“Vũ điệu than hồng” của đồng bào Dao đỏ Yên Bái

GD&TĐ - Lục Yên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Người nhà thực hiện việc nhảy lửa để cầu mong may mắn, tốt lành.
Người nhà thực hiện việc nhảy lửa để cầu mong may mắn, tốt lành.

Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng mang tính đặc trưng, riêng biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Phong tục nhảy lửa của đồng bào Dao đỏ vào dịp đầu năm là một trong số những đặc trưng ấy…

Đến hẹn lại lên…

Phong tục nhảy lửa của người Dao đỏ Lục Yên (Yên Bái) thường chỉ được tổ chức với quy mô nhỏ ở hộ gia đình. Hộ gia đình nào có tục nhảy lửa thì sẽ được truyền từ đời này sang đời khác. Hoạt động này được tổ chức 3 năm 1 lần với mục đích xua đuổi những điều xui xẻo, cầu cho các thành viên trong gia đình có sức khỏe, một mùa màng bội thu, tươi tốt, cuộc sống no đủ.

Để tận mắt chứng kiến phong tục nhảy lửa, chúng tôi tìm đến xã Khai Trung, huyện Lục Yên vào ngày mùng 4 Tết âm lịch Tân Sửu. Đây là địa phương có trên 90% là đồng bào Dao đỏ sinh sống. Con dốc Thủy Điều uốn lượn theo sườn núi phủ đầy sương mù dẫn chúng tôi đến với xã vùng cao này.

Vượt qua con dốc một bình nguyên xanh rộng lớn, bằng phẳng bao bọc xung quanh là những dãy núi đá vôi hiện ra trước mắt. Trong bình nguyên xanh ấy là cuộc sống của gần 1.500 đồng bào Dao đỏ. Xen lẫn cuộc sống của đồng bào là màu xanh của núi rừng, màu trắng của hoa mơ, hoa mận, màu đỏ của hoa đào…

Tất cả kết hợp với sắc màu lung linh trên váy áo của những thiếu nữ Dao đang tung tăng du xuân đã tạo nên một khung cảnh mùa xuân nơi đây đầy thơ mộng. Những thửa ruộng, những nương rẫy cũng đang dần “khoác lên mình” một màu xanh non mơn mởn cùng với đất trời mùa xuân.

“Những năm qua, cùng với việc chú trọng thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân thì cấp ủy, chính quyền xã Khai Trung cũng đặc biệt quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nổi bật như việc phục dựng và duy trì lễ hội cầu mùa, phong tục nhảy lửa của đồng bào Dao đỏ” - ông Hoàng Văn Câu, Chủ tịch UBND xã Khai Trung cho biết.

Gà trống là linh vật không thể thiếu trong lễ nhảy lửa.
Gà trống là linh vật không thể thiếu trong lễ nhảy lửa.

“Điệu múa” trong than hồng cầu mong may mắn

Gia đình ông Triệu Tài Quan là một trong ít gia đình trên địa bàn xã còn duy trì tục nhảy lửa. Phong tục này cũng như một cái “nghiệp” mà chỉ có ở gia đình ông Quan mới thực hiện được truyền từ đời này sang đời khác.

Cứ 3 năm một lần gia đình ông Quan lại tổ chức nhảy lửa vào dịp đầu năm mới. Trước khi tổ chức tết nhảy lửa, gia đình ông chuẩn một mâm cỗ cúng thông báo và xin phép gia tiên, thần linh về việc tổ chức nhảy lửa.

Ông Phùng Thừa Học - Thầy cúng trong lễ nhảy lửa chia sẻ: Để chuẩn bị cho lễ nhảy lửa, gia đình tổ chức phải mời thầy cúng và chuẩn bị những người tham gia nhảy lửa trước đó khoảng 1 tuần, theo quy định trước đây những chàng trai được chọn tham gia nhảy lửa phải giữ gìn thân thể sạch sẽ, không sát sinh và không làm chuyện trai gái ít nhất 3 ngày.

Tuy nhiên, ngày nay những quy định này không còn đòi hỏi bắt buộc và khắt khe, chỉ cần trước khi tham gia nhảy lửa các chàng trai tắm rửa và mặc quần áo sạch sẽ.

Khi trời nhá nhem tối, một đống lửa lớn được chuẩn bị sẵn ở giữa nhà, khi đống lửa cháy gần tàn chỉ còn lại những cục than đỏ rực cũng là tiếng chiêng vang lên bắt đầu buổi lễ.

Trong tiếng chiêng dồn dập 2 thầy cúng bắt đầu tế lễ xin phép gia tiên, thần linh và đọc tên của những người tham gia nhảy lửa. Lúc này, những người tham gia nhảy lửa ngồi trên một băng ghế cạnh mâm cúng và đợi làm “phép” nhập tâm.

Nghe tiếng chiêng dồn dập người tham gia nhảy lửa nhập tâm như được tiếp thêm sức mạnh, lòng dũng cảm, toàn thân sẽ rung bần bật, hét lên một tiếng và nhảy vào than hồng bằng chân trần. Thậm chí, họ còn dùng tay không để hất than nóng lên không trung và bắt đầu “tắm” lửa.

Những người tham gia sẽ lần lượt nhảy và bốc than cho đến khi lửa đã tàn hẳn. Sau khi tham gia lễ hội, trang phục của người nhảy lửa chỉ dính bụi, bẩn chứ không hề cháy sém, chân tay cũng không hề bị bỏng. Khi nhảy lửa kết thúc, 2 thầy cúng tiếp tục làm một số bài cúng để kết thúc.

Anh Phùng Văn Doanh, người tham gia nhảy lửa cho biết: Lần đầu tiên tham gia nhảy lửa, nhìn đống than đỏ rực cũng e dè lắm, chỉ sợ bị bỏng nhưng khi được thầy cúng làm “phép” thì bản thân như được tiếp thêm sức mạnh, cũng chẳng hiểu sao lúc đó không thể ngồi yên, cứ thế lao vào đống lửa. Tham gia nhiều rồi nhưng mình chưa bao giờ bị bỏng dù là nhỏ.

Tục nhảy lửa được nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện, trở thành nghi thức sinh hoạt văn hóa độc đáo có từ lâu đời.

Ở mỗi cộng đồng có cách thức, quy mô và thời gian tổ chức khác nhau nhưng đều có chung nguồn gốc từ việc thờ cúng thần lửa, là hình ảnh tượng trưng cho sự sống, ấm no, hạnh phúc và không thể thiếu trong đời sống của con người. Đồng thời là dịp để người dân tạ ơn tổ tiên, cầu chúc cho mùa màng tươi tốt và cuộc sống no đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ