Châu Á sẵn sàng 'đón' nhân tài?

GD&TĐ - Châu Á được xem là 'nơi trú ẩn' tiềm năng cho tài năng toàn cầu.

Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông mở cửa đón du học sinh 'chuyển ngang'.
Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông mở cửa đón du học sinh 'chuyển ngang'.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều rào cản pháp lý, thị thực và môi trường chính trị không ổn định tại Mỹ, nhiều sinh viên và học giả quốc tế đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế. Châu Á được xem là “nơi trú ẩn” tiềm năng cho tài năng toàn cầu.

Đầu tháng 7, tại lễ kỷ niệm 120 năm Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, ông Vivian Balakrishnan, nhấn mạnh: “Singapore sẵn sàng trở thành nơi đón nhận những bộ óc xuất sắc toàn cầu”. Ông nhắc đến sự cởi mở, khoan dung và tinh thần khoa học, những yếu tố nền tảng để NUS trở thành “nơi chốn” cho tài năng toàn cầu.

Tuy nhiên, thông điệp ấy không khỏi gây tranh cãi. Giới học giả trong nước, như PGS Ja Ian Chong từ NUS, đặt câu hỏi về tính thực tiễn của lời kêu gọi này. Việc đóng cửa Yale - NUS vào năm 2021, vốn từng là biểu tượng của chính sách “Trường học toàn cầu”, cùng việc thay thế bằng một trường cao đẳng mới tập trung chủ yếu vào sinh viên Singapore, khiến nhiều người hoài nghi về cam kết quốc tế hóa của quốc đảo.

Dù có khoảng 73 nghìn sinh viên nước ngoài sở hữu thị thực tại Singapore, nhưng thiếu minh bạch về quốc tịch và điều kiện tuyển chọn khiến nhiều học giả cho rằng Singapore chỉ hướng đến “nhân tài chiến lược” thay vì sự cởi mở toàn diện.

Khác với Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, có những hành động cụ thể và nhanh chóng hơn. Ngay sau khi chính quyền Trump tuyên bố thu hồi quyền tiếp nhận sinh viên nước ngoài của Đại học Harvard, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) lập tức gửi “lời mời” tới sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng.

Sự chủ động này không chỉ mang tính biểu tượng. HKUST thông báo đã nhận được gần 200 yêu cầu chuyển trường, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. 6 sinh viên có thư chấp nhận từ Harvard đã trúng tuyển vào trường, trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc, Pakistan.

Không chỉ có HKUST, các trường đại học công lập khác ở Hồng Kông cũng ghi nhận hơn 850 yêu cầu chuyển tiếp từ sinh viên bị ảnh hưởng bởi “những thay đổi chính sách đột ngột”, đặc biệt từ Mỹ.

Hồng Kông, vốn có hệ thống giáo dục mang đậm tính quốc tế và tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy chính, đang dần khẳng định mình là điểm đến học thuật thực sự. Đây là một lựa chọn vừa chất lượng vừa linh hoạt cho sinh viên toàn cầu.

Hàn Quốc, với đại diện là Đại học Yonsei danh tiếng, vừa công bố hệ thống chuyển tiếp mới dành cho sinh viên quốc tế bị gián đoạn học tập tại mỹ. Bắt đầu từ học kỳ đầu tiên của năm 2026, chương trình này mở ra cánh cửa cho sinh viên năm hai, ba được chuyển tiếp đến Seoul nếu đáp ứng các điều kiện học thuật và pháp lý.

Bên cạnh đó, Đại học Yonsei còn lên kế hoạch phối hợp với các đại học Mỹ để sinh viên có thể học tạm thời tại Hàn Quốc nhưng vẫn được công nhận tín chỉ từ trường chính. Chiến lược của Hàn Quốc không chỉ phản ứng nhanh với khủng hoảng, mà còn thể hiện khả năng phối hợp quốc tế và năng lực điều chỉnh chính sách giáo dục để thu hút nhân tài.

Châu Á có thể trở thành nơi trú ẩn cho tài năng toàn cầu nhưng để thực sự giữ chân và nuôi dưỡng tài năng, các quốc gia trong khu vực cần chuyển từ thái độ “chọn lọc nhân tài chiến lược” sang tư duy “xây dựng hệ sinh thái học thuật toàn diện”. Điều này đòi hỏi cam kết lâu dài về chất lượng giáo dục, quyền tự do học thuật, và chính sách nhập cư linh hoạt.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ