Góc khuất của những thiên tài âm nhạc

GD&TĐ - “Cô đơn thì buồn nhưng nhiều lúc tôi tìm thấy niềm vui ở trong đó chứ không hoàn toàn tiêu cực” – nghệ sĩ Đặng Thái Sơn từng chia sẻ.

NSƯT Bùi Công Duy
NSƯT Bùi Công Duy

Đánh mất tuổi thơ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cả về "văn - võ": Cụ ngoại là nhà văn Nguyễn Tuân, ông nội nguyên là Thượng tướng Trần Văn Quang, ông họ là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lê Quang Tiến đã sớm bộc lộ khả năng nghệ thuật của mình từ nhỏ. Từng học piano năm 5 tuổi, đến năm 6 tuổi, Trần Lê Quang Tiến lại chuyển qua violin nhưng nửa năm sau em lại quay sang học cả vẽ và múa, rồi 4 năm sau lại bất ngờ quay lại với violin một cách khá muộn màng.

Nhưng với bản năng chơi nhạc sẵn có, Quang Tiến đã được nhiều nhà chuyên môn ví von là thần đồng violin của Việt Nam. Thầy giáo của Tiến và cũng là nghệ sĩ violin nổi tiếng Bùi Công Duy, người từng đánh giá Quang Tiến "không phải xuất sắc mà là quá xuất sắc".

NSƯT Bùi Công Duy cho biết, khởi điểm theo học violin của Tiến không vào “guồng” ngay như các học sinh chuyên nghiệp khác, thậm chí là Tiến còn theo học muộn so với lứa tuổi nhưng khả năng lĩnh hội của Tiến đã giúp tiến phát triển vượt bậc nhanh chóng.

Thần đồng violin mới của Việt Nam chia sẻ về cái duyên với cây đàn: “Sau khi không học piano, chị em đã khuyên em học violin vì ở Việt Nam có nhiều thầy giỏi và chị em nghĩ rằng em sẽ hợp với cây đàn này. Nhưng sau đó, em đã từ bỏ violin vì tập violin quá khó và gian nan”.

Dù vậy, một thời gian sau, Quang Tiến lại tìm thấy niềm vui ở bộ môn này: “Khi lớn hơn, thể lực của em cũng tốt hơn và em cũng quyết tâm hơn để tập lại violin. Vào thời gian nghỉ hè, em không phải học văn hóa nên có thể tập đàn nhiều hơn, khoảng 2 đến 3 tiếng/ngày”.

Nhìn cậu học trò nhỏ miệt mài bên cây đàn, Bùi Công Duy không khỏi nhớ lại hình ảnh của mình thuở xưa. Sẽ khó có được tài năng vĩ cầm Bùi Công Duy nếu không có sự hà khắc và quyết liệt của người cha - nghệ sĩ Bùi Công Thành.

Phát hiện năng khiếu của con và muốn con luyện thành tài, nghệ sĩ Bùi Công Thành không ngại thỉnh thoảng phải dùng tới roi vọt để ép cậu con trai tập đàn. Ông còn quyết tâm di chuyển cả gia đình sang Nga để tạo điều kiện cho Duy tiếp xúc với môi trường âm nhạc hàn lâm nổi tiếng này. 4 tuổi, thay vì được nâng niu, chiều chuộng, Bùi Công Duy bị ép học violin dưới sự giám sát nghiêm ngặt.

Anh kể: “Tôi tham dự các cuộc thi từ rất bé, chỉ biết thi thôi, không nghĩ gì về thành tựu. Lúc đứng trên sân khấu, tâm lý ganh đua trẻ con cùng lắm chỉ nghĩ rằng, phải làm sao để chơi hay hơn những bạn khác. Lớn hơn thì tâm niệm, học thì phải thi, thi thì phải có giải. Đó là đường đi của hầu hết nghệ sĩ. Thời gian trôi qua, mình mới nhận ra cái mình đạt được không còn là những tấm huy chương đơn lẻ”.

Bùi Công Duy sống ở Nga từ năm 1991 đến 2006, tổng cộng 15 năm. Đây là một giai đoạn khó khăn, đáng nhớ với nhiều kỷ niệm, thành công trong cuộc đời anh. Duy đã lớn lên và hình thành con người trong thời kỳ ở Nga, đã trải qua những năm tháng học tập miệt mài với vô số thử thách, có cả thành công lẫn thất bại trong học tập.

Để rồi sau khi nổi tiếng, anh cảm nhận được vị ngọt ngào của hào quang, nhưng đôi lúc cũng thấy thật phiền phức vì hay bị chú ý, hay bị mang ra bàn tán, luôn bị áp lực về việc phải học tốt, biểu diễn tốt và bị sức ép từ nhiều phía như gia đình, bạn bè, thầy cô, xã hội...

Chấp nhận đánh mất tuổi thơ để gắn bó với kỷ luật cũng là câu chuyện vô cùng sống động của NSND Đặng Thái Sơn. Hồi còn nhỏ, mỗi khi Đặng Thái Sơn tập đàn, chả mấy khi được mẹ khen, thậm chí còn bị nhận xét rất khắt khe, khiến nhiều lúc Đặng Thái Sơn rất tự ti về khả năng chơi đàn của mình.

May mắn được phát hiện tài năng bởi một người thầy đến từ Nga, ông nghe tiếng đàn của Sơn và ngay lập tức thay đổi hoàn toàn giáo trình, đang từ trình độ trung cấp nhảy vọt lên hẳn đại học và cái tên Đặng Thái Sơn bắt đầu từ đó đã toả sáng thật diệu kỳ.

Sau khi thành danh, Đặng Thái Sơn liên tục đi lưu diễn và giảng dạy khắp thế giới. Cũng bắt đầu từ đây, NSND Thái Thị Liên rong ruổi cùng với con trai trên mọi nẻo đường, làm đủ nghề để hỗ trợ con.

Thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, bà làm thư ký, đánh máy, tốc ký… và làm cả công việc nội trợ. Hai mẹ con nghệ sĩ thường chơi đàn với nhau như một cách để trò chuyện, giao tiếp trên những chuyến "phiêu lưu" nhiều năm ở Liên Xô (cũ), Paris (Pháp), và nhiều trường đại học danh tiếng khác ở châu Âu, Á, Mỹ... Cho đến mãi về sau, NSND Đặng Thái Sơn đi tới đâu cũng có mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ...

Làm bạn với cô đơn

Đặng Thái Sơn, người đầu tiên lập lên kỳ tích cho châu Á và trở thành một “huyền thoại” dương cầm của Việt Nam khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tháng 10 năm 1980 ở Warszawa (Ba Lan), và sau này vẫn tiếp tục tỏa sáng trên con đường nghệ thuật của mình với những chuyến biểu diễn liên tục khắp 30 quốc gia trên cả 4 châu lục.

Việc phải xa đất nước từ khi còn nhỏ và phần lớn thời gian dành cho những chuyến lưu diễn cũng là một góc khuất của nghệ sĩ này.

Có thể nói Đặng Thái Sơn đã đạt đến đỉnh vinh quang âm nhạc của một người Việt trên thế giới. Nhưng làm bạn với ông trong suốt quãng thời gian đó lại là sự cô đơn. Ông cho biết, cô đơn là cần thiết cho nghệ thuật nói chung. Cô đơn là lúc nạp điện, còn lúc diễn là phóng điện. Nghệ sĩ cần một khoảng không gian, thời gian và sự im lặng để làm việc.

Cô đơn thì buồn nhưng nhiều lúc tôi tìm thấy niềm vui ở trong đó chứ không hoàn toàn tiêu cực. Hiện nay, ngoài sự nghiệp biểu diễn, ông còn mở rộng các hoạt động như giảng dạy, làm giám khảo nên không có nhiều thời gian để cô đơn. Hơn nữa, xung quanh luôn có học trò trẻ trung, đấy là niềm vui rất lớn cho ông.

Bùi Công Duy cũng vậy, sau một thời gian dài đấu tranh với đủ thứ áp lực thì giờ đây, anh tìm thấy niềm vui trong công việc. Một mảng công việc khác của Bùi Công Duy là giảng dạy. Anh hiện là Chủ nhiệm khoa Dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Bùi Công Duy kể, những ngày đầu về nước anh chưa quen lắm với việc giảng dạy. Bởi ở nước ngoài các thầy luôn giữ nguyên tắc khắt khe, thì ở Việt Nam việc dạy trẻ lại phải mềm dẻo, linh hoạt. Bởi các em thường bị sức ép về học văn hoá ở trường nên phải tìm ra cách học phù hợp, tránh dồn ép để các em bị ức chế, quá tải.

Với sự tận tâm của Bùi Công Duy, một số học sinh đã đoạt giải cao trong các kỳ thi âm nhạc quốc tế. Điển hình là Nguyễn Linh Uyên đoạt giải nhì cuộc thi “Mozart International String Competition 2011” tại Thái Lan, hoặc Trịnh Đan Nhi đoạt giải nhì cuộc thi “The 4th ASEAN International Concerto 2011” tại Indonesia…

Và mới đây nhất là sự tỏa sáng của Trần Lê Quang Tiến. Không chỉ thành công với vai trò "gõ đầu trẻ", trong vai trò của người tổ chức biểu diễn, Bùi Công Duy hiện vẫn ấp ủ những dự định âm nhạc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần hướng tới hội nhập trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...