“Sếp” nhà hát "nhập hồn" Táo quân 2021

GD&TĐ - Táo Quân 2021 đã trở lại sau 1 năm vắng bóng. Những nghệ sĩ gắn bó với Táo từ ngày đầu như Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý, Chí Trung đều góp mặt…

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Đây đều là những nghệ sĩ đã giữ trọng trách lớn nhưng vẫn dành thời gian để “nhập hồn” vào Táo.

Chương trình nghệ thuật ngày tất niên này đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với nhiều người Việt. Thậm chí, có khán giả còn mong đợi chương trình này hơn cả Tết. Mặc dù, mỗi năm, vẫn có những lời khen, chê về nội dung nhưng diễn xuất của dàn Táo và ê-kip có lẽ chẳng mấy người phải bàn tán.

Họ đều là những nghệ sĩ cống hiến hết mình vì nghệ thuật, mong muốn đem tiếng cười, lan tỏa thông điệp cùng khắc phục, loại bỏ cái xấu, phát huy thành tích đạt được. Cũng chính vì ý nghĩa của chương trình mà gần 20 năm, người yêu thích Táo Quân vẫn chưa hề giảm. Cũng vì lẽ đó, người ta thấy Táo Quân là thấy Tết.

4 nghệ sĩ gạo cội của “Làng Táo” gồm Chí Trung, Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý đã gắn bó với chương trình này từ những ngày đầu tiên. Gần như ai cũng biết họ đã góp phần làm nên tên tuổi của Táo Quân. Nhưng không mấy người biết họ đều là lãnh đạo của những nhà hát có tên tuổi trong làng nghệ thuật.

NSND Tự Long – Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội

Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Tự Long sinh năm 1973 (tuổi Quý Sửu) là nghệ sĩ chèo, nghệ sĩ hài, MC. Anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Hiện, Tự Long giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.

Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật, cha mẹ đều công tác tại đoàn quan họ của tỉnh. Từ nhỏ, cha mẹ thường xuyên đi diễn ở xa, anh cũng đã nhiều lần theo chân và thu thập được không ít kinh nghiệm diễn xuất.

Thời còn là học sinh, Tự Long cũng từng tham gia phim truyền hình và yêu thích nghệ thuật từ đó. Đầu quân về Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, với những vai diễn phụ, thậm chí là chỉ cầm cờ trong một vở diễn, anh đã minh chứng được sự cần cù của người làm nghệ thuật, đi lên từ chính tài năng và sự học hỏi.

Năm 2000, chương trình Gặp nhau cuối tuần lên sóng VTV3. Đây được coi là cái duyên lớn với Tự Long đến gần hơn với khán giả. Cũng từ đó, cái tên Tự Long vô cùng thân thuộc với hình ảnh bác sĩ hoa súng.

Anh được biết đến nhiều nhất với vai trò là một nghệ sĩ hài trong các chương trình truyền hình Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm, Chém chuối cuối tuần và Ơn giời cậu đây rồi.

Tự Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012 và có được 10 huy chương trong sự nghiệp của mình. Năm 2015, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi mới bước sang tuổi 43. Tự Long trở thành nghệ sĩ mặc áo lính trẻ nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này. Nghệ sĩ Tự Long cũng là Táo Quân duy nhất đeo quân hàm.

 Năm 2014, Tự Long được quyết định bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội. Có thể thấy, trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, anh luôn là hình ảnh tiêu biểu của người nghệ sĩ lao động chịu khó và miệt mài cống hiến cho nghệ thuật nước nhà bằng tài năng thực sự.

NSND Công Lý – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội

“Sếp” nhà hát "nhập hồn" Táo quân 2021 ảnh 1

Nghệ sĩ Ưu tú Công Lý sinh năm 1973 – bằng tuổi với NSND Tự Long, tuổi Quý Sửu. Anh là nghệ sĩ ưu tú, diễn viên, danh hài được khán giả biết đến đã nhiều năm nay. Công Lý đến gần hơn với khán giả qua các vai hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và đặc biệt là vai diễn Bắc Đẩu trong Gặp nhau cuối năm.

Ngoài ra, anh còn được biết đến qua các vai diễn: Khoái trong bộ phim truyền hình nhiều tập Gió làng Kình, vai Hòa trong vở kịch “Điện thoại di động”, vai trưởng phòng trong Ơn giời! Cậu đây rồi (chiếm Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc 2009). Năm 2012, Công Lý được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Trong gia đình, không có ai theo con đường nghệ thuật nhưng Công Lý lại thành công với lựa chọn này. Trước đây, anh cho biết đăng ký dự thi Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đơn giản bởi vì thích được xem phim. Ba năm làm quen với nghề, thì Công Lý về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội và đã trải qua thăng trầm trong nghề diễn.

Năm 2019, khi được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Công Lý từng xúc động vì những đóng góp cho nghệ thuật của mình được ghi nhận. “Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố từ khó khăn, thuận lợi, thị phi, ấm ức, đến sung sướng, thăng hoa… Tất cả đều được cân bằng hết thảy bằng đam mê. Tôi nghĩ rằng tất cả những ai sống chết với nghề, làm nghề bằng một cái tâm trong sáng không gì hãnh diện và vui sướng hơn khi được nhà nước công nhận và phong tặng danh hiệu cao cả “Nghệ sĩ nhân dân” - tức là nghệ sĩ vì nhân dân và của nhân dân”– nam nghệ sĩ cho biết.

Năm 2020 có lẽ là năm ghi dấu ấn đối với “cô Đẩu” khi không chỉ đảm nhận cương vị mới mà còn tìm được bến đỗ hạnh phúc với người vợ xinh đẹp.

Tháng 5, Nghệ sĩ nhân dân Công Lý được Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao quyết định giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Những ngày cuối năm, đám cưới của anh và cô dâu kém 15 tuổi đã diễn ra sau chuyện tình duyên lận đận.

NSƯT Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam

“Sếp” nhà hát "nhập hồn" Táo quân 2021 ảnh 2

Những ngày gần Tết Nguyên đán, nghệ sĩ Xuân Bắc đã thêm niềm vui khi được bổ nhiệm là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Nghệ sĩ Xuân Bắc tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Bắc sinh năm 1976 tại Phú Thọ. Anh là một diễn viên truyền hình, diễn viên sân khấu và là người dẫn chương trình tài năng.

Diễn viên Xuân Bắc nổi tiếng với khán giả truyền hình qua bộ phim “Sóng ở đáy sông” với nhân vật Núi. Anh còn là MC năng động, hoạt bát của nhiều chương trình truyền hình “Ơn giời! Cậu đây rồi!”, Đuổi hình bắt chữ, Hỏi xoáy đáp xoay. Không những thế, anh còn là một thành viên tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Anh đã được trao tặng danh hiệu “Thanh niên ưu tú Thủ đô”.  

Năm 2010, nghệ sĩ Xuân Bắc được chọn làm Đại sứ thiện chí của UNICEF về nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, NSƯT Xuân Bắc còn là Chủ tịch Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khoá VII.

Xuân Bắc tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Anh làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh đến gần hơn với khán giả khi tham gia vào vai Núi trong bộ phim truyền hình dài tập “Sóng ở đáy sông”. Cho đến giờ, nhiều người vẫn gọi Xuân Bắc là “anh Núi”.

Xuân Bắc chính là gương mặt không thể thiếu trong dàn Táo Quân phát sóng đêm Giao thừa. Hình ảnh nam diễn viên vào vai Nam Tào tung hứng cùng cô Đẩu Công Lý đã đem lại tiếng cười cho khán giả gần 20 năm qua. Suốt những năm cống hiến cho nghệ thuật, anh được coi là nghệ sĩ thành công và nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là diễn viên hài và người dẫn chương trình.

Suốt nhiều năm đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, Xuân Bắc đã thể hiện được sự say mê cống hiến của người nghệ sĩ. Hiện, Nam Tào Xuân Bắc có cuộc sống gia đình hạnh phúc và cơ ngơi sang trọng ở Hà Nội khiến nhiều người ngưỡng mộ. 

NSƯT Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

“Sếp” nhà hát "nhập hồn" Táo quân 2021 ảnh 3

NSƯT Phạm Chí Trung sinh năm 1961, là diễn viên khóa đầu tiên được đào tạo và trưởng thành từ Nhà hát Tuổi trẻ cùng với thế hệ các nghệ sĩ: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Ngọc Huyền… và anh từng là trưởng đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 1997 đến 2013, sau đó được bổ nhiệm là Phó Giám đốc phụ trách biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ cho đến nay.

Chí Trung là con trai của nghệ sĩ Quý Dương và nghệ sĩ violoncelle Phùng Thúy Lan. Quê anh ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Do truyền thống nghệ thuật của gia đình nên thuở nhỏ Chí Trung bị ép phải học violon. Tuy nhiên sau 4 năm việc học violon không thành công. Học hết trung học, Chí Trung không thi đại học. Anh thi vào Nhà hát Tuổi trẻ. Chí Trung trúng tuyển vào Nhà hát trong cuộc thi hơn 2000 thí sinh và gắn bó với ánh đèn sân khấu.

Thành công ở nhiều lĩnh vực nhưng có lẽ người hâm mộ biết đến Chí Trung nhiều nhất trong chương trình Táo Quân. “Kinh công” qua nhiều “chức vụ” từ Táo giao thông, Táo Kinh tế, Táo Văn xã,….hình ảnh của người nghệ sĩ đem đến tiếng cười cho khán giả đã trở lên thân thuộc. Năm 2017, anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...