Về Đồng Mậm, ước một con đường

Về Đồng Mậm, ước một con đường

Áo phao kiêm luôn áo ấm
Áo phao kiêm luôn áo ấm
 

(GD&TĐ) - Tháng 12, chớm lạnh, mặt hồ Cấm Sơn ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc nổi sóng càng lớn, đi lại khó khăn và nguy hiểm hơn. Để mưu sinh, để đi dạy và đi học mà hơn 100 hộ dân ở Đồng Mậm cũng như các thầy cô giáo cắm bản nơi đây vẫn ngày ngày vượt trên sóng gió...

“Ốc đảo” trên vùng cao

Để vào được điểm trường Đồng Mậm (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), chúng tôi đã phải liên hệ từ trước đó cả tuần. Nào là giấy tờ công tác, xin thuyền, chuẩn bị áo phao, áo mưa... thậm chí cả lương khô để phòng xa. Năm nay nước trở, sóng gió bất thường khiến hầu hết diện tích ruộng cấy lúa trên địa bàn xã ngập trong nước.

Từ Trường Tiểu học Sơn Hải, vào được điểm trường Đồng Mậm, một điểm trường lẻ loi giữa lòng hồ lại càng gian nan. Phương tiện để đi là những chiếc thuyền gắn máy cole chạy phành phạch dưới tay lái của bất cứ ai thông thuộc thủy đạo. 

Thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn cho biết, đến thời điểm này 99% các thôn, bản của 4 xã lòng hồ đều có điện. Duy nhất một thôn không điện, đường, trạm y tế chính là Đồng Mậm của xã Sơn Hải này. Hơn một trăm hộ dân, trong đó 90 hộ nghèo.

Riêng xóm Suối Khoan, cách trung tâm thôn gần một giờ đi đò nữa, có 48 hộ thì 100% là hộ nghèo. Cuộc sống của đại bộ phận người dân thôn Đồng Mậm vẫn là tự túc tự cấp, cá hồ đánh bắt được nhiều thì đem ra chợ xã đổi gạo thịt mắm muối hoặc ướp muối phơi khô dự trữ. Ấy vậy mà cái sự học thì hàng chục năm nay vẫn thế.

Đến tuổi là đến trường, đứa lớn, nhà gần thì tự chèo thuyền, đứa nhỏ hoặc ở xa thì có bố mẹ đưa đón. Người dân xóm Suối Khoan còn quy ước cho các nhà có con em đi học lần lượt đưa đón các cháu. Sự học chỉ tạm dừng trong những ngày gió to, sóng cả hoặc chiếc thuyền máy "trở chứng".

Sau gần hai giờ lênh đênh giữa mênh mông lòng hồ, chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Điểm trường Tiểu học chỉ có 3 thầy cô, 5 lớp học với 27 học trò.

Ngoài ra, còn có 1 cô giáo và 15 cháu Mầm non cạnh đó góp phần làm cho điểm trường giữa lòng hồ bớt hiu quạnh. Khi chúng tôi đến đã gần trưa nhưng cả 4 thầy cô lại đang chuẩn bị để đi... nhờ thuyền máy vào Suối Khoan.

Dường như đoán được băn khoăn của chúng tôi, thầy Lâm Văn Thức vội giải thích: "Đi ghi danh sách hộ nghèo cho học trò. Việc trên giao xuống gấp quá, mà để các gia đình tự làm thì không biết đến bao giờ mới xong. Thế là chúng tôi bàn nhau dồn tiết, cho các em nghỉ sớm để vào xóm làm cho nhanh".

Hóa ra là vì thế, đúng là một chi tiết rất đặc trưng của những nhà giáo ở vùng lòng hồ này, họ không chỉ dạy chữ mà còn kiêm khá nhiều việc mà nếu ở vùng xuôi phụ huynh học sinh mới là người phải chạy đôn đáo để làm cho con em mình.

Con đường đến trường của HS Sơn Hải
Con đường đến trường của HS Sơn Hải

Giản dị một ước mơ

Chiếc thuyền máy do tài công Trương Văn Mừng điều khiển đưa học trò về xóm lại phải cõng thêm mấy nhà giáo và nhà báo khiến nó cứ hộc lên chực trở chứng. Xóm Suối Khoan là nơi xa nhất của xã Sơn Hải, cách duy nhất vào được là đi thuyền. Cả xóm có 11 cháu đang theo học mầm non và tiểu học ngoài điểm trường Đồng Mậm.

Cũng như các hộ dân ngoài thôn, 100% số hộ dân ở đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế trông cả vào mấy thửa ruộng nước ven hồ và nghề chài lưới.

Trước đây, tất cả học sinh đến trường đều đi bằng thuyền chèo tay, người lớn cật lực cũng mất hơn tiếng đồng hồ. Sau có một tổ chức nhân ái đến thăm, có tặng cả xóm một chiếc thuyền máy dùng để đưa đón các cháu tới trường.

Ngoài thời gian đó, phương tiện đi lại có giá trị nhất này được buộc ngoài bến, ai có nhu cầu thì tự đổ xăng mà dùng. Lâu ngày, máy cũ cứ kêu như máy bay, lại uống xăng như thuồng luồng ấy thế mà giải quyết được khối việc cho người dân ở đây: Giao liên này, chở người bệnh đi cấp cứu này, chuyên chở nông sản ra chợ và mang về gạo muối cho cả mấy chục hộ dân.

Vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân trong xóm khá hơn, một số hộ sắm được thuyền máy cá nhân nên tần suất sử dụng chiếc thuyền có ít hơn, chủ yếu là để chở các cháu đi học. 

Cảm nhận đầu tiên chính là sự lạc quan và mến khách của những cư dân vùng lòng hồ này. Vậy là để đi từ bến thuyền vào nhà Trưởng thôn Trương Văn Quảng chúng tôi cũng phải đi mất nửa giờ đồng hồ. Ai cũng muốn mời vào nhà uống nước, nói dăm ba câu chuyện.

Có lẽ điều đó đã "lây" sang cả các thầy cô dạy ở điểm trường nên ai cũng rất vui vẻ và thân thiện. Từ cô Nguyễn Thị Nga có thâm niên lâu nhất với 4 năm bám trường đến cô giáo trẻ Luân Thị Thêu mới vừa nhận việc đầu tháng chín vừa rồi và thầy Lâm Văn Thức - mì chính cánh duy nhất. Ba người kiêm dạy tất cả các môn của năm khối học, trong đó có hai lớp ghép.

Mà nói là lớp cho oai chứ mỗi lớp ở đây chỉ có năm, sáu em. Được cái học trò ở điểm trường rất hiếu học và học khá còn bố mẹ chúng thì lại rất tích cực động viên con em đến trường. Ở đây 100% học trò theo học ở cấp THCS (đương nhiên phải ở trọ ngoài xã đến cuối tuần mới theo được thuyền về).

Riêng ngày thứ hai và thứ sáu, lịch học thay đổi do phải khớp thời gian đưa đón thầy cô và học trò ở trường chính và điểm trường. Ở đây người ta ít khi đi lại trên hồ vào ban đêm, bởi một lẽ lòng hồ quá rộng và không phải chỗ nào cũng có sóng điện thoại để "gọi điện cho người thân" lúc nguy cấp cả. 

Một đêm giữa mênh mông nước và đêm tối ấy mới thấy hết rằng một con đường "xe máy" và đường dây điện vào Đồng Mậm là ước mơ thật "giản dị" của người dân Đồng Mậm. Có đường là người dân có điều kiện để phát triển kinh tế và cũng để thầy trò nơi đây bớt phần gian nan mỗi lúc đến trường. Còn điện, là ánh sáng, là tri thức...  

Trần Thường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ