“Vẽ đường cho hươu chạy đúng” còn hơn để trẻ tự mày mò

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nhà trường và gia đình cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về việc giáo dục giới tính cho con trẻ, thà “vẽ đường cho hươu chạy đúng” còn hơn để các em tự mày mò rồi dẫn đến những suy nghĩ sai lệch.

Trẻ em, nhất là các em gái cần được trang bị kiến thức về giới tính từ sớm với những chương trình phù hợp. Ảnh: VGP/Gia Mỹ.
Trẻ em, nhất là các em gái cần được trang bị kiến thức về giới tính từ sớm với những chương trình phù hợp. Ảnh: VGP/Gia Mỹ.

Mặc dù xã hội ngày càng phát triển và tốc độ dậy thì của trẻ em ngày càng nhanh, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, việc trao đổi, giáo dục giới tính cho trẻ em ở nhiều gia đình, trường học vẫn theo kiểu mập mờ thông tin.

Cha mẹ ngượng ngùng, thầy cô mắc cỡ đề cập đến vấn đề được cho là tế nhị này khiến nhiều em nhỏ dù có nhu cầu tìm hiểu vẫn không nắm được những thông tin cần thiết.

Tò mò mà không được giải đáp, nhiều em tự tìm hiểu và dẫn đến những cái kết đau lòng.

Những con số đáng buồn

Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.

Tính chất của các vụ việc ngày càng theo chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tại TPHCM cho biết, nếu như trước kia, độ tuổi của trẻ bị bạo lực, xâm hại dao động từ 7 đến 10 tuổi thì vài năm trở lại đây số tuổi đã giảm dần, thậm chí có trẻ mới hơn 2 tuổi đã bị xâm hại tình dục để lại thương tật.

Thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho hay, có tới 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen. Và 47% thủ phạm là họ hàng, người thân trong gia đình.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM cho rằng phụ huynh rất khó để lúc nào cũng bên cạnh bảo vệ con trẻ trước nguy cơ xâm hại tình dục.

Thế nên, rất cần những phương pháp giáo dục giới tính và kỹ năng hiệu quả nhằm giúp trẻ biết cách sàng lọc nguy cơ và bảo vệ mình trong trường hợp “báo động đỏ”.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy phân tích: “Chúng ta không thể lường trước hết các nguy cơ có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm trong môi trường sống xung quanh. Chúng ta chỉ có thể dạy trẻ nhận diện hành vi xấu của những người xunh quanh để trẻ biết cách tránh xa những hành vi xấu đó.

Chúng ta cũng phải dạy trẻ cách phản kháng, đặc biệt là dạy trẻ nói lại sự việc cho người khác. Ví dụ khi gặp việc gì đó trẻ sẽ kể lại cho ba mẹ, thầy cô, lúc đó chúng ta sẽ biết ai là người đang có nguy cơ tấn công trẻ để giúp trẻ tránh xa”.

Xã hội phát triển mạnh mẽ nhưng việc giáo dục giới tính cho con trẻ hiện vẫn chưa được nhiều gia đình coi trọng. Có phụ huynh quan tâm thì chưa chọn được phương pháp đúng nên dẫn đến hệ lụy là nhiều trẻ không phân biệt được hành vi yêu thương với nguy cơ xâm hại tình dục.

Thậm chí có trẻ còn hồn nhiên cho người khác ôm hôn, sờ vào chỗ kín vì nghĩ rằng đó là hành vi yêu thương mà nhiều người trong gia đình vẫn làm mỗi ngày.

Và rất ít trẻ được dạy cách nhận diện những nơi nguy hiểm hay 5 hành vi báo động là “nhìn -  nghe -  nói - sờ, chạm và một mình” để có sự chuẩn bị thật kỹ trước khi ra đường. Vậy nên, khi rơi vào tình huống xấu, đa phần trẻ âm thầm chịu đựng hoặc hoảng loạn tinh thần.

Trẻ cần biết gì về giới tính?   

Cùng với nguy cơ xâm hại tình dục, việc thiếu kiến thức về giới tính cũng đặt trẻ trước những mối nguy về quan hệ không an toàn, có thai ngoài ý muốn.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em thuộc Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 250 đến 300 ngàn ca nạo phá thai được báo cáo chính thức.

Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, khoảng từ 20 đến 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và từ 60 đến 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 19. Trong đó, khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên.

“Các trường học cần phải quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục giới tính cho học sinh. Nhưng cha mẹ cũng cần chung tay với nhà trường để mang lại kiến thức bổ ích về giới tính, giáo dục sinh sản cho học sinh”, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Việt Mỹ nhận định.

Đồng ý với quan điểm này, theo Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Lý Thị Mai việc trang bị cho trẻ em từ bậc mầm non đến trung học học phổ thông những kiến thức về giới tình phù hợp là rất cần thiết. Chỉ khi hiểu rõ về cơ thể mình, biết đâu là vùng cấm, đâu là hành vi đúng/sai, trẻ sẽ biết cách thoát khỏi nơi không an toàn hoặc cầu cứu, thậm chí tự cứu lấy mình trong trường hợp cấp thiết.

Và việc giáo dục giới tính cần làm khoa học, bài bản, theo đúng lộ trình, lứa tuổi chứ không thể soạn một chương trình dùng chung cho các độ tuổi. Trẻ học ở trường, ở nhà, học trên sách vở thì cha mẹ cũng không ngoại lệ.

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai lý giải: “Gìn giữ, bảo vệ chưa quan trọng bằng dạy cho con mình kiến thức bởi vì không ai bảo vệ con mình tốt hơn bằng chính các cháu. Khi có kiến thức các cháu sẽ phát hiện ra được điều gì được phép làm và ai được đụng chạm vào các cháu.

Phụ huynh không dạy những cái này thì sao? Đừng hô hào rằng chỉ cần gửi con đi học giáo dục giới tính là bố mẹ có thể đắp mền ngủ yên mà bố mẹ cũng phải đi học để gặp những tình huống đó thì không phải chờ ý kiến chuyên gia rồi mới giải đáp hoặc phải lên google tìm kiếm rồi mới trả lời. Lúc đó muộn rồi.”.

Phòng hơn chống. Nhưng theo các chuyên gia, phòng phải đúng cách thì mới đủ chức năng bảo vệ trẻ trước các nguy cơ xâm hại. Vậy nên, gia đình, nhà trường phải có sự chuẩn bị thật tốt để đưa ra phương pháp giáo dục giới tính hiệu quả theo kiểu ứng dụng cao và đều đặn chứ không phải theo phong trào, rầm rộ vài tháng, vài tuần rồi ngưng.

Theo tphcm.chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.