Cho những vầng trăng khuyết được tròn

GD&TĐ - Hai mươi hai năm giảng dạy ở Trường Chuyên biệt Tương Lai (TP Đà Nẵng), cô giáo Trương Thị Ngọc Hà, giáo viên vừa được vinh danh trong Giải Võ Trường Toản lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng, cho rằng mình không có bí quyết gì ngoài tình yêu thương.

Cô Ngọc Hà trong một tiết dạy
Cô Ngọc Hà trong một tiết dạy

Hơn cả một người mẹ

Đảm nhiệm giảng dạy lớp C6 và C7, tương đương với trình độ lớp 5, HS đã hình thành được những kỹ năng cơ bản, thế nhưng, cô giáo Trương Thị Ngọc Hà không vì thế mà nhàn hơn.

“Các em ra lớp muộn nên ở độ tuổi này, cần phải được trang bị các kiến thức về giáo dục giới tính, rồi những “ẩm ương” của độ tuổi mới lớn. Dù nhận thức của các em phần nào bị hạn chế nhưng sinh lý thì vẫn phát triển bình thường. Vì vậy mình phải tập cho HS thói quen giữ khoảng cách giữa bạn khác giới và cách xử lý những tình huống gặp phải khi HS không có người thân đi cùng để các em có thể tự bảo vệ mình” - cô Ngọc Hà chia sẻ.

Ví như để HS giữ khoảng cách an toàn với các bạn khác giới, cô giáo phải kiên trì nhắc đi nhắc lại trong những buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, trong các tình huống có thể liên hệ… Trong túi xách của cô Ngọc Hà, luôn dự trữ sẵn băng vệ sinh để dùng cho HS nữ, vì không phải phụ huynh nào cũng chu đáo chuẩn bị sẵn cho con, mà “HS mình thì không được nhanh nhẹn như các HS khác, mỗi chuyện hướng dẫn HS tự vệ sinh cũng cần cô giáo thật kiên trì, nhẫn nại”.

Khi hỏi về công việc, cô không nói nhiều về những vất vả của mình ở một môi trường giáo dục đặc biệt mà ở đó, có khi để hướng dẫn cho các em một phép tính đơn giản như 2x2 cũng phải mất hằng tuần, có khi hằng tháng trời. “Ngày đầu về giảng dạy ở một môi trường chuyên biệt mà mình chưa hề được trải qua trong các tiết học ở giảng đường khó khăn chồng chất, có lúc tưởng chừng hụt hơi.

Nhưng dần dà, tiếp xúc với các con, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư của các con mình mới hiểu rằng, chịu sự khiếm khuyết đã là một điều quá bất hạnh nhưng mình tận tâm bù đắp cho các con thì sẽ chia bớt được nỗi đau phần nào. Nghĩ vậy là mình ở lại, cho tới bây giờ” - cô Hà chia sẻ.

Trong câu chuyện, đôi khi giọng cô Hà chùng xuống: “Phụ huynh bây giờ gần như không còn giấu diếm tình trạng khuyết tật của con, đã chủ động đưa con đến trường sớm hơn chứ không để trẻ quá tuổi đi học như trước đây. Thế nhưng, cũng có không ít phụ huynh không tin vào khả năng cải thiện các kỹ năng của trẻ nên buông luôn. Gặp những trường hợp đó, mình vừa phải động viên phụ huynh, vừa phải là chỗ dựa vững vàng cho cả HS. Chứ phụ huynh buông mà mình cũng buông theo thì coi như đã buông bỏ một đứa trẻ bất hạnh”.

Những năm mới thành lập trường, cô Ngọc Hà và đồng nghiệp phải thường xuyên đến tận nhà vận động. Thuyết phục cha mẹ cho con đến trường không phải chuyện dễ vì có một đứa con không may khiếm khuyết là cả nỗi đau, họ giấu luôn cả nỗi đau và đứa con khuyết tật ở trong nhà.

 Năm học 2016-2017, nhà trường quyết định mở thêm lớp C6, C7 (dành cho độ tuổi 10-16 và tương đương với trình độ lớp 5. Chương trình C6, C7 là một giải pháp của nhà trường để có thêm khoảng thời gian giúp HS định hình các kỹ năng xã hội và hướng nghiệp. Vì thế, cô Trương Thị Ngọc Hà phải tự biên soạn chương trình giảng dạy, chịu trách nhiệm phản biện trước hội đồng chuyên môn, tự soạn và điều chỉnh giáo án.

Lại thêm trường thiếu GV nên cùng một lúc, cô phải “gánh” HS của hai lớp dồn lại một. “Những khó khăn ấy không là gì khi nhà trường đã tìm được lời giải cho bài toán nối dài đường học tập cho HS khuyết tật trí tuệ là chúng tôi hạnh phúc rồi” - cô Ngọc Hà chia sẻ.

Trao yêu thương, nhận lại ngọt ngào

Niềm vui với cô giáo Trương Thị Ngọc Hà chỉ đơn giản là khi HS thực hiện được một phép tính nhân đơn giản mà cô giáo không phải hướng dẫn nhiều, là một tiếng chào, là cái ôm ấm áp của học trò. “Với GV dạy HS bình thường, họ vui khi HS của mình đạt giải, đỗ đại học, niềm hạnh phúc ấy với mình tôi chỉ đơn giản là khi HS giải được một bài toán hay đọc suôn sẻ một đoạn văn, thậm chí là chỉ cần các em viết đúng được tên của mình, tự phục vụ được bản thân cũng đã là quý rồi”.

Hơn 20 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, cô Hà khẳng định rằng, nếu trẻ được đưa đến trường sớm, được tiếp cận với phương pháp sư phạm đặc thù chuẩn mực thì các em có thể trở thành một công dân tốt, thậm chí trở thành những công dân có ích cho xã hội. Thế nên, theo như cô Hà, “phụ huynh đừng vì mặc cảm mà giấu các em ở trong nhà, không cho các em đi học, bởi như thế là thêm một bàn tay đẩy các em ra ngoài lề xã hội”.

Học sinh cũ của cô Ngọc Hà đã có khoảng 10 em lập gia đình. Lần nào nhận được thiệp mời đám cưới của học trò cũ, cô Hà cũng đều vui mừng đến rớt nước mắt nên dù xa đến mấy, cô cũng thu xếp để có mặt trong ngày vui của các em. Những âu lo của người mẹ khiến cô còn theo suốt các em trên những chặng đường đời.

“Cứ nghe tin em nào báo đã sinh con, mình lại đến gặp ông bà đôi bên để tìm cách hỗ trợ cho các em chăm sóc con nhỏ, làm sao để cháu có đủ điều kiện phát triển ngôn ngữ bình thường”. Cô Hà kể mà mắt đỏ hoe: “Hạnh phúc nhất của mình là các trò đều có một đến hai con và cháu nào ra đời cũng bụ bẫm, mạnh khỏe bình thường”.

Vào mỗi cuối buổi chiều, cô Trương Thị Ngọc Hà bao giờ cũng nán lại chờ cho đến khi học sinh của cô ra về trước. Cô bảo, các em có thói quen lúc ra về là chào cô giáo nên ngày nào cô cũng đứng đợi ở bậc tam cấp dẫn vào trường. “HS khuyết tật một khi đã tin tưởng thì yêu thương cô giáo vô điều kiện nên mình phải chuẩn mực để các em không thất vọng”.

Hơn 20 năm qua, cô Trương Thị Ngọc Hà vẫn luôn tâm niệm phải nỗ lực hết mình để giúp HS có kỹ năng hòa nhập, để sống có ích và làm sao “để khi gặp lại cô giáo cũ, các em vẫn nhận ra cô giáo và đang sống có ích là điều mình hằng mong mỏi”.

Theo Tài Hoa Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.