô giáo cũng quan tâm con hơn so với các bạn. Tuy nhiên con vẫn tự ti với khiếm khuyết của mình, luôn ước được bình thường như các bạn”.

Cũng theo chia sẻ của nhiều phụ huynh và học sinh, được tham gia chương trình khám và điều trị phẫu thuật nhân đạo dành cho các trẻ em dị tật khe hở môi, vòm miệng tại Bệnh viện E đúng dịp 1/6 là món quà rất ý nghĩa, giúp các con có thể tự tin với cuộc sống.

Mang “điều kỳ diệu” đến với những nụ cười “khuyết” của trẻ em không may mắn mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng, nhân Tết thiếu nhi 1/6.

Mang “điều kỳ diệu” đến với những nụ cười “khuyết” của trẻ em không may mắn mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng, nhân Tết thiếu nhi 1/6.

Mang "điều kỳ diệu” đến với những nụ cười “khuyết”

Hưởng ứng tháng phẫu thuật nhân đạo cho trẻ dị tật môi - vòm miệng và ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 Bệnh viện E, Trường ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Operation Smile tổ chức chương trình khám và điều trị phẫu thuật nhân đạo dành cho các trẻ em dị tật khe hở môi, vòm miệng nhằm mang đến “điều kỳ diệu” cho những nụ cười “khuyết” của trẻ em không may mắn mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng, nhân Tết thiếu nhi 1/6.

Hiện đã có 80 cháu đến từ tỉnh Hà Tĩnh và một số tỉnh thành khác trong cả nước đến đăng ký khám sàng lọc để lựa chọn 60 cháu đủ tiêu chuẩn để phẫu thuật.  

Dị tật khe hở môi, vòm miệng làm thay đổi cấu trúc giải phẫu, hình thể thẩm mỹ của mặt, gây ra những rối loạn chức năng về ăn uống, hô hấp, phát âm của trẻ, đồng thời tác động nặng nề đến tâm lý của bệnh nhi và gia đình.

Bình Thắng cùng bạn cùng phòng đang chờ lịch phẫu thuật. Ảnh Ngô Chuyên.

Bình Thắng cùng bạn cùng phòng đang chờ lịch phẫu thuật. Ảnh Ngô Chuyên.

Với trẻ bị khe hở môi ngoài ảnh hưởng về thẩm mỹ, còn tùy thuộc vào mức độ có thể gây các rối loạn về chức năng: Bú, phát âm các âm môi (m, p, b). Trường hợp tổn khuyết đến xương ổ răng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng, răng mọc sai vị trí hoặc không mọc được.

Trẻ bị khe hở vòm miệng thường gặp khó khăn trong ăn uống (thức ăn lên mũi, sặc, dễ trớ) và phát âm sai (nói ngọng, giọng mũi hở).

Theo TS Nguyễn Tấn Văn – Trưởng Bộ môn bệnh lý miệng và hàm mặt – Trường ĐH Y dược người thăm khám và phẫu thuật trực tiếp cho trẻ tại Bệnh viện E cho biết: “Khe hở môi vòm miệng là dị tật có thể được điều trị hoàn toàn nếu trẻ được chăm sóc điều trị đúng cách và kiên trì”.

Chăm sóc trẻ có dị tật khe hở môi, vòm miệng được chia thành các giai đoạn như trẻ phát triển 6 tháng sẽ bắt đầu phẫu thuật khe hở môi;

Trẻ được 18 đến 24 tháng tuổi, nặng từ 10kg trở lên sẽ phẫu thuật khe hở vòm miệng phía trong. Sau phẫu thuật, các bác sĩ tiếp tục giúp các bé các tiết học luyện phát âm để đứa trẻ có thể nói trong trẻo như mọi bé khác cho đến khi vào lớp 1.

Từ 12 tuổi, khi các cháu thay hết răng sữa, các bác sĩ phải trợ giúp các cháu nắn chỉnh răng. Giai đoạn này cần rất nhiều thời gian và mang tính thẩm mỹ giúp trẻ tự tin bước vào cuộc sống của mình. Do đó, trẻ cần được điều trị sớm bằng phương pháp phẫu thuật tạo hình khe hở môi, vòm miệng.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E: Việc phẫu thuật trẻ mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng là công việc phức tạp, khó khăn cả về khâu tổ chức, kinh phí (khi phần lớn các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở các địa bàn xa với các trung tâm y lớn có đủ điều kiện phẫu thuật), do đó đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao của kíp mổ, điều kiện phương tiện và trang thiết bị của cơ sở phẫu thuật phải đủ tiêu chuẩn để an toàn cho trẻ.

Được biết, tất cả những trẻ em tham gia phẫu thuật được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật khe hở môi vòm miệng, chăm sóc hậu phẫu và hỗ trợ một phần chi phí ăn ở trong thời gian điều trị tại Bệnh viện E

Theo thống kê tại Việt Nam, ước tính cứ 700 trẻ sinh ra thì có 1 trường hợp bị khe hở môi, vòm miệng và dị tật hàm mặt. Những khiếm khuyết về thể chất không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Tỷ lệ trẻ mới sinh ra mắc dị tật này chưa được phẫu thuật tồn đọng mỗi năm ở Việt Nam đã lên đến 10.000 trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.