Món cổ vật 3.300 năm tuổi này đã vừa trở về Viện bảo tàng Ai Cập ở Cairo sau khi bị phục chế hỏng hồi năm 2014. Chòm râu trên mặt nạ vàng ròng của pharaông Ai Cập Tutankhamun đã từng bị gãy rời trong quá trình các chuyên gia làm công tác chăm sóc định kỳ cho chiếc mặt nạ tại Viện bảo tàng Ai Cập hồi tháng 8/2014.
Sau đó, người ta đã tiến hành phục chế một cách vội vàng, gắn lại chòm râu vào chiếc mặt nạ mà không có nhiều suy tính cẩn trọng.
Tại thời điểm chòm râu bị gãy rời ra khỏi chiếc mặt nạ, nó đã ngay lập tức được gắn lại bằng một hợp chất không phù hợp, khiến vẻ đẹp hoàn hảo của món cổ vật vô giá bị ảnh hưởng nặng nề, khiến các nhà khảo cổ học quan tâm tới chiếc mặt nạ rất tức giận vì sự cẩu thả trong công tác chăm sóc và cách phục chế món cổ vật nghìn năm tuổi.
Một đội ngũ các chuyên gia phục chế đồ cổ người Đức và Ai Cập đã cùng hợp tác làm việc từ tháng 10 năm nay và phải mất tới hai tháng mới hoàn tất nhiệm vụ gắn lại chòm râu vào mặt nạ, đồng thời phải đảm bảo vẻ đẹp hoàn hảo không tì vết của chiếc mặt nạ sau phục chế. Giờ đây, kết quả hoàn hảo đó đã được đem trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng.
Các chuyên gia cho biết họ đã sử dụng sáp ong để gắn lại chòm râu, đây cũng chính là nguyên liệu tự nhiên dùng để gắn kết các chi tiết trang trí trên mặt nạ từng được người Ai Cập cổ xưa sử dụng.
Viện bảo tàng Ai Cập ở Cairo - nơi chiếc mặt nạ được đem trưng bày - là một trong những địa điểm hấp dẫn du lịch nhất của Cairo, tuy vậy, đối với sự cố lãm gãy chòm râu của chiếc mặt nạ, 3 nhân vật lãnh đạo cấp cao của viện bảo tàng đã từng đưa ra 3 lý giải khác nhau khiến những người trong giới khảo cổ rất tức giận tại thời điểm sự cố mới xảy ra.
Tuy vậy, có một điều chắc chắn nhất đó là chất keo gắn đã bị sử dụng không phù hợp khiến vẻ đẹp hoàn hảo của chiếc mặt nạ vàng ròng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trước khi cuộc phục chế lần hai được thực hiện, cuộc phục chế thất bại lần một đã tạo nên một khoảng cách xấu xí giữa khuôn mặt của pharaông Tutankhamun và chòm râu, gây nên sự thiếu ăn khớp ngay từ trực quan.
Vì chất keo dính sử dụng trong lần phục chế đầu gắn quá chặt nên quá trình bóc tách chòm râu ra khỏi mặt nạ ở lần phục chế hai đã để lại một vài vết xước, tuy không đáng kể.
Tutankhamun là một pharaông Ai Cập thống trị từ năm 1332-1323 trước Công nguyên, ngài lên ngôi từ lúc 9-10 tuổi, là con trai của pharaông Akhenaten. Khi lên ngôi, Tutankhamun đã lấy người chị gái cùng cha khác mẹ là Ankhesenpaaten theo đúng truyền thống của dòng dõi quý tộc Ai Cập thời bấy giờ.
Tuy vậy, thời gian trị vì của Tutankhamun rất ngắn, ngài qua đời từ năm 19 tuổi, nguyên nhân của sự ra đi quá sớm này được cho là bởi Tutankhamun bị chứng vẹo cột sống quá nặng. Cho tới hôm nay, Tutankhamun vẫn là một trong những pharaông nổi tiếng nhất, người ta đã thực hiện nhiều nghiên cứu về cuộc đời Tutankhamun sau khi tìm thấy lăng mộ của vị pharaông này.
Năm 1907, nhà khảo cổ học người Anh chuyên về lĩnh vực Ai Cập học - Howard Carter đã bắt đầu tiến hành khảo cổ ở khu vực Thung lũng của các vị vua - một địa danh khảo cổ nổi tiếng tại Ai Cập.
Mãi tới tháng 11/1922, nhóm khảo cổ của Carter mới tìm thấy những bậc thang dẫn xuống hầm mộ của Tutankhamun. Đây được xem là phát hiện khảo cổ hoàn thiện nhất từng thấy khi hầm mộ gần như vẫn còn nguyên vẹn dù đã trải qua một số cuộc cướp phá từ thời xa xưa.