Vì mới nên chắc chắn không tránh khỏi “vạn sự khởi đầu nan”. Một số hiệu trưởng cho biết còn lúng túng trong việc sắp xếp thời khóa biểu, bố trí GV đứng lớp với các môn học mới. Chưa kể, chuẩn bị cho Chương trình, SGK mới đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng công tác tập huấn GV. Có ý kiến lo lắng, môn Khoa học tự nhiên được bố trí theo chủ đề, trong đó những chủ đề đầu liên quan nhiều đến phân môn Hóa học; những chủ đề sau liên quan đến Sinh học, Vật lý.
Vì vậy, nếu không bố trí hợp lý, giai đoạn đầu GV phân môn Hóa học sẽ rất vất vả; trong khi GV các phân môn Vật lý, Sinh học lại không có nội dung để lên lớp. Thêm nữa, hai môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý được tạo thành từ các phân môn khác nhau. Tuy nhiên, việc hình thành hai môn học trên không đơn thuần là việc ghép cơ học giữa các phân môn, mà có nhiều chủ đề tích hợp liên môn; trong 1 chủ đề có nhiều kiến thức thuộc các môn học khác nhau. Do đó, ở những năm đầu thực hiện sẽ khó khăn cho việc bố trí GV giảng dạy những nội dung tích hợp, liên môn đó.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy, chương trình môn “Lịch sử và Địa lý” được thiết kế theo các phần Lịch sử và Địa lý tương đối độc lập; ở mỗi lớp 7, 8, 9 có 1 chủ đề chung (6 - 10 tiết). Vì vậy, việc bố trí GV dạy môn này cơ bản GV không thay đổi so với chương trình hiện hành. Đối với các chủ đề chung, 2 GV cùng dạy 1 lớp sẽ phối hợp với nhau để thực hiện.
Tổng số tiết của 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học trong chương trình hiện hành là 595 tiết. Trong khi đó, tổng số tiết của môn Khoa học tự nhiên là 560 tiết. Số tiết của môn Khoa học tự nhiên (3 tiết/tuần) ít hơn 35 tiết so với tổng số tiết của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình hiện hành, nên sẽ không có sự xáo trộn về số lượng GV trong mỗi nhà trường; chỉ khác trong sự phân công, xếp thời khóa biểu.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản 2613/BGDĐT-GDTrH, trong đó lưu ý cụ thể tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục lớp 6 năm học 2021 - 2022. Các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu kỹ, bám sát, vận dụng linh hoạt, sáng tạo Văn bản 2613 khi triển khai. Cùng với đó, chủ động xây dựng, bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục năm học khoa học, sư phạm, không gây áp lực cho học sinh, GV.
Bên cạnh phân công chuyên môn GV hợp lý, linh hoạt, phù hợp với tình hình đội ngũ của nhà trường, các trường cũng cần chủ động sắp xếp thời khóa biểu khoa học, hợp lý, tránh để quá tải cục bộ cho từng GV. Đặc biệt, cần tổ chức cho GV nghiên cứu kỹ nội dung SGK, hiểu ý tưởng các tác giả viết sách, từ đó vận dụng sáng tạo, linh hoạt phù hợp với đối tượng GV, học sinh, trang thiết bị nhà trường để đạt được hiệu quả cao nhất.
Hiện, chúng ta mới chỉ có GV dạy đơn môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý), chưa có GV đảm nhiệm dạy học được toàn bộ các phân môn của môn Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lý. Do vậy, việc bồi dưỡng GV cần tập trung vào nâng cao năng lực sư phạm để thực hiện tốt phương pháp dạy học tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thầy cô được khuyến khích học thêm các học phần bổ sung kiến thức chuyên môn để có thể đảm nhận từ 2 phân môn, tiến tới đảm nhận toàn bộ chương trình môn học. Đối với đào tạo GV mới, các trường sư phạm đã xây dựng chương trình đào tạo GV cấp THCS để dạy học môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý…
Với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sự quan tâm tạo điều kiện tốt nhất về đội ngũ, cơ sở vật chất của địa phương; quyết tâm của mỗi nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên sẽ quyết định thành công khi thời gian triển khai chương trình mới với lớp 6 đang đến rất gần.