Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có từ lâu đời, thể hiện sự tài hoa, tinh tế và thẩm mĩ của người Dao.
Nghệ thuật trang trí này gắn với truyền thuyết về con long khuyển mình rồng ngũ sắc, biến thân của Bàn Hộ (tổ tiên của người Dao Đỏ) cứu nước của Bình Vương khỏi sự hủy diệt của Cao Vương. Vì vậy, trang phục cầu kỳ từ cách cắt khâu đến hoa văn, cách tạo hình và đặc biệt là màu sắc trang trí nhất thiết phải có đủ năm màu cơ bản: đỏ, trắng, vàng, xanh, chàm hoặc đen.
Người Dao Đỏ tham dự buổi lễ |
“Việc công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa lớn trong việc tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đối với những nỗ lực đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh.
Cũng trong dịp này, từ ngày 12 - 13/10 tại huyện Na Hang sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch huyện với nhiều hoạt động như: Đua mảng; biểu diễn dù lượn; tham quan mùa vàng ruộng bậc thang; thi đấu thể thao; Liên hoan Nghệ thuật hát Then - đàn Tính huyện Na Hang lần thứ II năm 2019; trình diễn trang phục các dân tộc và nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ; tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng nông sản và các nông cụ, văn hóa dân tộc thiểu số đặc trưng của huyện.
Trước đó, ngày 11-10 đã diễn ra Lễ hội giã cốm - Hội chợ quê tại xã Côn Lôn.