Amiăng gây ung thư
Theo báo cáo của WHO và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các bệnh liên quan đến amiăng là ung thư phổi, u trung biểu mô, xơ phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng… Tất cả các dạng amiăng đều có thể gây ung thư ở nhiều thể.
Hai tổ chức này khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ mọi bệnh liên quan tới loại vật liệu này. Do vậy, Việt Nam nên cấm sử dụng amiăng và sử dụng các vật liệu thay thế mà hiện nay hoàn toàn đủ điều kiện.
GS Nguyễn Thúc Tuyên, nguyên giảng viên Bộ môn Vật liệu xây dựng, Trường ĐH Thủy lợi cho biết, Pháp là nước sản xuất công nghệ xi măng bê tông đầu tiên trên thế giới, nhưng cách đây rất lâu đã cấm sản xuất vật liệu này.
Đến nay, người Pháp hoàn toàn không sử dụng tấm lợp amiăng nữa. Ở Việt Nam, khoảng 5 - 7 năm trở lại đây cũng dấy lên nhiều luồng ý kiến về việc cấm sản xuất amiăng, nhưng sau đó lại chìm xuống. Mãi đến gần đây người ta mới quan tâm đến vấn đề này.
Theo GS Nguyễn Thúc Tuyên, thành phần của tấm lợp amiăng là xi măng, một số hóa chất và amiăng. Amiăng giúp cho tấm lợp trở nên dai hơn, bền hơn. Amiăng ở dạng bột nên khi sản xuất, công nhân rất dễ hít phải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến ung thư mà WHO khuyến cáo.
Mặt khác, người sử dụng tấm lợp amiăng làm mái, tường cũng có khả năng gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Đặc biệt với tập tính sinh hoạt của nhiều người dân Việt Nam là hứng nước mưa để sử dụng. Với mái nhà lợp bằng amiăng, chất amiăng sẽ ngấm vào trong nước, gây hại cho cơ thể.
Cần cấm theo lộ trình
Theo lộ trình từ năm 2023 sẽ chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng (hay còn gọi là Fibro ximăng) do lo ngại amiăng trắng độc hại và là tác nhân gây ung thư đã được WHO, Bộ Y tế cảnh báo rất nhiều lần.
Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội tấm lợp Việt lại quả quyết amiăng trắng không nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng bằng việc gửi tài liệu liên quan đến nhiều cơ quan báo chí.
Theo Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi amiăng vào phổi sẽ gây ra các triệu chứng viêm, các khối u và là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về phổi, nguy hiểm hơn là các bệnh mãn tính như ung thư.
Tại Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào do amiăng trắng gây ra. Vậy, tại sao lại vận động cấm amiăng trắng?
Cũng theo Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đức, Áo, Australia, Hoa Kỳ, Canada cho thấy, không phát hiện bụi sợi amiăng trong các khu dân cư có mái lợp amiăng xi măng.
Các nghiên cứu khác cũng đều cho thấy, bệnh đường hô hấp, sức khỏe và tuổi thọ của người dân tiếp xúc với amiăng trắng không có gì khác so với những người không tiếp xúc.
Hiệp hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được phép sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp.
Tìm vật liệu thay thế
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có tuổi đời trẻ, dưới 15 năm, trong khi thời gian ủ bệnh lại từ 15 năm trở lên nên người lao động tại các cơ sở sản xuất nhỏ ít có điều kiện kiểm tra sức khỏe; Kinh nghiệm chẩn đoán, phát hiện amiăng còn ít, nguồn lực kém trong khi đó bệnh amiăng khá phức tạp, không dễ phát hiện; Ngoài ra, các nghiên cứu dịch tễ học của Việt Nam còn chưa sâu.
Mặc dù các kết quả điều tra về những bệnh liên quan đến amiăng ở Việt Nam chưa đưa ra những con số báo động về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết do amiăng vì nhiều lý do khác nhau nhưng các nghiên cứu của những nước tiên tiến trên thế giới đã chỉ ra tính nguy hiểm của amiăng cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết ngày càng tăng cao của những người tiếp xúc với amiăng.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, hiện nay, tại nước ta có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp có amiăng. Tại cộng đồng, người dân sử dụng tấm lợp amiăng để lợp mái nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi.
Người sử dụng tấm lợp Fibro xi măng có nguy cơ nhiễm amiăng từ hoạt động khoan, cắt, lắp đặt, tháo dỡ tấm lợp Fibro xi măng, từ nguồn phế thải tấm lợp Fibro xi măng. Các chất thải có chứa amiăng có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư do sợi amiăng xâm nhập cơ thể qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da.
Thí dụ, khi sợi amiăng được hít vào cơ thể qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi, gây tổn thương tế bào biểu mô, dẫn tới các bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10 - 40 năm.
GS Nguyễn Thúc Tuyên cho biết, trước đây các nhà khoa học Việt cũng đã đi tìm nhiều loại vật liệu khác nhau để thay thế tấm lợp amiăng.
Ban đầu, các nhà khoa học sử dụng sợi đay, xơ dừa để làm tấm lợp. Nhưng khi sử dụng, người dân trèo lên mái nhà thì tấm lợp rất giòn, dễ gãy. Sau này người ta sử dụng bột nghiền nhỏ từ các thùng cacton để làm mái, tuy nhiên khả năng chống chịu với nước rất thấp, độ bền không cao.
Hiện nay, một giải pháp được các nhà khoa học đưa ra là sử dụng vật liệu sợi nhựa polyme để thay thế. Đây là một loại vật liệu không độc hại, tuy không bền bằng amiăng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của tấm lợp. Giá thành của loại vật liệu này cao hơn, nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài chứ hiện chúng ta chưa tự sản xuất được.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn với người sử dụng vật liệu amiăng đã hiện hữu. Việc tìm ra một vật liệu thay thế là cần thiết. Các hệ quả nguy hại của việc hít phải sợi amiăng đã được ghi nhận đầy đủ trong các tài liệu từ đầu thế kỷ trước và các đặc điểm gây ung thư của amiăng được ghi nhận từ những năm 1950. Các nước làm được thì Việt Nam cũng làm được.
Theo GS Nguyễn Thúc Tuyên, một khó khăn trong việc triển khai các vật liệu mới thay thế tấm lợp amiăng ở nước ta là hiện có rất nhiều công ty sản xuất tấm lợp amiăng với hàng nghìn công nhân lao động.
Nếu thay thế tấm lợp này đồng nghĩa với việc nhiều công nhân sẽ mất việc, bởi thế vẫn có những luồng ý kiến phản đối việc thay thế vật liệu này. Lập luận của họ đưa ra thường là “chưa có ai chết vì tấm lợp”. Nhưng nhìn nhận khách quan, khi cả thế giới đã công nhận là độc hại, thì chúng ta không thể đi ngược lại. Đã đến lúc phải mạnh dạn thay thế.