Phiêu lưu trên sân khấu
Mong muốn sáng tạo tác phẩm có tính nghệ thuật và tính giải trí cao theo xu hướng mới của thế giới. Đồng thời thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa Việt Nam, nhạc sĩ Vũ Việt Anh và nhạc trưởng Trần Nhật Minh đã hợp tác để xây dựng kịch bản cho vở nhạc kịch hiện đại dựa trên cốt truyện tác phẩm văn học nổi tiếng “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.
Nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký” có lẽ là tác phẩm đầu tiên tại Việt Nam được viết theo phong cách âm nhạc musical broadway, một loại hình sân khấu mới kết hợp mọi kỹ xảo, nghệ thuật thị giác của sân khấu hiện đại với nghệ thuật nhạc kịch được phổ thông hóa kết hợp nhiều loại âm nhạc khác nhau như nhạc pop, rock, jazz…
“Tôi bắt đầu trong ý nghĩ sẽ viết một tác phẩm về phần trẻ thơ trong mỗi con người trưởng thành, nó vẫn ở đâu đó trong mỗi chúng ta, và rồi bước vào và bị cuốn hút bởi thế giới tưởng tượng rộng lớn của nhà văn. Những thông điệp nhà văn đưa ra trong tác phẩm vẫn là vấn đề đối mặt của ngày hôm nay. Tôi cố gắng đưa vào tác phẩm nhạc kịch những điều thấm thía”, nhạc sĩ Việt Anh cho biết.
Một trong những thông điệp của “Dế mèn phiêu lưu ký”, theo nhạc sĩ Việt Anh là chủ nghĩa “xê dịch” của các bạn trẻ, hay lời cảnh báo của thiên nhiên đang bị tàn phá, những mâu thuẫn trong xã hội, đến những giằng xé nội tâm.
Và lớn hơn cả là một thế giới hòa bình của tình bằng hữu, xóa đi những hiểu lầm nghi kỵ… muôn loài hóa anh em. Có khi điều mình tìm kiếm trong cả hành trình phiêu lưu, cả cuộc đời lại đâu đó nơi mảnh vườn bờ ao bên nhà.
Khi biểu diễn với phiên bản hòa nhạc, chưa có diễn xuất sân khấu, nhưng vở nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký” đã gây được tiếng vang lớn trong buổi ra mắt tại Nhà hát TPHCM. Phần âm nhạc đã hoàn thiện, mang hơi thở của nhịp sống mới với sự giao thoa toàn cầu, đồng thời mang những âm điệu tinh tế của âm nhạc truyền thống tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ đối với khán giả.
Nghệ sĩ Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM cho biết, nhà hát đã có vài vở nhạc kịch của lớp cha chú như: Người giữ cồn (Ca Lê Thuần), nhạc cảnh Cầu vượt thác (Lư Nhất Vũ).
Cho đến khi ra mắt vở nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký”, mới thấy phần trẻ thơ của mỗi người trưởng thànhvẫn ở đâu đó trong mỗi con người. Và khi bước vào, bản thân nhạc trưởng cũng bị cuốn hút bởi thế giới tưởng tượng rộng lớn của nhà văn Tô Hoài.
Nghệ sĩ Trần Nhật Minh nói rằng, nhạc kịch “Dế mèn phiêu lưu ký” kết hợp những chất liệu khác nhau của nhạc pop, rock, âm nhạc dân gian và cả nhạc cổ điển. Tuy nhiên, chương trình công diễn chưa có diễn xuất sân khấu vì lý do thời gian gấp rút.
20 năm trước, đạo diễn Đức Hải đã dựng vở “Dế mèn phiêu lưu ký” trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Mới đây, đạo diễn Như Lai bám sát cốt truyện của Tô Hoài, dùng hình thể và lời thoại gần gũi với đời sống hiện tại, cùng nhiều chi tiết mang lại tiếng cười cho khán giả.
Diện âu phục, chân đi giầy!
Không chỉ đem nguồn cảm hứng cho nhạc kịch - sân khấu, “Dế mèn phiêu lưu ký” đã được nhiều họa sĩ ra sức minh họa một cách sinh động. Đáng chú ý, phải kể đến những tên tuổi: Tạ Huy Long – họa sĩ thiết kế chính của Nhà xuất bản Kim Đồng, Ngô Mạnh Lân – họa sĩ thiết kế bộ truyện tranh “Dế mèn phiêu lưu ký” phiên bản bằng tiếng Nga, họa sĩ - đạo diễn Trương Qua, Thành Chương…
Nhưng có lẽ phải kể đến họa sĩ Đậu Đũa (Đậu Thị Ngọc Vinh), sinh năm 1992, với những nét vẽ đầy yêu thương. Hơn 100 bức tranh màu nước minh họa “Dế mèn phiêu lưu ký” được Đậu Đũa phát triển từ đồ án tốt nghiệp khoa Mỹ thuật công nghiệp (Đại học Kiến trúc TPHCM).
Với góc nhìn của một người trẻ thế hệ 9X, họa sĩ Đậu Đũa chủ động để các nhân vật trong tác phẩm xuất hiện trong những bộ âu phục, chân đi giầy. Hiện đại, hài hước nhưng duyên dáng, đó là một đột phá táo bạo. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đó là điều cần thiết vì dù sao hình ảnh các nhân vật trong “Dế mèn phiêu lưu ký” nên “tút tát” – “nâng cấp” để thích ứng với khán giả hiện đại.
Dù rất kiệm lời, ít chia sẻ với người khác về những suy nghĩ bản thân trước một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài. Tuy nhiên, xem tranh của Đậu Đũa, công chúng thấy một sự cộng hưởng, đồng cảm. Từ những nét vẽ, những ẩn ý qua nụ cười, hành động của các nhân vật cho thấy họa sĩ trẻ đã nắm bắt được thần thái cốt lõi của câu chuyện mà Tô Hoài muốn truyền tải.
Dế mèn, Dế trũi, Cào cào, Bọ muỗm, Xén tóc, Cóc, Châu chấu, Kiến... không còn là những côn trùng mà thực sự đã hóa thân thành con người để kể những câu chuyện của thế giới.
Nhân vật chính của tác phẩm là chàng Dế mèn can đảm, tốt bụng, trượng nghĩa nhưng cũng có lúc kiêu căng, ngạo mạn, gây nhiều hậu quả. Tất cả hiện ra đầy màu sắc trong một thế giới sinh động, thu hút người xem giở hết trang cuối cùng.
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, NXB Kim Đồng còn ra mắt “Dế mèn phiêu lưu ký” bản đặc biệt của họa sĩ Ngô Mạnh Lân gồm 3 phiên bản Dế mèn khác nhau được ông minh họa vào các năm 1959, 1972 và 1989.