Vận động kiểu… “du kích”
Năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT-TH) Chung Chải số 1 (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên) có 409 học sinh theo học, trong đó, có 95 học sinh khối lớp 2. Theo thống kê, nhà trường có 83% học sinh diện hộ nghèo. Bởi vậy, việc bố trí kinh phí mua sắm SGK cho con em hết sức khó khăn.
Nắm rõ được hoàn cảnh và đời sống người dân, Ban giám hiệu nhà trường đã linh hoạt vận dụng nhiều biện pháp để trang bị SGK cho học trò.
“Khi Nghị định 86 còn hiệu lực, chúng tôi linh hoạt chuyển nguồn này sang mua sách. Giờ quy định hết hiệu lực, đành phải tính đến các phương án vận động xã hội hóa”, thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường nói.
Sau khi kết thúc năm học 2020 - 2021, Ban giám hiệu nhà trường đã họp, bàn với phụ huynh quyên tặng và cho nhà trường xin lại 95 bộ SGK lớp 1 (Toán, Tiếng Việt) và toàn bộ SGK các lớp 3, 4, 5. Số sách xin được sẽ lưu giữ tại thư viện nhà trường rồi cho học sinh lớp sau mượn tiếp.
“Không xin lại, các cháu mang về không bảo quản, vứt đi rất lãng phí. Vì thế, với những tài liệu có thể tận dụng được, chúng tôi cất giữ, năm sau cho các cháu mà gia đình không thể mua được”, thầy Khiêm chia sẻ thêm.
Trong những ngày hè, thay vì nghỉ ngơi, những giáo viên Trường PTDTBT - TH Chung Chải số 1 ở lại trường, tỏa đi khắp các bản, đến từng nhà học sinh vận động. Họ tuyên truyền phụ huynh dành tiền mua sách. Với những gia đình quá nghèo, giáo viên sẵn sàng kêu gọi bạn bè từ khắp nơi chung tay chia sẻ.
“Chúng tôi phải tính toán xem thời điểm nào bà con có thu nhập mới lên vận động. Mỗi lần lên bản cũng chẳng dám đề xuất họ mua trọn bộ SGK một lần đâu, phải chia nhỏ ra. Ví dụ đợt vừa rồi chúng tôi lên vận động, vì khó khăn quá nên mỗi nhà mua trước 2 cuốn Toán, Tiếng Việt. Đợt sau lên lại vận động góp tiền mua thêm vài cuốn nữa”, thầy Khiêm nói thêm.
Xã hội hóa cả ý thức phụ huynh
Năm học 2021 - 2022, tỉnh Lai Châu dự kiến có khoảng 10 nghìn học sinh ở 58 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn theo học lớp 2 và lớp 6. Theo tính toán ban đầu của ngành GD-ĐT Lai Châu, những học sinh này sẽ được hỗ trợ sách. Lai Châu sẽ áp dụng nguồn kinh phí mua sắm theo tinh thần Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, Nghị quyết này cũng vừa hết hiệu lực thi hành nên ngành GD-ĐT các huyện, thành phố cũng chưa biết sẽ lấy kinh phí từ đâu.
“Do là thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân tỉnh nên đến nay vẫn chưa có Nghị quyết mới thay thế, năm học mới thì cũng sắp đến gần. Trong lúc này, chúng tôi đang xây dựng nhiều phương án để tham mưu với UBND huyện tính toán, phân bổ nguồn ngân sách hợp lý”, ông Khổng Văn Thiện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ nói.
Năm học tới, huyện Phong Thổ có 978 học sinh lớp 2, lớp 6 diện con em hộ nghèo và cận nghèo. Một trong những phương án mà ngành GD-ĐT huyện đưa ra là tham mưu với huyện đầu tư 315 triệu đồng để mua sắm 535 bộ SGK cho học sinh. Cùng với đó, ngành cũng tham mưu thêm phương án mua sắm SGK cho tất cả học sinh đang theo học tại các xã đặc biệt khó khăn. Với đối tượng này, huyện Phong Thổ sẽ cần khoảng 1 tỷ đồng để mua hơn 3.200 bộ cho gần 1.500 em.
“Cùng với việc tham mưu với UBND huyện bố trí kinh phí mua SGK lớp 2, lớp 6, chúng tôi cũng xác định trong trường hợp cả 2 phương án trên không được chấp thuận buộc phải kêu gọi sự chung tay của phụ huynh. Làm sao để họ thấy được trách nhiệm với con em mình và để họ chủ động mua sách chứ không thể trông chờ, ỷ lại mãi được. Với những học sinh không thể mua sách, nhà trường, ngành sẽ kêu gọi các nhà tài trợ sẻ chia với mong muốn tất cả học sinh đều phải có sách”, ông Thiện chia sẻ.