Văn học châu Âu trở lại với độc giả Việt

GD&TĐ - Sau 2 năm tạm ngưng do dịch Covid-19, “Những ngày Văn học châu Âu” trở lại Việt Nam từ ngày 5 – 15/5, với nhiều hoạt động hấp dẫn dành cho người yêu văn chương.

Bộ sách của Tây Ban Nha “Chăm sóc hành tinh của chúng mình”.
Bộ sách của Tây Ban Nha “Chăm sóc hành tinh của chúng mình”.

Sự kiện do Viện Goethe, Viện Pháp, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ), các Đại sứ quán Cộng hòa Séc, Hungary, Ukraine, Ý, Tây Ban Nha và Hội đồng Anh khởi xướng. Với sự hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, và sự hỗ trợ bởi các nhà xuất bản tại Hà Nội. 

Cầu nối văn học châu Âu

Ban tổ chức “Những ngày Văn học châu Âu” cho biết, các cơ quan đại diện ngoại giao và Viện Văn hóa châu Âu vui mừng chào đón độc giả Việt Nam trở lại Hà Nội. Cùng sự kiện văn hoá đọc, đây là cơ hội để công chúng tìm hiểu thưởng thức trên 30 cuốn sách mới cùng các tác phẩm kinh điển dành cho mọi độ tuổi và ngành nghề.

Như thường lệ, “Những ngày Văn học châu Âu” là nơi trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Âu - một sân chơi và là cầu nối giao lưu văn hoá để công chúng hiểu thêm về văn học các nước. Các tác giả, dịch giả Việt Nam cũng tham dự sự kiện để giới thiệu các tác phẩm mới nhất của họ đến với độc giả.

Các hoạt động được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Casa Italia, Viện Goethe Việt Nam và Nhã Nam.

Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên Đại sứ quán Ukraine tham dự. Bạn đọc chăm chú lắng nghe những bài thơ từ tuyển tập “Thơ không tuổi” được dịch và ra mắt nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ukraine.

Thi ca thế giới thăng hoa khi được đi kèm với những tác phẩm hội họa tuyệt vời của Taras Shevchenko, đại thi hào, họa sĩ Ukraine. Đây là những bức tranh được lưu trữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia mang tên ông.

Tập thơ tràn ngập tình yêu đối với con người, quê hương và cuộc sống trở nên gần gũi với bạn đọc Việt Nam - khi được nhà văn Vũ Tuấn Hoàng, giảng viên ngữ văn Đại học Tổng hợp Kyiv dịch sang tiếng Việt theo thể lục bát.

“Những ngày Văn học châu Âu” diễn ra tới giữa tháng 5. Tiếp đó, Liên hoan Phim châu Âu từ ngày 19/5 đến 5/6, và Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam bắt đầu vào tháng 6. Mỗi sự kiện sẽ mang đến những nét đặc biệt từ châu Âu với độ tương tác cao với công chúng Việt Nam. 

Sau 2 năm ngừng tổ chức - “Những ngày Văn học châu Âu” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 – 15/5.

Sau 2 năm ngừng tổ chức - “Những ngày Văn học châu Âu” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 – 15/5.

Sách hay của các tác giả nổi tiếng

Độc giả có cơ hội gặp gỡ trực tuyến tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng từ Đức, Hungary và Ý. Các tác phẩm kinh điển của châu Âu từ thế kỷ 19 cũng được tái hiện với công chúng Việt Nam: Giáo dục tình cảm của Gustav Flaubert (Pháp), Nhật ký cơn bão JoLnny của Luigi Bertelli…

Ở mảng văn học kinh điển, hai cuốn tiểu thuyết phản chiến của Séc: “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới” (Jaroslav Hašek) và “Tiền từ Hitler” (Radka Denemarková) được giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Casa Italia.

Sách thiếu nhi châu Âu có bề dày trên thị trường sách Việt Nam. Được thiết kế đẹp mắt, các cuốn sách sẽ đưa các bạn nhỏ vào những thế giới khác nhau thông qua những câu chuyện thú vị và hình ảnh minh họa đầy màu sắc. Trong số đó, có thể kể đến sách dành cho trẻ em của tác giả truyện tranh Bỉ nói tiếng Pháp vô cùng nổi tiếng: Eddy Coubeaux - bút danh ECO, hiện đang sống tại TPHCM.

Bộ sách của Tây Ban Nha “Chăm sóc hành tinh của chúng mình” (Cuidemos el planeta) giới thiệu với các bạn nhỏ kiến thức STEM, về nhiều chủ đề khác nhau với lời văn bố cục sinh động, đầy màu sắc và tranh khổ lớn ấn tượng.

Bộ 8 cuốn sách xinh xắn đi theo 8 chủ đề: Giảm ô nhiễm không khí, Gìn giữ tài nguyên đất, Xử lý các loại rác thải, Giữ cho nguồn nước sạch, Bảo tồn các loài quý hiếm, Những thiên tai khốc liệt, bảo vệ những cánh rừng.

Trong từng cuốn sách, độc giả nhí theo chân chú gấu trúc Ginkgo và những người bạn lên rừng xuống biển. Họ cùng khám phá thiên nhiên tươi đẹp, tìm hiểu những vấn đề nhức nhối mà hành tinh xanh đang gặp phải. Họ cùng bắt tay bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ bé thiết thực.

Năm nay, độc giả Việt được tiếp cận nhiều hơn tư tưởng của triết gia người Pháp là Michel Serres. Ông bàn về trẻ em và thanh niên khi đối mặt với những thách thức của thời đại công nghệ. Để từ đó, có thể tháo gỡ những vướng mắc bất ổn tâm lý của giới trẻ.

“Những ngày Văn học châu Âu” cũng sẽ phối hợp tổ chức một tọa đàm về tác giả đoạt giải Nobel - Kazuo Ishiguro. Sự kiện sẽ có sự góp mặt của các dịch giả và đây là cơ hội để công chúng có thể cùng thảo luận về những gì mơ hồ trong các tác phẩm của Ishiguro.

Kazuo Ishiguro sinh năm 1954 - là tác giả người Anh gốc Nhật đoạt giải Nobel Văn chương 2017. Những chủ đề dễ thấy nhất trong văn chương của Kazuo Ishiguro là “ký ức, thời gian và sự tự huyễn hoặc”. Trong sự nghiệp viết lách của mình, ông xuất bản 8 quyển sách nhưng “The remains of the day” xuất bản năm 1989 là một dấu ấn đáng quan tâm hơn cả.

“Một kiệt tác thực thụ” - Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển Sara Danius đã tán dương tác phẩm này như vậy.

Nội dung quyển sách được dẫn dắt bởi người kể chuyện là quản gia Stevens khi ông nhớ lại cuộc đời của mình qua những trang nhật ký. Phần lớn câu chuyện liên quan đến công việc của Stevens và mối quan hệ cá nhân giữa ông với người đồng nghiệp cũ, nữ quản gia Miss Kenton.

Không chỉ mang về cho tác giả một giải thưởng văn học danh giá Man Booker, quyển sách còn có mặt trong danh sách “100 quyển sách mà người ta không thể sống nếu thiếu” vào năm 2007, cũng như “1.000 quyển tiểu thuyết mà ai cũng phải đọc”.

Một dấu ấn lớn của cuốn sách này là khi được chuyển thể thành phim vào năm 1993. Ấn tượng nhất là “The remains of the day” phiên bản điện ảnh còn được đề cử đến 8 giải Oscar hiếm có trong lịch sử điện ảnh thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ