Vật liệu thay thế amiăng: Có mà khó dùng

GD&TĐ - Theo Bộ KH&CN, vật liệu thay thế amiăng đã được nghiên cứu thành công, nhưng đến nay vẫn chưa thể chiếm lĩnh thị trường do giá thành còn cao, người dùng ít đón nhận.

Vật liệu thay thế amiăng đã được nghiên cứu thành công.
Vật liệu thay thế amiăng đã được nghiên cứu thành công.

Vật liệu thay thế đã có, nhưng khó dùng

Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đã có Công văn số 1441 thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu trung thực, công khai kết quả để chứng minh có hay không sự nguy hại của amiăng trắng tới sức khoẻ người lao động và người sử dụng.

Các góp ý, đề xuất, phản biện chính sách liên quan đến amiăng trắng cần bảo đảm tính khoa học, đánh giá đúng về amiăng trắng, để người dân hiểu đúng bản chất sự việc, tránh tuyên truyền thái quá gây hoang mang dư luận.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo kiểm tra kết quả áp dụng thực tế các đề tài nghiên cứu khoa học sản xuất tấm lợp.

Ngày 9/10, trả lời câu hỏi về việc Bộ KH&CN tiếp thu chỉ đạo này và thực hiện nghiên cứu vật liệu thay thế amiăng như thế nào, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết đã nhận được công văn về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sau khi nhận được công văn kể trên, phía Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp với Viện Công nghệ thuộc Bộ Công Thương đẩy mạnh việc tiến hành nghiên cứu các giải pháp về các loại vật liệu không amiăng.

“Trước đây, Bộ đã có những đề tài nghiên cứu liên quan tới vấn đề amiăng. Quan điểm của Bộ KH&CN là luôn coi vấn đề sức khỏe của người dân là số một. Chính vì vậy, khi có những luồng dư luận khác nhau về amiăng có ảnh hưởng tới sức khỏe, Bộ đã phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này.

Với những kết quả nghiên cứu cho tới hiện tại, chúng tôi khẳng định đã có vật liệu thay thế vật liệu amiăng. Tuy nhiên, vật liệu không amiăng thì có giá thành cao (có đánh giá cao từ 20 - 40% so với vật liệu amiăng) nên khó khăn cho doanh nghiệp ứng dụng sản xuất vật liệu không amiăng”, ông Nguyễn Đình Hậu cho biết.

GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi amiăng vào phổi sẽ gây ra các triệu chứng viêm, các khối u và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về phổi, nguy hiểm hơn là các bệnh mãn tính như ung thư.

Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộn, khoan… hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường, đổ làm móng nhà…

GS Trình cho biết, amiăng được sử dụng ở Việt Nam từ những năm 60, chủ yếu trong sản xuất tấm lợp chiếm tỷ lệ trên 90%. Số còn lại được sử dụng để sản xuất các loại má phanh, vật liệu cách nhiệt…

Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu khoảng 20.000 tấn amiăng chrysotile, sản xuất khoảng 30 triệu m2 tấm lợp/năm. Khoảng 15% amiăng nhập khẩu được sử dụng trong công nghiệp phân lân nung chảy, sản xuất má phanh, trước đây có đóng tàu, sản xuất nồi hơi... nhưng hiện nay đã dừng.

Có giải pháp công nghệ, nhưng chưa có kinh phí

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Đình Hậu, trong thời gian tới, Bộ KH&CN đẩy mạnh khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu các vật liệu khác (vật liệu không amiăng) với giá thành phù hợp hơn và bảo đảm vấn đề về môi trường, về sức khỏe.

Đồng thời, Bộ sẽ tiến hành phối hợp với các Bộ khác như Bộ Xây dựng, Bộ Y tế để tìm giải pháp cho vấn đề này.

“Theo ghi nhận của Bộ KH&CN, hiện nay tình hình sản xuất của hai khối doanh nghiệp Bắc và Nam vẫn còn khó khăn. Về công nghệ chúng ta đã có vật liệu thay thế nhưng doanh nghiệp cần có kinh phí, đây cũng là vấn đề mà Bộ quan tâm.

Bộ cũng nhận được báo cáo của doanh nghiệp về việc do giá thành cao, vấn đề cạnh tranh nên việc sản xuất, sử dụng sản phẩm amiăng hiện còn chậm.

Do đó sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu giải pháp. Hiện tại, quan trọng nhất vẫn là việc tìm đầu ra, thúc đẩy thị trường cho sản phẩm không amiăng”, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật nhấn mạnh.

Trước đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thống kê từ năm 2015 - 2017, lượng nhập khẩu amiăng trắng về Việt Nam giảm mạnh, lượng sản xuất và tiêu thụ tấm lợp chứa amiăng trắng cũng giảm, lượng tồn kho tăng.

Lý do Bộ Xây dựng xây dựng đề án “cấm sử dụng amiăng trắng”, theo ông Sinh là do “ngày 5/8/2014, WHO và ILO đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc thúc giục Việt Nam ban hành lệnh cấm sử dụng amiăng trắng vào năm 2020". Sau đó, Bộ Y tế cũng có văn bản gửi Thủ tướng nêu quan điểm và sự độc hại của amiăng trắng đối với sức khoẻ con người và một số căn cứ khác.

Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Dự thảo Đề án xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng trắng vào năm 2030. Bộ Xây dựng cho biết đã lấy ý kiến các Bộ, địa phương, các uỷ ban của Quốc hội, hội nghề nghiệp… có 39/42 đơn vị nhất trí với nội dung dự thảo đề án.

Việc nghiên cứu ra các loại vật liệu thay thế amiăng không phải là vấn đề phức tạp, nhưng cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp thì mới có thể nhân rộng, thay thế dần dần amiăng trắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.