“Vầng trăng khuyết” đi lên bằng nghề cha ông

GD&TĐ - Câu chuyện khởi nghiệp với người bình thường đã khó nhưng với người khuyết tật, để thành công là một nghị lực, ý chí bền bỉ, không từ bỏ.

Anh Nguyễn Ngọc Thưởng (đeo kính) sinh hoạt câu lạc bộ thanh niên khuyết tật. Ảnh: NVCC
Anh Nguyễn Ngọc Thưởng (đeo kính) sinh hoạt câu lạc bộ thanh niên khuyết tật. Ảnh: NVCC

Phó Bí thư Chi đoàn làm giàu từ vườn quất quê hương

Đầu năm 2011, sau khi rời ghế nhà trường, Hà Đăng Anh (sinh năm 1991, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) không may gặp tai nạn lao động mất đi cánh tay phải. Từ một thanh niên khỏe mạnh, anh trở thành người khuyết tật nên cảm thấy rất hụt hẫng và chán nản.

Cuối năm đó, anh đăng ký học lớp Cao đẳng công nghệ thông tin. Sau khi ra trường, anh đi làm kỹ thuật viên ngành Công nghệ thông tin tại Vĩnh Phúc. Song, do bản thân mất đi một cánh tay phải nên gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, vì vậy anh quyết định trở về địa phương để lập nghiệp.

Năm 2015, trở về địa phương khi là một Đảng viên, với tinh thần tuổi trẻ không chịu lùi bước, anh quyết tâm làm kinh tế với mô hình chăn nuôi lợn. Ban đầu, kinh nghiệm chưa có nhiều nên anh chỉ dám nuôi 3 lợn nái lấy giống để gối nuôi lợn thịt và mỗi lượt nuôi chỉ từ 40 - 50 con lợn thịt.

Đến năm thứ hai anh đã bàn với gia đình mở rộng quy mô nuôi lên, xây dựng thêm chuồng và gây thêm số lượng lợn nái và lợn thịt. Hàng năm, trừ mọi chi phí mô hình chăn nuôi của anh thu nhập khoảng gần 200 triệu đồng/năm.

Thanh Hà là một xã thuần nông chuyên trồng lúa nước, mức thu nhập thấp, không có nghề phụ. Nhân dân chủ yếu tham gia lao động tại các công ty. Hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, người dân lại vận chuyển quất cảnh từ nơi khác đến để cung cấp cho người dân. Nhận thấy cây quất là loại có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc trong khi trên địa bàn xã và các địa phương lân cận không có người trồng. Hơn nữa, xã Thanh Hà có đất phù sa, nằm ven sông Hồng nên thuận lợi cho đầu tư thâm canh, anh đã mạnh dạn đầu vào dự án trồng quất.

Với tổng diện tích là 1,1 ha, anh đã trồng 2.500 cây quất, với nguồn vốn đầu tư cho dự án khoảng 400 triệu đồng. Ngoài số tiền tích lũy, anh vay thêm 200 triệu đồng để đầu tư mua cây giống, chậu, hệ thống tưới nước, thuốc… và thuê mặt bằng. Sản phẩm tạo ra chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào dịp Tết Nguyên đán. Giá bán trung bình của các loại cây cảnh này dao động từ 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/cây, quất bonsai phổ biến khoảng 700 nghìn đồng/lọ, những cây đặc biệt có dáng độc và lạ có giá cao hơn. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận trung bình của 1 năm đạt khoảng 200 triệu đồng/năm, tạo công ăn, việc làm cho 2 đoàn viên chăm sóc về kỹ thuật và chăm bón.

Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn nhiệt tình tham gia công tác Đoàn, Hội và giữ chức vụ Phó Bí thư Chi đoàn. Để có thành quả như ngày hôm nay bản thân anh cũng tự phải động viên và vượt lên chính mình, nuôi ý chí, nghị lực bản thân và không ngừng học hỏi kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo Hà Đăng Anh, vấn đề mấu chốt trong kinh doanh, phát triển kinh tế là cần phải biết học hỏi lắng nghe ý kiến, chắt lọc thông tin, nghiên cứu thị trường.

Anh Y Phăng Mlô bên chậu cảnh tự sản xuất để kinh doanh. Ảnh: NVCC
Anh Y Phăng Mlô bên chậu cảnh tự sản xuất để kinh doanh. Ảnh: NVCC

Quyết không từ bỏ

Anh Nguyễn Ngọc Thưởng (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) không được may mắn như nhiều người. Sinh năm 1994, năm lên 6 tuổi, Thưởng đã trải qua cơn sốt kéo dài không may để lại biến chứng khiến chân trái bị bại liệt, chỉ có thể di chuyển nhờ vào đôi nạng. Gia đình lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, cha thì làm nông, mẹ phải làm lao công ở bệnh viện để trang trải kinh tế gia đình và lo cho em. Học hết lớp 12, anh mưu sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Sau 4 năm, anh lại muốn trở về quê hương tự lập, xây dựng mô hình phát triển kinh tế từ việc chăn nuôi, trồng trọt và kề cận bên cha mẹ già.

Lập nghiệp với số vốn ít ỏi, anh bắt đầu từ mô hình chăn nuôi gà với số lượng trên 200 con và nuôi cá. Nhưng do chưa được tập huấn tìm hiểu về quy trình chăn nuôi nên bước đầu Thưởng gặp rất nhiều khó khăn và thất thoát nhiều, hiệu quả chưa cao.

Không nản chí, Thưởng tiếp tục nuôi đợt 2, rồi đợt 3,… May mắn anh được giới thiệu tham gia vào tổ chức Đoàn - Hội và thường xuyên hỗ trợ về tinh thần, giúp tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang. Từ đây, anh được đưa đi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nên anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Anh Thưởng đã bước đầu thành công với mô hình chăn nuôi và mang lại hiệu quả cao với quy mô nhỏ khoảng 500 con.

Từ lợi nhuận của đàn gà đầu tiên, anh mở rộng thêm quy mô lên 5.000 con mỗi năm xuất bán 2 lần trừ các chi phí lợi nhuận còn lại khoảng 100 triệu đồng/năm. Từ đó tình hình kinh tế của gia đình ngày càng ổn định, bền vững. Từ khi tiếp nhận được vốn vay, anh đã mạnh dạn thực hiện mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi trong gia đình. Tiết kiệm được ít vốn, lại được mạnh thường quân và Đoàn phường hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố. Qua đó anh và gia đình an tâm sinh sống và phát triển kinh tế, góp phát triển kinh tế địa phương.

Anh Y Phăng Mlô cũng là tấm gương về nghị lực sống, vượt lên số phận và làm giàu từ mảnh đất quê hương. Anh là người dân tộc Ê đê, sinh năm 1991 tại xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Năm lên 2 tuổi, Y Phăng Mlô bị bệnh nên phải tiêm thuốc. Do điều kiện khó khăn nên chất lượng y tế không được đảm bảo. Sau khi tiêm, anh bị đứt dây thần kinh dẫn đến bị liệt một chân vĩnh viễn và cũng từ đó, chiếc xe lăn hay cái nạng luôn là người bạn đồng hành.

Câu chuyện khởi nghiệp với người bình thường đã khó, với những người khuyết tật lại càng khó hơn. Thế nhưng, với anh, mỗi khó khăn là một bài học, mỗi lần vấp là để trưởng thành hơn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng chậu cảnh ở địa phương khá lớn, anh đã lên ý tưởng đúc chậu xi măng để bán.

Sau nhiều lần mày mò, làm đi làm lại, anh đã tạo ra được những sản phẩm khá bắt mắt. Với bản tính cần cù, anh tự tìm tòi sáng tạo được khoảng trên 20 kiểu dáng từ chậu cảnh đến bàn ghế. Thậm chí, trong những đợt cao điểm, khách đặt hàng số lượng lớn hay những sản phẩm có kích thước lớn, anh phải thuê thêm người phụ giúp. Bình quân mỗi năm, anh bán ra thị trường hàng trăm chậu cảnh các loại, sau khi trừ hết chi phí đầu tư cũng mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ