Vẻ đẹp triết lý trong trích đoạn Bài học đường đời đầu tiên

GD&TĐ - Trích đoạn “Bài học đường đời đầu tiên” được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 6 (tập 2) là một phần chương 1 của “Dế Mèn phiêu lưu ký”, kiệt tác truyện đồng thoại của nhà văn Tô Hoài.

“Dế Mèn phiêu lưu ký” có những bài học nhân sinh nhẹ nhàng nhưng thấm thía.
“Dế Mèn phiêu lưu ký” có những bài học nhân sinh nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

Đây là đoạn trích khá tiêu biểu cho phong cách truyện đồng thoại Tô Hoài mà vẻ đẹp triết lý là đặc điểm tiêu biểu.

Khi nghiên cứu truyện đồng thoại Võ Quảng, Tiến sĩ Lê Nhật Ký nhận thấy “triết lý trong truyện đồng thoại Võ Quảng tồn tại ở cả hai dạng thức hữu ngôn và vô ngôn”(1). Đặc điểm này cũng xuất hiện ở truyện đồng thoại của nhiều tác giả khác mà Tô Hoài là một trong những nhà văn mở đầu và Dế Mèn phiêu lưu ký là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất có ảnh hưởng lớn tới nhiều tác giả truyện đồng thoại đến sau.

Triết lý hữu ngôn

Ở bình diện hữu ngôn, chất triết lý trong Bài học đường đời đầu tiên thể hiện qua những câu thành ngữ mang tính chất đúc kết kinh nghiệm, những lời văn giàu chất trí tuệ. Những lời văn này có trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật và ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện, tập trung vào ngôn ngữ của nhân vật Dế Mèn.

Trong ngôn ngữ hội thoại của nhân vật, ta dễ bắt gặp những lời nói mang đậm chất triết lý. Chẳng hạn, đó là lời khuyên mà Dế Choắt dành cho Dế Mèn trước lúc nhắm mắt: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy”.

Trong ngôn ngữ kể chuyện, chất triết lý cũng bàng bạc. Chẳng hạn, đây là cách người kể chuyện “tôi” nhìn nhận về mình: “Những kẻ xốc nổi thường lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba”. Hoặc như, trước khi kể lại câu chuyện đau lòng, người kể chuyện Dế Mèn đã có lời nhận định: “Hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân mình mà trả nợ cho những cử chỉ ngu dại của mình mà thôi”. Hay như, qua việc quan sát cuộc sống kiếm ăn của các loài quanh bãi nước, Dế Mèn nhận ra: “Những kẻ yếu đuối, vật lộn cật lực thế mà cũng không sống nổi”.

Một số thành ngữ mang tính chất chiêm nghiệm về cuộc sống, nhiều câu văn là mệnh đề nhân quả cũng thường xuyên được nhà văn Tô Hoài sử dụng trong đoạn trích này nhằm gia tăng chất triết lý cho câu chuyện: “Bởi vì quanh quẩn, ai cũng quen thuộc mình cả”; “Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng. Ngộ nhỡ có kẻ nào đến phá thì thật chú chết ngay đuôi”; “Chú có lớn mà chẳng có khôn”…

Trích đoạn Bài học đường đời đầu tiên tuy không dài nhưng bạn đọc có thể bắt gặp không ít những lời văn mang chất triết lý với nhiều mức độ đậm nhạt khác nhau. Tuy những lời văn này xuất hiện khá nhiều nhưng chúng có chung đặc điểm: Ngôn ngữ diễn đạt không khô khan, trừu tượng, mơ hồ; hơn nữa, tất cả đều được nhà văn sử dụng có chủ đích để đem lại những hiệu quả thẩm mỹ quan trọng mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.

Nhà văn Tô Hoài.
Nhà văn Tô Hoài.

Triết lý vô ngôn

Bên cạnh những triết lý hiển lộ trên bề mặt ngôn từ, trong Bài học đường đời đầu tiên, chất triết lý còn ẩn chìm bên dưới những tảng băng ngôn từ. Nó tồn tại ở dạng vô ngôn mà người đọc phải thông qua hình tượng nhân vật, diễn biến câu chuyện cùng kinh nghiệm sống của bản thân để nhận ra.

Có một điều thú vị là trong Bài học đường đời đầu tiên, triết lý vô ngôn lại có những tương hợp nhất định với triết lý hữu ngôn. Trong đoạn trích, triết lý sống “hung hăng, hống hách trước sau gì cũng gây họa cho mình và cho người” được các nhân vật chính (Dế Mèn, Dế Choắt) thường xuyên lặp lại bằng những lời hữu ngôn. Và câu chuyện trong đoạn trích với hành vi dại dột của Dế Mèn cùng kết cục bi thảm của Dế Choắt là sự minh họa thuyết phục nhất cho triết lý trên. Câu chuyện của Mèn và Choắt là hình thức tồn tại của hai kiểu triết lý.

Trong đoạn trích, còn có những triết lý vô ngôn không có sự giới thiệu, bổ trợ tương hợp của triết lý hữu ngôn, tức những lời văn mang trong mình nội dung triết lý. Đó là những triết lý không lời đúng nghĩa. Chúng chìm dưới lớp vỏ ngôn từ. Nhà văn không hề nói đến chúng mà chỉ gửi gắm chúng bằng các thông điệp qua những chi tiết, câu chuyện khác nhau.

Chẳng hạn, ngay ở phần đầu của đoạn trích, qua lời giới thiệu về ngoại hình bản thân của Dế Mèn, ta có thể nhận ra thông điệp: Việc ăn uống, luyện tập điều độ sẽ giúp ta có được một thân thể đẹp và cường tráng. Hoặc như, qua sự nhầm lẫn tai hại của chị Cốc dẫn đến cái chết oan ức, tức tưởi của Dế Choắt, bạn đọc có thể rút ra cho mình bài học:

Vội vàng, nóng giận có thể sẽ gây ra những tai họa khôn lường. Hay như, qua lời nhận định của Mèn về cách sống ăn xổi ở thì của Choắt (“thật chỉ vì đau ốm luôn, không làm được”); cũng như lời thưa buồn bã của Choắt về việc không thể xây được tổ kiên cố vì nghèo sức (“đụng đến việc là em thở rồi, không còn hơi sức đâu mà đào bới bữa”), ta như thấm thía hơn câu thành ngữ “lực bất tòng tâm”…

Nếu như triết lý hữu ngôn hiện rõ trên bề mặt ngôn từ thì triết lý vô ngôn trong Bài học đường đời đầu tiên lại ẩn mình trong các chi tiết, hình tượng. Khó nhận ra nó ngay nhưng bù lại, một khi nhận ra, nó thường để lại ấn tượng sâu hơn. Hơn nữa, cũng như văn bản luôn vận động không hồi kết, những triết lý không lời này sẽ luôn ở trong trạng thái động và liên tục được bổ sung, phát triển thông qua người đọc ở từng độ tuổi, với những kinh nghiệm, vốn sống, nhận thức thẩm mỹ khác nhau. Sức sống mãnh liệt của Dế Mèn phiêu lưu ký có một phần vai trò của điều này.

Vẻ đẹp triết lý

Yếu tố triết lý được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả đã mang đến nhiều giá trị đặc sắc cho trích đoạn Bài học đường đời đầu tiên.

Trước hết, trong tổ chức truyện, yếu tố triết lý làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, gợi dẫn sự tò mò, gợi mở nhiều liên tưởng cho độc giả. Đó là trường hợp Dế Mèn trước khi kể lại “câu chuyện ân hận đầu tiên” của mình đã liên tục suy nghiệm về nó qua hai lời văn đầy chất triết lý: “Hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân mà trả nợ cho những cử chỉ ngu dại của mình thôi” và “Thế mới biết, nếu trót đã không suy tính, lỡ xảy ra những việc dại dột, dù về sau có hối cũng không thể làm lại được”.

Rõ ràng, tuy mang tính triết lý sâu xa nhưng các lời văn trên hàm chứa nhiều thông tin quan trọng: Đã có một hậu quả nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân là do sự “hung hăng”, “hống hách”, “không suy tính”. Chính sự hé lộ này sẽ gợi ý cho độc giả một câu chuyện hấp dẫn sắp sửa được kể, khiến bạn đọc tò mò, không thể không đọc tiếp để tìm ra nguyên nhân và hậu quả của câu chuyện.

Trong xây dựng nhân vật, yếu tố triết lý giúp cho tính cách của nhân vật trở nên sâu sắc, toàn vẹn hơn. Qua lời khuyên đầy triết lý của Dế Choắt ở cuối đoạn trích, người đọc có thể nhận ra ở nhân vật này lòng bao dung, độ lượng, vị tha và sự từng trải, dù Choắt bằng tuổi Mèn. Ở nhân vật Dế Mèn cũng tương tự.

Tại thời điểm câu chuyện diễn ra, Dế Mèn đang là một chàng thanh niên xốc nổi, tự phụ, hiếu thắng và bồng bột. Nhưng khi kể lại câu chuyện về “bài học đường đời đầu tiên”, Dế Mèn đã trải qua những ngày tháng phiêu lưu đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều loài, trải nghiệm, học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Lúc này, tuy vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ nhưng Dế Mèn không còn là anh dế ngông cuồng, liều lĩnh như thuở mới vào đời. Mèn đã trưởng thành, chín chắn, trải việc đời và nhìn nhận mọi thứ một cách sâu sắc hơn. Đó là lý do mà trong ngôn ngữ kể chuyện của Dế Mèn, chất triết lý được thể hiện rất đậm nét, thậm chí ở nhiều nơi, Mèn kể chuyện như một nhà hiền triết.

Trong chức năng giáo dục, yếu tố triết lý giúp cho những thông điệp cuộc sống mà tác giả gửi gắm qua câu chuyện thêm sâu lắng, có sức tác động đến độc giả. Những triết lý hữu ngôn thể hiện qua lời văn sẽ đến với bạn đọc như những danh ngôn về cuộc sống mà chắn hẳn không ít người tìm thấy ở đó sự đồng cảm, hứng thú, tâm đắc.

Những triết lý vô ngôn thể hiện qua tình tiết câu chuyện, hình tượng nhân vật dễ lắng đọng, để lại dư ba trong lòng độc giả. Dài theo năm tháng cuộc đời, những bài học nhân sinh từ câu chuyện của Dế Mèn, Dế Choắt, chị Cốc… hẳn sẽ khiến nhiều người thêm những chiêm nghiệm, nghĩ suy để qua đó, tự soi lấy mình, tự thanh lọc tâm hồn mình. Từ trang văn đến cuộc đời, nhân vật sẽ bước ra khỏi trang sách và bài học của chúng cũng sẽ thành bài học của ta.

Chất triết lý còn góp phần làm đa dạng, hấp dẫn cho ngôn ngữ, phương thức trần thuật của đoạn trích. Ở chương trình Ngữ văn bậc THCS, các em sẽ được làm quen và thực hành với các phương thức biểu cảm, miêu tả, tự sự, nghị luận trong làm văn. Thật may mắn là ở Bài học đường đời đầu tiên, những phương thức này được nhà văn Tô Hoài sử dụng một cách linh hoạt, hợp lý.

Bài học đường đời đầu tiên là một mẫu mực về việc vận dụng các phương thức miêu tả, biểu cảm, nghị luận vào văn tự sự. Đây cũng là đoạn trích tiêu biểu về việc sử dụng hiệu quả vốn từ ngữ phong phú, chính xác và hấp dẫn vào việc miêu tả, kể chuyện, nghị luận. Khai thác tốt điều này, người dạy sẽ có thêm cơ hội tốt để giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng viết văn miêu tả, tự sự. Khai thác tốt chất triết lý trong đoạn trích này, giáo viên cũng có thể giúp học sinh có thêm những kỹ năng trong việc viết văn nghị luận hoặc vận dụng yếu tố nghị luận vào văn miêu tả, tự sự.

____________________________________________________

1. Lê Nhật Ký, “Truyện đồng thoại Võ Quảng - Triết lý hồn nhiên mà sâu xa”, Báo Người lao động online, ngày 5/9/2020.

2. Phong Lê, “Tô Hoài: Những điều còn phải viết”; dẫn theo “Tọa đàm Tô Hoài nhà văn của mọi lứa tuổi”, NXB Kim Đồng, 2020, tr.38.

Giáo sư Phong Lê nhận định rất xác đáng: “Nói tới Tô Hoài, trước và trên tất cả là nói tác giả của Dế Mèn phiêu lưu ký, được viết ở tuổi hai mươi cho bạn đọc lứa tuổi nhỏ; với nó mà ông vững tâm và vững tin đi vào nghề viết; với nó mà sớm khẳng định khả năng, tài năng viết văn”(2). Chỉ với kiệt tác Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài đã sớm xác lập được chỗ đứng quan trọng của một trong những tác giả lớn nhất của nền văn học thiếu nhi Việt Nam.
Dế Mèn phiêu lưu ký là một trong những tác phẩm mở đầu, đồng thời cũng là đỉnh cao của thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam. Tác phẩm thành công trên nhiều phương diện, cho thấy ở Tô Hoài một tài năng nghệ thuật lớn dù khi viết tác phẩm này, nhà văn vừa mới qua tuổi hai mươi. Đây cũng là tác phẩm khá tiêu biểu cho phong cách truyện đồng thoại Tô Hoài với một trong những đặc điểm chính là sử dụng nhuần nhuyễn, hiệu quả yếu tố triết lý trong kể chuyện, xây dựng nhân vật. Chất triết lý trong trích đoạn Bài học đường đời đầu tiên là một minh chứng cho điều này.
Bài học đường đời đầu tiên là đoạn trích hấp dẫn, để lại nhiều dư vị cho độc giả, trong đó có những bài học nhân sinh nhẹ nhàng mà thấm thía. Chất triết lý được thể hiện trên cả hai bình diện hữu ngôn và vô ngôn đã góp phần làm nên sự thành công này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.