Lửa ấm đời nghề gốm sứ Chu Đậu

GD&TĐ - Các nghệ nhân, thợ giỏi... luôn chăm chú với công việc. Đôi bàn tay tạo dáng mềm mại khéo léo, dẻo như múa, nhẹ vuốt theo dáng gốm.

Sản phẩm gốm Chu Đậu.
Sản phẩm gốm Chu Đậu.

Khi ấy, thợ vẽ hoa văn với năm búp ngón thon nhè nhẹ đưa đẩy, trau chuốt từng nét cọ. Khuôn mặt, đôi mắt đắm đuối với vật mộc như chỉ cốt để thổi hồn dưỡng thần cho nét tinh hoa thấm sâu vào gốm.

Tôi bộn rộn về nét chữ, nét người sau khi xem bức hình Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hồng (NSNA) chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề lưu bút trên bình gốm tặng cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp gốm Chu Đậu ngày 2/1/2008: “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”, với sự chứng kiến của đại diện các thành viên xí nghiệp.

Thấu hiểu sự xúc động của tôi về 9 chữ vàng của Đại tướng, Trần Hồng chêm thêm: Mình vừa giúp ông Lưu làm bức ảnh điện đặc sắc này trưng trên tường, nơi trang trọng nhất tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm của gốm sứ Chu Đậu, được kèm thêm cụm từ: “Lưu bút để dưỡng thần! (chữ của Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Công ty CP gốm sứ Chu Đậu).

Giám đốc Nguyễn Văn Lưu và tác giả trong cuộc chuyện.

Giám đốc Nguyễn Văn Lưu và tác giả trong cuộc chuyện.

Chỉ như thế đủ thấy cái tâm, cái đức, nét tâm linh như bản ngã văn hóa rất riêng của Nguyễn Văn Lưu với công ty gốm sứ của mình.

Ngay từ khi dấu tích di chỉ gốm được khai quật và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) xây dựng Xí nghiệp gốm Chu Đậu (30/4/2001) do Nguyễn Văn Lưu làm giám đốc đã nhanh chóng tạo nên thương hiệu đình đám, được báo chí rôm rả thông tin, nhất là vào những năm đầu thập niên của thế kỷ 21 này.

Thật quý trọng công sức của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, của các sở ban ngành chức năng, các nhà khoa học, khảo cổ, mỹ thuật Trung ương và địa phương rất kỳ công khảo sát, khai quật, minh chứng chặt chẽ, xác đáng về một miền gốm cổ tinh hoa có một không hai, phát tích từ trước những năm 1450 trên đất Nam Sách.

Vậy là, sau gần 430 năm bị thất truyền, nay nghề gốm sứ bừng dậy tràn đầy năng lượng sống, rạng ngời năm châu bốn biển, chứa chan hãnh diện đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước): “Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt - Tỏa sáng năm châu”!

Chúng tôi tìm về bản doanh công ty ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) gặp Giám đốc Nguyễn Văn Lưu và Ban Lãnh đạo cốt để nghe, để thấy cách đi, cách đến suốt mấy mươi năm qua của họ. Tiếp chúng tôi, Nguyễn Văn Lưu nở nụ cười rất đỗi thân thiện.

Không bập vào chủ đề tôi đưa ra, Giám đốc cứ nói theo cách nghĩ của mình. Nói dồn dập, nói tưng bừng, nói như rút ruột, rút gan chỉ cốt để người nghe thấu hiểu hết luồng lạch, ngọn ngành sự vụ rồi mới mong phục dậy nét tinh hoa gốm sứ cổ trên nền di tích như hôm nay.

Vẫn những chuyện xửa xưa, nào là: Bức thư của ngài Makoto Anabuki, nguyên Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản gửi ông Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương năm 1980... truy tìm gốc rễ lọ hoa lam Việt Nam xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ XV - XVI hiện trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, ở lstanbul.

Nào là việc khai quật những con tàu đắm ở biển ta, biển người. Những cuộc khảo cứu tiếp nối nhau trên diện tích mênh mông dưới địa tầng 2 mét của huyện Nam Sách cùng những huyện lân cận đưa lên hàng vạn đồ gốm cổ, mẫu dáng đa dạng, hút mắt hút hồn đều có niên đại và dấu tích sản xuất tại vùng đất này.

Nào là, nối tiếp những cuộc hội thảo chuyên ngành quốc gia, những cuộc trưng bày, triển lãm đồ gốm cổ Chu Đậu ở các miền vùng đất nước; những chuyến xuất hàng vạn đồ gốm cổ sang phía trời Âu, trời Tây bán đấu giá đắt hàng đến không tưởng, làm mê mẩn lòng người đó đây với Việt Nam thân yêu của chúng ta!...

Chuyển mạch chuyện, vui vui tôi nhắc đến đôi câu thơ: “Mừng Chu Đậu” của Nguyễn Thanh Cải (nguyên Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Hải Dương): “Cảm ơn người đã thổi hồn vào đất/ Để Chu Đậu này đi khắp thế gian”.

Hứng chí, Nguyễn Văn Lưu tuôn ra cả tràng thơ của mình qua bài: “Hồn Việt Đất quê” đắm say, tha thiết, mặn nồng với nghề: “Vẫn là hồn Việt đất quê/Vẫn là mưa nắng dãi dề đó em/Vẫn là hoa cúc hoa sen/Vẫn là bờ duối dế mèn vuốt râu/Vẫn là ông lão ngồi câu/Vẫn là thằng bé chăn trâu thả diều/Vẫn là đồng ruộng phì nhiêu/Cánh cò bay lả sớm chiều quê hương/Vẫn là đất mẹ thân thương/Thả hồn vào gốm thương trường Đông Tây/Vẫn là gió mát áng mây/ Vẫn là hương bưởi từ đây gọi về/Vẫn là Chu Đậu đất quê/Mà nghe Sát Thát vọng về ngàn năm”...

Xoay vào chủ đích cuộc chuyện, tôi đai lại: Giám đốc đã làm gì và làm như thế nào để làng nghề gốm sứ Chu Đậu hồi sinh tràn đầy sức sống như hôm nay? Đôi mắt lay láy lóe phát thần thái, thần lực dõi thẳng vào tôi, giọng như đinh đóng cột: Đâu chỉ là tôi.

Các nghệ nhân vẽ hoa văn trên sản phẩm gốm. Ảnh: NSNA Trần Hồng.

Các nghệ nhân vẽ hoa văn trên sản phẩm gốm. Ảnh: NSNA Trần Hồng.

Công đầu là lãnh đạo tỉnh, là anh Nguyễn Hữu Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Nam Hà Nội (Haprosimex Sài Gòn), là rất rất nhiều các chuyên gia ở Trung ương, các họa sĩ, các nghệ nhân, các Phó Giám đốc Công ty cùng cán bộ công nhân viên một lòng, một dạ tâm huyết chung sức chung lòng mới làm nên!

Tôi lại hỏi: Bởi chưng ông chọn nghề này? Nguyên Văn Lưu buông nhời tằng tằng như liên thanh, pha chút hóm hỉnh: Chu Trang, Chu Nẫm, Chu Đỗ, Chu Đậu nôm na là bến thuyền, làng thuyền, “thuyền đậu bên bến sông”.

Nơi ấy cha mẹ sinh ra tôi. Khôn lớn, tôi đã bôn ba rộng dài đất nước, đã là lính thủy, thuyền trưởng Hải quân, thuyền trưởng tàu Công an, thuyền trưởng tàu tuần tra Bộ đội Biên phòng Việt Nam, chiến đấu bảo vệ biển trời Tổ quốc; từng là Trưởng phòng Kinh doanh, rồi giám đốc nhiều công ty sản xuất kinh doanh XNK thuộc Công ty Haprosimex Sài Gòn nên tình yêu nghề quê, người quê, đất quê nung nấu tâm trí tôi phải phục dậy nghề gốm sứ.

Ý chí ấy lúc nào cũng như than lửa trong rơm, trong trấu chỉ chờ cơ hội bùng phát là tuôn ra sản phẩm, tạo nên thương hiệu ngay nơi “bến đậu” của đời mình!...

Tự dưng Giám đốc Lưu chuyển nhịp cuộc chuyện chậm lại, thân hình thon gọn chắc lẳn tựa vào thành đi văng vững như tảng thạch, lời buông như nhịp đếm: Nói dễ, ý muốn cũng dễ, thực hiện thì ít như mong.

Đương nhiên ý tưởng phải thành kế hoạch, phải giấy trắng mực đen, chi li, cụ thể. Không tùy ý, tùy tiện!... Thế rồi, bắt vào mạch chuyện, lời lại tằng tằng, lại đắm say, câu chữ đâu ra đó như băng, như hình tua lại suốt chặng dài phục dựng, làm nên trong mấy mươi năm (kể từ 30/4/2001)...

Tôi lóp thóp ghi theo, nhớ lại, đoạn được, đoạn qua. Đại thể: Thời huy hoàng vàng son xưa của gốm sứ luôn bừng thức Ban Giám đốc Công ty Haprosimex Sài Gòn, nhất là Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thắng, đó là lý do được đầu tư và sớm ra đời Xí nghiệp gốm Chu Đậu do Nguyễn Văn Lưu làm giám đốc. Nghề xưa nhiều tài hoa cần được tôn giữ, phục dựng.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh một lần thăm Bảo tàng Mỹ thuật tại TPHCM trưng bày gốm cổ Chu Đậu, ông hỏi lãnh đạo tỉnh Hải Dương: “Tại sao các cụ ta xưa kia làm được gốm Chu Đậu, ngày nay cháu con ta không làm được các đồng chí phải suy nghĩ về việc này”.

Ví như sản phẩm gốm cổ Chu Đậu đang lưu giữ ở 46 bảo tàng danh tiếng trên thế giới, cái nào cái nấy đều tuyệt đẹp, sáng như gương, trắng như ngà, trong như ngọc, kêu như chuông; màu men cũng hết sức đa dạng: trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh rêu, vàng đậm, vàng nhạt...; hoa văn thì rất giàu sắc thái tự nhiên như: Sen, cúc, trúc, mai, thôn quê, bến nước, con thuyền, chim muông cách điệu phóng khoáng; bố cục sản phẩm nền nã có mở, có thân, có kết...

Tính độc đáo của gốm sứ cổ Chu Đậu chính là màu men trắng ngà thuần Việt (như ngọc như ngà), là cách tạo dáng và trang trí, kết hợp rất tài hoa các yếu tố làm nên ngũ hành là “Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ”.

Gốm sứ cổ Chu Đậu cũng được coi là gốm đạo; hoa văn trang trí đậm chất tâm linh Đạo giáo, mang dáng Việt, hồn Việt thuần khiết không đâu dễ trộn... Đó là những nét tinh hoa cốt lõi của gốm sứ Chu Đậu thôi thúc chúng tôi phục hồi, làm sống lại bản sắc nghệ thuật thuần Việt riêng biệt của làng nghề, vùng nghề trên chính nền đất làng gốm cổ xưa...

Cho nên cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, xây lắp công xưởng, mua sắm thiết bị, vật tư cho 15 phân khu trên mặt bằng 35.000m2, mở đường vào thôn Chu Đậu…, chúng tôi còn phải dồn sức nghiên cứu kỹ lưỡng thêm gam màu của gốm nhằm kết hợp hài hòa hoa văn cổ với màu men mới để sản xuất ra gốm sứ bắt nhịp cùng thời đại.

Nghĩa là làm sao để gốm Chu Đậu sản xuất ra sẽ giữ lại kiểu dáng và màu men cổ xen lẫn với hoa văn và cả kiểu dáng mới hiện đại.

Vì thế, cốt lõi là nhân tố con người, phải có bàn tay thợ tài hoa. Phải có đôi ngũ công nhân chuyên nghiệp lành nghề... Cho nên chúng tôi coi việc xây dựng con người có đầu óc thẩm mỹ, bàn tay điêu luyện lên trên hết.

Trước tiên là “Chiêu hiền đãi sĩ”. Nhiều nghệ nhân, thợ gốm tài ba ở mọi miền đất nước được mời về làm nghề và dạy nghề tiếp nối nhau cho hơn 300 thợ trẻ người bản xứ Nam Sách, phần đông tại làng Chu Đậu, cũng bởi Nguyễn Văn Lưu tin rằng vẫn còn mạch nguồn của tiền nhân còn ẩn trong lớp hậu duệ ngày nay và muốn đưa Chu Đậu sớm thành làng gốm đan hòa với công xưởng gốm của công ty...

Nói thì như vậy, làm cũng như vậy, nhưng phải trải muôn vàn gian truân. Không yêu, không say, không bền ý chí, đam mê khát vọng thì nói thật: Rất khó thành công!

Nhưng chúng tôi đã làm được, đã làm tốt. Mẻ gốm đầu tiên xuất xưởng, xuất khẩu sang Tây Ban Nha vào đúng ngày 25/8/2003 với gần 8.500 sản phẩm. Kể từ đó tới nay, có thể nói rất nhiều chuyến hàng theo đơn đặt hàng của các quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ... mà chúng tôi đã thành công...

ần đây trong đại dịch Covid-19, khách tới mua hàng có giảm, nhưng khách ở các châu lục đặt hàng qua mạng vẫn không hề sụt. Ấy cũng nhờ chất lượng cao của gốm sứ Chu Đậu đã đạt được niềm tin yêu của quý khách hàng!...

Nguyễn Văn Lưu hồ hởi dẫn chúng tôi thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm. Tuổi mới ngoại 60, nước da ngăm đen, mái tóc màu tro bàng bạc thoáng gặp dễ nhầm “bậc ông” nhưng nom thân hình chắc lẳn, bước đi khỏe khoắn, giọng như khánh như chuông trầm bổng khi đọc thơ ta thơ mình... thì dám chắc ai cũng xếp xuống “bậc anh” chứ chẳng riêng gì phái đẹp.

“Anh Lưu” kiêm luôn vai thuyết minh khi chúng tôi tới các gian hàng, sững sờ cứ như lạc vào “động tiên cổ tích”, vô vàn “châu báu, ngọc ngà” trưng bày đủ cách đủ kiểu, bắt mắt bắt lòng đến kỳ lạ... Thế nhưng, Giám đốc Lưu vẫn khéo bóc tách để nói về những sản phẩm tiêu biểu nhất được phục dựng thành công.

Đó là: Bình Tỳ bà có dáng hình cây đàn Tỳ bà biểu hiện tính âm, hiện thân người mẹ hiền Việt Nam... trang trí hoa văn bay bổng cách điệu con Rồng cháu Lạc; vai bình là những họa tiết ngũ hành (Kim - Mộc - Thủy - Thổ - Hỏa); thân bình thể hiện tứ quý (tùng - cúc - trúc - mai) bên sông nước thanh bình; chân bình là họa tiết cánh sen hiện thân của đạo Phật, đạo nhà...

Với Bình hoa lam (củ tỏi) biểu hiện tính dương, là chồng, cha; là trụ cột, chỗ dựa vững chắc cho gia đình; hoa văn trang trí bằng cúc đại đóa, thể hiện người chính nhân quân tử... Đôi bình gốm Chu Đậu tượng trưng cho âm dương, trời đất, vợ chồng, phu thê… cho tình yêu của đất và nước, của con người đôi lứa mãi trường tồn…

Nhân thể, Giám đốc cho chúng tôi thăm các xưởng thợ tổ chức sản xuất theo dây chuyền rất khoa học. Bàn xoay điện được thế chỗ cho bàn xoay thủ công. Thợ gốm là các nghệ nhân, thợ giỏi, họ luôn chăm chú với công việc. Đôi bàn tay tạo dáng mềm mại khéo léo, dẻo như múa, nhẹ vuốt theo dáng gốm.

Khi ấy, thợ vẽ hoa văn với năm búp ngón thon nhè nhẹ đưa đẩy trau chuốt từng nét cọ. Khuôn mặt, đôi mắt đắm đuối với vật mộc như chỉ cốt để thổi hồn dưỡng thần cho nét tinh hoa thấm sâu vào gốm.

Tôi chợt nhớ tới câu thơ của một thi sĩ: “Em cầm cây bút trên tay/ Đất cao lanh bỗng nở đầy sắc hoa…”. Thợ vẽ phải dùng tay vẽ lên nền gốm mộc bằng màu lam sau đó phủ lên một lớp men trắng trong, nung ở nhiệt độ 1.200o C trở lên thì hoa văn màu lam sẽ nổi trên nền trắng ngà!...

Thì ra, nét men cổ xưa độc đáo của Chu Đậu không hề mất đi là nhờ thế. Rất nhiều sản phẩm cổ tiêu biểu, quý hiếm đến thông dụng đã được phục hồi; được chế tác theo đơn đặt hàng từ 4 phương trời gửi đến, và thần thái gốm Việt Nam, tinh hoa  gốm sứ vẫn vẹn nguyên sắc thái Chu Đậu, Việt Nam!...

Với Giám đốc Nguyễn Văn Lưu, thiên hạ yêu quý từng mệnh danh ông là “Người thổi hồn vào gốm sứ Chu Đậu”, gọi ông là “Lưu Chu Đậu”. Gốm sứ Chu Đậu đã đạt giải “Thương hiệu mạnh tỉnh Hải Dương” và “Thương hiệu mạnh Quốc gia Việt Nam”.

Trước mắt chúng tôi như hiện ra một thị trấn gốm sứ Chu Đậu trong tương lai rất gần. “Con đường gốm sứ”, “Chợ gốm sứ”, “Làng gốm sứ”, “Bảo tàng gốm sứ Hải Dương” đã, đang, sắp, sẽ và nhất định thành hiện thực mới mẻ, sống động của vùng châu thổ Bắc Bộ.

Đó không chỉ là ý tưởng mà là đường đi, đích đến tất yếu của miền gốm sứ lừng danh, niềm tự hảo của văn hóa Việt Nam, nó đang trở thành điểm đến của khách du lịch bốn phương trong và ngoài nước; của trung điểm kinh tế - văn hóa Hà Nội tới, Hạ Long sang, Hải Phòng lên. Nơi đây Nguyễn Văn Lưu tựa “Thần lửa” của gốm sứ Chu Đậu - Lửa ấm đời nghề hôm nay và mãi đến mai sau!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.