Cảnh báo vật liệu amiăng gây ung thư, Bộ Xây dựng nói gì?

Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến về ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khỏe con người.

Tấm lợp bằng amiăng (ảnh minh họa:KT)
Tấm lợp bằng amiăng (ảnh minh họa:KT)

Gần đây, có nhiều thông tin về việc sử dụng vật liệu amiăng có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người. Trong đó, đáng chú ý là tại Hội thảo khoa học “Amiăng với sức khỏe” do Bộ Y tế phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, vấn đề này lại được đề cập và có những cảnh báo mạnh mẽ về những nguy cơ gây hại của vật liệu amiăng đối với con người, đặc biệt là cảnh báo “tất cả các dạng amiăng đều có khả năng gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho chất gây ung thư”.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện có hàng ngàn sản phẩm thương mại sử dụng amiăng như tấm lợp AC, tấm cách âm, phanh ô tô... Ngoài ra, trong quy trình khai thác mỏ, đóng tàu thủy, phá dỡ hoặc cải tạo các công trình kiến trúc đều có sử dụng vật liệu amiăng…

Bộ Xây dựng đang... lắng nghe

Trước những khuyến cáo mạnh mẽ và nhiều quốc gia đã cấm sử dụng amiăng trắng, liệu Việt Nam có đang đi ngược xu hướng chung của thế giới? Phóng viên VOV.VN đặt vấn đề này với Bộ Xây dựng, với tư cách là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng..., 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, “với quan điểm bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường là trên hết, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đảm bảo kiểm soát an toàn việc sản xuất và sử dụng tấm lợp có amiăng trắng tại Việt Nam và tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học, cập nhật các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế về ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khỏe con người để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp phù hợp trong quản lý, kiểm soát việc sản xuất, sử dụng đối với loại vật liệu này”.

Theo lý giải của ông Nguyễn Trần Nam, trên thế giới hiện nay vẫn đang tồn tại hai luồng quan điểm về ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khỏe con người. 

Quan điểm thứ nhất cho rằng amiăng trắng là chất độc hại, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và ủng hộ việc cấm sử dụng amiăng trắng. 

Quan điểm thứ hai cho rằng, chưa có bằng chứng thuyết phục về việc amiăng trắng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, do đó ủng hộ việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất với điều kiện có kiểm soát an toàn.

Cũng theo ông Nam, hiện tại, có 28 quốc gia thuộc liên minh châu Âu cấm sử dụng tất cả các loại amiăng. Còn 149 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang cho phép sử dụng amiăng trắng trong sản xuất với điều kiện có kiểm soát chặt chẽ theo quy định Công ước quốc tế 162 năm 1986 của Tổ chức lao động quốc tế.

Cần đánh giá toàn diện ảnh hưởng của amiăng trắng tới sức khỏe con người

Liên quan đến thông tin cảnh báo trái chiều về tác hại và những nguy cơ tiềm ẩn từ việc sử dụng vật liệu amiăng, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp tại Việt Nam”.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: tại hội thảo này, vẫn có 2 luồng ý kiến: với luồng ý kiến thứ nhất, tất cả các loại amiăng đều gây ung thư; còn luồng ý kiến thứ 2 cho rằng, đến thời điểm này chưa có đủ căn cứ khoa học và thực tiễn chứng tỏ rằng amiăng trắng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là tác nhân gây bệnh ung thư..., do đó tại Việt Nam vẫn nên cho phép sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp với điều kiện có kiểm soát an toàn.

Hiện tại, Bộ Xây dựng vẫn đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan khoa học chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của vật liệu amiăng trắng đến sức khỏe con người, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bàn biện pháp quản lý.

Trong đó, Bộ Xây dựng có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì nghiên cứu để đánh giá toàn diện ảnh hưởng của amiăng trắng tới sức khỏe con người tại Việt Nam.

Theo vov

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ