Như cái chết mẹ con mụ dì ghẻ trong Tấm Cám, bản chất hình tượng Chử Đồng Tử, hình tượng An Dương Vương.
Truyện Chử Đồng Từ thuộc thể loại nào?
Về truyện Chử Đồng Tử, những tranh cãi chủ yếu xoay quanh câu hỏi: Truyện này thuộc thể loại nào? Cổ tích hay truyền thuyết? Tại sao Chử Đồng Tử lại được thờ ở nhiều đình, đền khác nhau ở vùng Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình?
Đền Dạ Trạch Hóa Từ (Khoái Châu, Hưng Yên), di tích lớn nhất thờ Chử Đồng Tử cùng với hai người vợ vậy thì nội dung ca ngợi mối tình trong sáng, thanh cao như hướng dẫn của SGK có còn đứng vững được hay không?
Nếu khai thác theo hướng là truyện cổ tích thì nội dung và chủ đề như thế nào? Nếu chỉ khai thác tác phẩm ở chủ đề ca ngợi người con chí hiếu, mối tình trong sáng, thanh cao, có làm nghèo chủ đề tác phẩm và hình tượng nhân vật hay không?
Cách đánh giá nhân vật Chử Đồng Tử như vậy có phù hợp với tâm thức dân gian về nhân vật này hay không? Quan hệ giữa tác phẩm này với tín ngưỡng, lễ hội như thế nào?
Đó là vấn đề phức tạp cần quan tâm, giải quyết. Bởi vì, bản thân tác phẩm là một hiện tượng phức tạp, truyền thuyết Chử Đồng Tử đã bị cổ tích hóa, khiến cho nội dung và chủ đề xã hội được đan xen, kết nạp vào tư tưởng của truyền thuyết ban đầu.
Có nên tạo cái "kết" đẹp cho truyện Tấm Cám?
TS Nguyễn Việt Hùng cũng dẫn cuộc tranh luận về truyện Tấm Cám chủ yếu xung quanh kết thúc truyện trong văn bản SGK Ngữ văn 10 cuối năm 2011.
Thực ra, đây không phải là vấn đề mới bùng nổ mà nó đã được đặt ra từ nhiều năm trước: Từ những công trình đầu tiên của tác giả Đinh Gia Khánh (Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, năm 1968) đến cuộc tranh luận trên báo chí những năm 90 của thế kỉ XX.
Không giống như trước, lần này, các nhà nghiên cứu văn học dân gian không lên tiếng đơn giản vì trong giới folklore vấn đề này đã được giải quyết từ nhiều năm trước.
Có hai luồng ý kiến trái chiều nhau: Một bên phê phán kết thúc truyện với hành động trả thù dã man của cô Tấm (sớm nhất là Lơ-cléc, sau đó có Phan Hải Triều, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Xuân Lạc..); một bên bảo vệ và khẳng định truyện Tấm Cám và hành động trừng phạt của Tấm với Cám (Đinh Gia Khánh, Nguyễn Xuân Kính, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Văn Tiếng...).
Trong đó, TS Nguyễn Việt Hùng đặc biệt quan tâm đến ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khi xem xét cái kết của truyện Tấm Cám.
Ông xem đó là hành động mang tính biểu trưng, ý nghĩa cảnh tỉnh cái ác, và do đó không nên lảng tránh kết thúc đó. Điều quan trọng là thầy cô giáo phải giúp các em hiểu rõ tinh thần sự trả thù của Tấm.
Tác giả Bùi Văn Tiếng thì cho rằng kết thúc như vậy là thành công của truyện là cách ứng xử mang tính nghệ thuật mà tác giả dân gian gửi đến độc giả mai sau về sự hoàn thiện nhân cách của con người, con người có thể trở nên độc ác do hoàn cảnh khách quan.
TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, việc nhân vật ác bị trừng phạt được xem như một chân lí về sự công bằng xã hội, cái ác phải bị tiêu diệt. Điểm này có sự phù hợp với thực tế tiếp nhận truyện cổ tích nói chung và truyện Tấm Cám nói riêng.
Tuổi thơ của mỗi chúng ta, được nghe ông bà cha mẹ kể chuyện cổ tích thì trong thâm tâm đều mong muốn, ước mơ về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác và vì thế chi tiết Tấm giết Cám không hề tạo nên cảm giác ghê sợ hay không đồng tình với cô Tấm.
Ngược lại, khi cái ác bị đền tội, đứa trẻ nào cũng thấy hài lòng và tin tưởng vào sự công bằng mà thế giới “ngày xửa, ngày xưa” mở ra trước mắt chúng.
Xét về phương diện lí luận và thi pháp thể loại, cốt truyện cổ tích là yếu tố bất biến, là mô hình đã được xác lập ổn định và đã được hoàn thành, trong đó chỉ có lời kể thay đổi do quy luật của sự sáng tạo truyền miệng cũng như sự vận động của cốt truyện trong bối cảnh không - thời gian.
Vì thế, việc cô Cám bị trừng phạt bởi Tấm, nhà vua, Thiên Lôi, hay bất kì một thế lực nào khác thì bản chất của sự kiện, hành động vẫn không đổi: Cái ác phải bị tiêu diệt, công lí phải được thực thi, còn ai là người thực hiện điều đó và thực hiện như thế nào không quan trọng.
Mỗi cộng đồng, thời đại có cách lựa chọn của riêng mình cho cách kể nhưng phải tuân thủ một quy luật: không thể để yếu tố thời đại, thực tại xâm nhập vào cốt truyện dân gian.
Vì thế mỗi chi tiết “giết bằng gươm, giết bằng giội nước sôi, bằng đốt lửa” có ý nghĩa lịch sử, thời đại của chúng mà chúng ta không thể thay thế bằng việc “giết nhân vật bằng súng”...
Trong cuộc tranh luận gần đây về truyện Tấm Cám, vấn đề tranh luận đã được giới folklore trong nước và quốc tế giải quyết từ nhiều năm trước, nên trong và ngoài ngành folklore, đặc biệt giới học giả trong nhà trường cần thiết cập nhật những thành tựu nghiên cứu khoa học để giáo dục trong nhà trường được tiếp cận với các kết quả đó.
Chính vì thế, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, giới nghiên cứu Văn học dân gian, cũng như những người biên soạn SGK không có quyền sửa chữa văn bản của tác phẩm Văn học dân gian để chạy theo tinh thần thời đại, bởi lẽ đặc trưng cơ bản của truyện cổ tích là câu chuyện đã hoàn tất ở quá khứ và tinh thần thời đại không thể xâm nhập vào cấu trúc truyện kể.
Đồng thời nhà nghiên cứu phải luôn bám sát đặc trưng của văn học dân gian cũng như sử dụng những phương pháp nghiên cứu chuyên ngành phù hợp với đối tượng.
Cũng đã từng tồn tại những kiến giải về truyện Tấm Cám dưới góc nhìn tâm lí, đạo đức như trường hợp nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến.
Từ những năm 1980 ông phê phán kết thúc dã man của truyện Tấm Cám nhưng sau đó tác giả đưa ra quan điểm: Việc chúng ta sửa một văn bản nhằm mục đích giáo dục đạo đức có thể phản tác dụng khi học sinh lớn lên, tiếp xúc với các dị bản khác và nhận ra mình đã bị lừa khi không được tiếp nhận một văn bản nguyên vẹn của nó. Vậy thì ý định của chúng ta muốn xây dựng hình ảnh đẹp đẽ toàn vẹn của Tấm có thực hiện được không?
Tiếp cận tác phẩm theo đặc trưng nguyên hợp
Ngoài ra những vấn đề cụ thể của tác phẩm, thể loại Văn học dân gian cũng chính là những lĩnh vực cụ thể mà ngành folklore học cần giải quyết: Chủ đề của sử thi Đam San, nhân vật Đam San chống chuê nuê hay khuất phục chuê nuê, ý nghĩa của hình tượng Đam San cũng như nguyên nhân thất bại của người anh hùng.
Đây là vấn đề khá phức tạp và hiện nay giới nghiên cứu vẫn chưa thống nhất. Giáo viên và học sinh phổ thông càng gặp khó khăn hơn vì họ không được trang bị những kiến thức lịch sử - văn hoá để giúp cho việc hiểu tác phẩm.
Việc tìm hiểu thể loại ca dao cũng không thể tách rời những hình thức sinh hoạt văn hóa, ca hát của cộng đồng. Chính tâm lí chung của cộng đồng, những lề lối sinh hoạt giao duyên là nguồn cảm hứng nảy nở những bài ca trữ tình dân gian, đồng thời cũng là những gợi mở hướng tiếp cận cho người đọc hiểu cái tình ý của nhân vật trữ tình trong mỗi lời ca đó.