Để tạo ra những chiếc bánh có hình “gù”, đòi hỏi sự khéo léo của phụ nữ người Dao. Khi gói, phải đặt lá dong xuống bàn, cho gạo nếp vào sao cho vừa chiếc lá, nhiều gạo quá sẽ không gói được, ít quá bánh sẽ không đẹp.
Sau đó trộn thêm đỗ và thịt, gấp hai mép lá dong lại với nhau tạo thành đường cong (gù) cho chiếc bánh, lấy lạt buộc chắc lại, đem đi luộc khoảng 8 tiếng.
Bánh chưng gù của người Dao đỏ còn có loại bánh đen. Nguyên liệu có thêm loại rơm của giống gạo nếp nương phơi khô, đốt thành tro. Gạo nếp sau khi vo sạch, để ráo nước sẽ trộn với loại tro đó để có được màu đen tuyền đặc trưng.
Chị Triệu Thị Bình - Người con Dao đỏ của làng văn hóa Cẩu Vè (xã Tân Lĩnh, Lục Yên, Yên Bái) khi nhớ lại ký ức tuổi thơ cùng cha mẹ gói bánh lưng gù, chị rất xúc động:
“Khi còn nhỏ, tôi được cùng bố mẹ gói bánh của dân tộc. Bây giờ công tác xa nhà, nhưng mỗi khi Tết đến về thăm quê, tôi lại được thưởng thức hương vị của quê hương mình, nơi mà mình đã sinh ra, lớn lên.
Những ký ức đó luôn trong tâm trí tôi. Mùi vị của bánh làm tôi không thể nào quê với gạo nếp nương dẻo thơm, vị bùi của đỗ và ngầy ngậy của thịt”.
Dân tộc Dao là một trong số các dân tộc ít người ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở một số tỉnh trung du và ven biển Bắc bộ như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh….
Trong cộng đồng người Dao đỏ ở Yên Bái, chiếc bánh chưng gù vẫn được thế hệ này truyền lại cho thế hệ khác. Và đó cũng là niềm tự hào của mỗi người con Dao đỏ Yên Bái khi giới thiệu với bạn bè về văn hóa truyền thống của dân tộc.