Có thể nói, dòng gốm sứ Vạn Ninh ra đời khá muộn. Những lò gốm sứ đầu tiên xuất hiện tại Móng Cái từ giữa thế kỷ XIX và chỉ sản xuất đến cuối những năm 70 của thế kỷ XX thì ngưng. Thế nhưng sự hiện diện của dòng sứ Vạn Ninh vào đời sống của người dân đất Việt là không thể phủ nhận, chả thế mà dân gian vẫn truyền khẩu câu “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh” như một minh chứng cho sự phát triển, một quá khứ vàng son của dòng sứ này. |
Sản phẩm gắn mác Vạn Ninh mang nhiều dáng dấp gốm sứ Nam Trung Hoa với nhiều chủng loại như: ấm chén, bát, ấm tích, liễn, âu, lọ, gối, đèn, bình vôi, điếu. Ngoài ra, cũng có những vật dụng có kích thước lớn như: choé, bình, chum, đôn, thống. Các sản phẩm của sứ Móng Cái - Vạn Ninh có màu sắc không trắng trong hay trắng đục, cũng không phải màu xanh ngọc thạch mà là màu trắng phớt xanh. Màu trang trí chủ yếu là màu lam với các sắc độ đậm, nhạt, tươi, sẫm khác nhau được tạo ra bằng màu xanh cô ban. |
Một trong những đề tài trang trí quen thuộc trên sứ Móng Cái ở thể loại đồ lớn như chum, chóe, bình... là hình ảnh các vị tiên, được thể hiện bằng bút pháp miêu tả tính cách, công việc, vai trò của từng vị trong tiên giới, gắn liền với các tích truyện như: "Ma cô tiến thọ đồ”, "Bát tiên quá hải", "Lưu Hải hý kim thiềm", hoặc "Lão quân luyện đan", "Nhị sơn Quả Lão Chung Ly" (Trương Quả Lão và Hán Chung Ly trong Bát Tiên)... |
Mỗi hình ảnh trên gốm là một câu chuyện riêng biệt giàu hình sắc. Mỗi lần tìm hiểu là mỗi lần ngược về quá khứ với bao nhân vật, điển tích, ý niệm, hàm nghĩa... Nhắc đến sứ Vạn Ninh - Móng Cái, người ta nhắc đến một dòng gốm đặc sắc tồn tại riêng biệt, có vị trí xứng đáng trong dòng chảy gốm sứ Việt Nam... Và luôn nhận được sự trân trọng và săn lùng của giới chơi đồ cổ. |
Với những đôi lọ lộc bình chỉ cao khoảng 50cm đã có giá hơn 40 triệu đồng. Những chiếc nậm, âu, liễn, bình vôi nhỏ cũng phải có giá từ 5 -7 triệu đồng/ chiếc.Tất nhiên để đạt được mức giá cao thì sản phẩm phải còn nguyên vẹn không bị nứt vỡ, thân bình vẫn giữ được màu men sáng đặc trưng nguyên bản. |
Tại chợ Viềng xuân diễn ra tại Thị trấn Nam Giang huyện Nam Trực tỉnh Nam Định người ta ước tính có đến hàng trăm sản phẩm gốm sứ Vạn Ninh như thế. Chúng đã theo chân người bán từ khắp nơi đổ về đây từ nhiều ngày trước đó. Nhiều người bán cũng chấp nhận "ăn ngủ" với chợ Viềng từ trước khi khai hội vài ngày để phục vụ thú chơi đắt đỏ này. |
Dù đây là thú chơi của "đại gia" thế nhưng khu vực buôn bán đồ cổ, đặc biệt là gốm sứ Vạn Ninh luôn tấp nập. Người mua sẵn sàng chi tiền triệu thậm trí hàng chục triệu để sở hữu được một món đồ ưng ý, đơn giản là bởi vì theo năm tháng một số lượng không nhỏ cổ vật bị mất đi hoặc được bán ra nước ngoài, không còn xuất hiện trong thị trường Việt Nam nữa. Thế nên gốm sứ Vạn Ninh càng để lâu càng thêm giá trị. |
Cũng có nhiều người ghé thăm khu phố đồ cổ tại chợ Viềng dù không mua sản phẩm nào, đơn giản chỉ là đi để ngắm cho thỏa đam mê thôi. Thế nhưng người bán luôn chào đón nhiệt thành, vì đây không chỉ là nơi để buôn bán mà còn là nơi để những người đam mê thú chơi cổ vật cùng giao lưu, học hỏi. |
Dù chưa tới giờ khai mạc, nhưng những người bán đồ cổ tại chợ Viềng đã sẵn sàng cho phiên chợ độc đáo một năm chỉ họp một lần này. Du khách ghé thăm nơi đây cũng nên tìm mua cho mình một món quà lưu niệm nho nhỏ. Và đừng băn khoăn bởi ở chợ Viềng người ta thường bảo: "Gi gỉ gì gi thứ gì cũng có"! |