Những ngày Văn học châu Âu 2017: Cơ hội trải nghiệm văn học và văn hóa châu Âu

GD&TĐ - Không chỉ dành tặng người yêu sách một không gian tràn ngập những nét độc đáo của văn học phương Tây, “Những ngày Văn học châu Âu” lần thứ 7 còn là cầu nối giúp các em nhỏ đến gần hơn với văn hóa, con người châu Âu.

Những ngày Văn học châu Âu 2017: Cơ hội trải nghiệm văn học và văn hóa châu Âu

Ra mắt nhiều sách thiếu nhi mới

Năm nay, “Những ngày Văn học châu Âu 2017” bắt đầu từ ngày 6 – 14/5 tại Hà Nội và từ ngày 9 - 15/5 tại TPHCM với sự góp mặt của 8 quốc gia đến từ châu Âu là: Anh, Áo, Đan Mạch, Đức, Phái đoàn Wallonia - Brussels (Bỉ), Pháp, Thụy Điển và Italia. Sự đa dạng các tác phẩm đến từ 8 nước châu Âu sẽ mang đến không gian đọc thú vị, thân thiện với độc giả Việt Nam.

Trong khuôn khổ của hoạt động văn hóa lớn, đa dạng, đa ngôn ngữ và đa màu sắc này, NXB Kim Đồng ra mắt độc giả thiếu nhi một loạt sách châu Âu đặc biệt hấp dẫn như: “Cá voi đêm bão và những câu chuyện khác” của Benji Davie, “Thỏ Peter - Chuyện bây giờ mới kể - Hút chết ở hội chợ”, bộ “Những quái vật trong truyền thuyết dân gian” “Hiệp sĩ Don Quixote”, “Robin Hood - Hiệp sĩ rừng xanh”, “Những cuộc phiêu lưu của nam tước Munchausen”, “Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kì của Buratino”; bộ “Truyện cổ Grimm”, bộ “William Shakespeare - Những vở kịch nổi tiếng”, “Chiếc mũ phù thủy”, “Cẩm nang nghiệp vụ siêu điệp viên”, “Để sống sót trong những tình huống khắc nghiệt nhất”…

Cùng với sự phong phú của sách mới, NXB Kim Đồng phối hợp cùng các cơ quan văn hóa tổ chức một chuỗi các hoạt động văn hóa dành cho trẻ em. Mỗi hoạt động giống như một chuyến du hành đưa các em đến với một nền văn học châu Âu với những câu chuyện thú vị.

Các em nhỏ có thời gian để xem phim đọc sách Rico, Oskar vào ngày 6/5 tại Viện Goethe (Hà Nội), có sự tham gia của dịch giả Tạ Quang Hiệp, TS Nguyễn Thị Diệu Linh; trải nghiệm đọc sách “Những cuộc chu du của Tí Ếch” vào ngày 7/5. Đây là cuốn sách của tác giả Jakob Martin Strid, sinh năm 1972, là tác giả đương đại viết cho thiếu nhi được yêu thích nhất tại Đan Mạch, đất nước của những câu chuyện kể; Talkshow “Thời trang là thế - Cùng tìm hiểu về lịch sử thời trang và những bí quyết thời trang đơn giản mà hiệu quả” vào ngày 14/5. Chương trình có sự tham gia giao lưu của Hoa hậu Pháp Flora Coquerel, Hoa hậu Việt Nam – Nhà thiết kế thời trang Đặng Ngọc Hân và bà Eva Nguyễn Bình, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam.

Gắn kết văn hóa giữa các nước

Dành sự ưu ái đặc biệt cho những độc giả nhí, “Những ngày văn học châu Âu” thiết kế nhiều sân chơi hấp dẫn thu hút các bạn nhỏ. Không chỉ được xem phim về văn học châu Âu, các em còn giao lưu với các tác giả nước ngoài nổi tiếng.

Lễ hội văn học đa sắc màu này hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm văn hóa tuyệt vời cho các độc giả mọi lứa tuổi. Đây chính là dịp để độc giả Việt Nam có cái nhìn sâu, rộng hơn đối với nền văn học thế giới, cởi mở về văn hóa và văn minh giữa các khu vực, quốc gia, gắn kết tình cảm hữu nghị và văn hóa giữa các các nước thông qua con đường văn học.

Dịch giả Tạ Quang Hiệp chia sẻ: “Trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ - đọc những cuốn sách thiếu nhi, như bộ truyện “Rico Oskar”, tôi cảm thấy lòng mình như nhẹ lại trong cuộc sống xô bồ. Bộ sách này giúp tôi hiểu thế giới tình cảm, suy nghĩ của những người “khác biệt”. Hiểu để “yêu”, chứ không phải “thương”. Mỗi người đều là một thế giới đặc biệt, hãy mở lòng với những khác biệt của người khác”.

Ông Emamanuel Labrande, Chủ tịch Hiệp hội Các viện văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Năm nay có một vài khác biệt, chúng tôi có gấp đôi các sự kiện so với năm ngoái, nhưng thông điệp chúng tôi muốn chuyển tới vẫn như vậy. Đó là văn học là hình thức nghệ thuật vượt qua mọi biên giới lãnh thổ và là hình thức kết nối các quốc gia với nhau. Chúng tôi giới thiệu các tác phẩm văn học đến từ châu Âu, dịch sang tiếng Việt, kết hợp với các nhà xuất bản tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tổ chức những sự kiện khác nhau như ra mắt sách, các buổi hội thảo với trẻ em, triển lãm...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.