Làng khoa bảng Phú Thị không chỉ nổi tiếng với 10 vị đại khoa, mà cho đến nay huyền tích về thế đất Mộc tinh giúp họ Nguyễn phát khoa 3 đời vẫn còn là câu chuyện đầy bí ẩn và thú vị.
Theo sách “Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự”, làng Phú Thị (tức làng Sủi) vào đầu thời Nguyễn thuộc tổng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An - xứ Kinh Bắc, nay thuộc Gia Lâm (Hà Nội). Là một làng khoa bảng nổi tiếng, nên hiện tại trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Chung linh đất Sủi ai bì/ Thượng thư một ngõ bốn vì hiển vinh”.
Một nhà 3 tiến sĩ
Tuy nhiên ít ai biết, trong số 10 vị đại khoa làng Sủi, thì riêng họ Nguyễn Huy đã chiếm một nửa với 5 vị tiến sĩ nức tiếng triều Lê. Đáng chú ý, chỉ trong vòng hơn 50 năm, dòng họ đã có 5 người đỗ đại khoa, ba bố con - ông cháu nối nhau làm quan trong triều. Đây không chỉ là một hiện tượng hiếm có, mà còn trở thành những giai thoại để hình thành câu ca: “Nhất môn tam Tiến sĩ/ Đồng triều tứ Thượng thư”.
Để giải thích về sự thành công của dòng họ Nguyễn Huy làng Sủi, người xưa đã tạo ra các giai thoại dân gian. Trong đó có tích kể rằng, cụ tổ thứ hai của họ Nguyễn là Đức Hữu có ba người con trai tên là Đôn Thận, Đôn Tập và Siêu Lang.

Khi cụ Hữu mất, các con theo lời thầy địa lý, chôn cụ tại một đám đất hình Mộc tinh ở xứ Mả Cả, sát một vũng trâu đằm. Được hơn nửa tháng, con cháu trong nhà lần lượt ốm đau mắc bệnh, nghĩ rằng mộ cha bị động nên di đi nơi khác.
Khi đang đào, thì trời nổi mưa gió không thể đào tiếp. Từ trong tiếng mưa gió gào thét, bỗng vang lên tiếng trẻ mục đồng hát rằng: “Biết đâu đã hẳn hơn đâu/ Có chốn thì cầu, có chốn thì vong”.
Các con bèn bàn nhau: “Mộ cha chúng ta chôn ở đây phải chăng đã được thần xá khẩu để làm phúc cho con cháu”, bèn thôi không đào nữa, chỉ đắp thêm rồi ra về. Từ đó, gia đình hết ốm đau bệnh tật, làm ăn phát đạt, con cháu học hành tấn tới.
Không lâu sau, tin vui đến với họ Nguyễn Huy khi dòng họ có 3 người đỗ Tiến sĩ: Nguyễn Huy Nhuận (con ông Đôn Thận), Nguyễn Huy Mãn (con ông Phúc Tập) và Nguyễn Huy Thuật (con ông Siêu Lang). Bởi vậy, tại gia phả của dòng họ Nguyễn có khẳng định rằng: “Họ ta được hiển đạt tiếp phúc nhờ ngôi mộ này”.
Người đầu tiên của dòng họ đỗ Tiến sĩ là Nguyễn Huy Nhuận - cũng là vị Tiến sĩ khai khoa của đất Phú Thị nói chung và dòng họ Nguyễn Huy nói riêng, được tôn xưng là ông tổ của các tiến sĩ trong làng. Nguyễn Huy Nhuận còn có tên là Nguyễn Quang Nhuận (sinh khoảng năm 1977).
Năm 26 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Chính Hòa 24 (1703) đời vua Lê Hy Tông. Văn bia đề danh khoa thi này do Hàn lâm viện Hiệu lý Nguyễn Quý Ân vâng sắc soạn cho biết, Nguyễn Huy Nhuận tên đứng thứ nhất trong số 5 người hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Trong sự nghiệp làm quan, Nguyễn Huy Nhuận có nhiều công lao đối với đất nước và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình Lê - Trịnh. Năm Quý Mão (1723), ông được cử làm Phó sứ, Phạm Khiêm Ích làm Chính sứ sang nhà Thanh mừng vua Ung Chính lên ngôi. Ba năm sau (1726) đi sứ trở về, ông được làm Tả thị lang Hình bộ.
Những khi việc quan rảnh rỗi, ông mở lớp dạy học, học trò có đến hàng trăm người, nhiều người đỗ đại khoa như Lê Hoàn Viện (làng Bát Tràng), các em con chú của ông là Nguyễn Huy Mãn, Nguyễn Huy Thuật.
Nối nhau đỗ đại khoa
Đang làm Tả thị lang, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận được cử lên Tuyên Quang cùng với Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái lăn lộn sơn lam chướng khí, đàm phán đòi lại 40 dặm đất biên giới do Nhà Thanh chiếm giữ, trong đó có khu vực mỏ đồng Tụ Long, lập mốc giới và dựng bia bên bờ Nam sông Đồ Chú.
Văn bia do Nguyễn Huy Nhuận soạn có nội dung: “Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đồ Chú làm căn cứ. Ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6 (1728), chúng ta là Nguyễn Huy Nhuận, Tả thị lang bộ Binh và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử Giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”. Từ đó, cương giới hai bên mới ổn định.

Sau đó, Nguyễn Huy Nhuận được vua Lê giao lần lượt đảm trách Thượng thư trải 5 bộ, cao nhất là Tham tụng (Tể tướng). Năm Quý Hợi (1743), khi 66 tuổi ông xin về trí sĩ, được chúa Trịnh ban cho 12 cờ lục thêu, câu đối và một bài thơ Quan Phủ Liêu, giao cho dân xã của sáu tổng đến rước về làng.
Hai năm sau, tức đầu năm 1745, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận lại được triều đình mời ra giúp việc. Bấy giờ, bốn phương không yên, giặc giã nổi dậy, giấy tờ việc binh bề bộn. Nguyễn Huy Nhuận nắm giữ cả việc quân sự và hành chính, cai quản tướng sĩ, khuyên bảo quan lại, dẹp giặc yên dân. Ông là một trong năm vị “Phụng thị ngũ lão” của triều Lê - Trịnh.
Năm 1755, theo đề xuất của ông, vua Lê cho chế mũ miện áo cổn mặc vào tượng đức thánh Khổng Tử thờ ở Văn Miếu. Việc này, sách “Đại Việt sử ký tục biên” có chép: “Tham tụng Nguyễn Huy Nhuận nói: ‘Thánh nhân là thầy của Đế vương muôn đời, mà lễ phục vẫn dùng phẩm phục quan tư khấu không có được lòng tôn sùng’. Bèn đổi mũ miện áo cổn là phẩm phục của Vương giả để thờ”.
Năm 1756, ông được cử giữ chức Tri Quốc Tử Giám. Chiếu dụ rằng: “Nhà Giám là nơi tác thành nhân tài. Gần đây dạy và học hơi trễ nải, văn thể hơi biến đổi. Các khanh là bậc túc nho ở vào chức vụ nhà Thành quân (Đại học) nên lưu ý cổ vũ, bồi dưỡng nhân tài để triều đình dùng”.
Tháng 4 năm 1758, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận qua đời, thọ 81 tuổi, được triều đình ban tiền phúng 500 quan, ba xã phụng thờ. Không chỉ vậy, làng Cổ Hiền, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng thờ Nguyễn Huy Nhuận làm Thành hoàng kèm theo 50 mẫu đất vua ban để thờ cúng.
Sách “Đại Việt sử ký tục biên” viết: “Như ông - dòng danh nho ở mạn Bắc sông Nhị Hà, bậc nhân kiệt ở phía Nam sao Bắc Đẩu. Đăng khoa tuổi trẻ, trên vui lòng còn 2 bóng xuân huyên. Mở nước công danh, xét công đầu cả hai lần phiên niết.
Làm chức tai mắt: Ba lần Ngự sử, giữ nơi họng lưỡi, năm lượt Thượng thư. Sang sứ mệnh ở Yên Kinh 3 năm. Bàn cương giới ở Vị Tây mấy tháng. Kinh luân thực dụng hơn bốn mươi năm. Cây tùng bách trái rét mùa đông xóm vàng nhạc ngựa”.
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú dành riêng một mục viết về Nguyễn Huy Nhuận và xếp ông vào hàng “Người phò tá có công lao tài đức”.
Nối tiếp dòng mạch khoa bảng mà Nguyễn Huy Nhuận khai mở, dòng họ Nguyễn Huy còn có 4 vị đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Huy Mãn (đỗ năm 1721), Tiến sĩ Nguyễn Huy Thuật (đỗ năm 1733), Tiến sĩ Nguyễn Huy Dận (đỗ năm 1748), Tiến sĩ Nguyễn Huy Cận (đỗ năm 1760).
Nguyễn Huy Mãn (1688 - 1739) tương truyền rất thông minh, nhìn chữ là nhớ không cần đọc ra tiếng. Ông học anh con bác là Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận. Năm ông 34 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721).
Triều đình cử Nguyễn Huy Mãn nhận chức Ngự sử đài, sau làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ, Tự khanh, có thời gian làm gia sư phủ Lượng Quốc công. Ngoài việc quan trường, Nguyễn Huy Mãn dành thời gian dạy hơn nghìn học trò, trong số đó có nhiều người đỗ đạt cao như anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm ở Tiên Điền, Nguyễn Hành ở La Sơn, em họ là Huy Dựng...
Người thứ 3 đỗ đạt là Nguyễn Huy Thuật (1690 - 1772) đỗ Tiến sĩ năm 1733 nhậm chức Đề hình, Giám sát ngự sử, Tham chính xứ Sơn Tây. Con trai lớn của Nguyễn Huy Nhuận là Nguyễn Huy Dận (1708 - 1780) đỗ Tiến sĩ năm 1748 nhậm chức Hàn lâm viện Đãi chế, Đông các hiệu thư…

Từ chối làm quan, mở trường dạy học
Con trai Nguyễn Huy Dận là Nguyễn Huy Cận (Cẩn) nổi tiếng thần đồng, nổi tiếng khắp vùng. Lớn lên râu tóc đẹp đẽ, dung mạo khôi ngô, cử chỉ nhàn nhã, tính tình trầm mặc không nhiễm tục lưu. Ông hồi nhỏ thụ nghiệp ở gia đình, theo học với ông nội là Nguyễn Huy Nhuận.
Sau đó lại theo học với Tiến sĩ Dương Quyết, người làng Lạc Đạo. Năm 19 tuổi, Nguyễn Huy Cận đi thi đỗ Nho sinh khoa Đinh Mão (1747). Năm 22 tuổi, đỗ thứ 3 kỳ thi Hương khoa Canh Ngọ (1750). Năm sau (Tân Mùi), ông lấy vợ là con gái của Công bộ Thượng thư Nguyễn Đức Vĩ người làng Phật Tích, huyện Tiên Du.
Năm 26 tuổi, ông đỗ khoa Tuyển cử, năm 29 tuổi đỗ thứ 2 khoa Hoành từ. Sau đó được giao giữ chức thự Tri phủ Lạng Giang. Thời gian này, ông trị vì khoan thứ, không dùng đến roi vọt. Lúc nhàn hạ, ông mở lớp dạy học vỡ lòng (khải mông), tiếp tục đọc sách vở kinh sử.
Năm 1760 đời Lê Hiển Tông, ông đỗ Hội nguyên lúc 32 tuổi. Khi vào thi Đình, ông đáng đỗ cập đệ, nhưng vì sai cách trình bày theo quy định nên chỉ đỗ đồng Tiến sĩ. Văn bia đề danh khoa thi năm Canh Thìn (1760) là tấm bia duy nhất được dựng ngay sau khi thi Hội.
Văn bia do Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm vâng sắc soạn, có đoạn: “Qua trường bốn lấy trúng cách bọn Nguyễn Huy Cận 5 người. Qua tháng sau Điện thí, cho bọn Ngô Trần Thực đều đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại sai khắc tên vào đá để lưu truyền mãi mãi”.
Sau khi thi đỗ, vào triều, Nguyễn Huy Cận không thích làm quan, cố từ xin về. Ông ở một mình một nhà lấy kinh sử làm vui, ít giao thiệp với đời. Lúc thường ngồi yên lặng đọc sách, lại có khi đứng dậy đi quanh thềm ngâm nga như có điều đắc ý.
Vị học sĩ Nguyễn Huy Dận là cha ông - sau khi về hưu, mỗi khi đến thăm, hai cha con cùng nhau giảng bàn xướng họa, trong gia đình có lạc thú tự nhiên. Đời bấy giờ tôn trọng danh tiết ông. Chúa Trịnh nhiều lần có chỉ triệu, ông đều không đến.
Một số nguồn sử sách có chép rằng, Nguyễn Huy Cận thường đem lý số để suy tính, mọi việc có thể biết trước. Cuối thời Lê Hiển Tông, ông làm thơ có 2 câu: Giao long đắc thế, Kinh châu vân đế trụ chi trì/ Nga áp kinh thanh Sái thành, Vũ Đường tôn chi hác (Lưu Bị được Kinh châu như thuồng luồng gặp mây mưa đắc thế/ Vua Đường phá Sài thành vì chưng tiếng vịt ngỗng gặp tuyết mà kêu vang).
Về sau, vua nối ngôi là Lê Chiêu Thống đem quân Thanh về đánh quân Tây Sơn nhằm phục lại nước, giữ lại ngôi nhưng cuối cùng vì kiêu căng phóng túng mà thất bại. Sự thế ấy hợp với ý hai câu thơ mà Nguyễn Huy Cận đã làm. Ý tứ lý số ấy của ông được người đương thời cho là cao kiến.


Vì không ra làm quan, Nguyễn Huy Cận về nhà mở trường dạy học. Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt, thành danh như Nguyễn Duy Hiệp ở Phụ Dực (nay thuộc Thái Bình), Trần Huy Vĩ ở Thọ Lão (nay thuộc Mê Linh, Hà Nội), Nguyễn Huy Quân ở Thanh Khê (nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên), Cao Huy Diệu người cùng làng Phú Thị.
Ngoài vua Lê – chúa Trịnh, sau này nhà Tây Sơn cũng nhiều lần mời Nguyễn Huy Cận ra làm quan, nhưng ông đều viện cớ từ chối, ở nhà chuyên tâm với sách vở. Trước tác của ông nổi tiếng đương thời và cho đến ngày nay, như: Phương Am tiên sinh thi văn tập, Phương Am Nguyễn tiên sinh truyện (gồm 91 bài thơ), Tuyên văn Mục lục (bằng chữ Hán và chữ Nôm treo ở đình làng Phú Thị), Võng la hào kiệt phú, Nghiêm lăng lại phú…
Năm 1790 thời Tây Sơn, Nguyễn Huy Cận qua đời ở tuổi 62. Các môn sinh trường Phương Am theo di chúc, táng di hài ông tại đỉnh núi Văn Khê, huyện Yên Dũng, Kinh Bắc (nay là thôn Nam Sơn, xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).
Huyền tích thế đất Mộc tinh giúp họ Nguyễn khoa danh 3 đời với 5 vị tiến sĩ không dừng lại ở một giai thoại. Con cháu dòng họ Nguyễn Huy làng Sủi theo gương sáng cha ông đã không ngừng tiếp nối, bồi đắp, làm giàu thêm truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa.
Ngoài 5 vị đại khoa, dòng họ Nguyễn Huy còn có 13 vị nho sinh, 6 vị hiệu sinh và một bậc kỳ tài kiệt xuất trong dòng văn học Nôm là thi nhân Nguyễn Huy Lượng. Phát huy truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa - từ năm 1945 đến nay, dòng họ Nguyễn Huy đã có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư. Dù hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đời nào, thế hệ nào cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương, đất nước. Dòng họ cũng lập quỹ khuyến học, biểu dương tân sinh viên và học sinh giỏi, thúc đẩy tinh thần học tập, bồi dưỡng tri thức – trí tuệ và đạo đức theo gương tiền nhân.