Văn hóa Tết thầy trên thế giới

GD&TĐ - 'Tôn sư trọng đạo' là truyền thống cao đẹp không chỉ phổ biến tại Việt Nam, mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Á.

Học sinh Thái Lan bày tỏ lòng biết ơn thầy cô trong lễ 'Wai Kru'.
Học sinh Thái Lan bày tỏ lòng biết ơn thầy cô trong lễ 'Wai Kru'.

Khác với người Việt dành ngày đầu Xuân năm mới để “Tết thầy”, người dân các nước châu Á thể hiện tinh thần “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” bằng nhiều hình thức đẹp.

“Sứ giả của trí tuệ”

Tại Trung Quốc, tôn trọng giáo viên và coi trọng giáo dục là một trong những chuẩn mực xã hội cơ bản. Từ xưa đến nay, dạy học luôn được coi là một nghề cao quý và thầy giáo được kính trọng như những “sứ giả của trí tuệ”.

Nhìn chung, tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp và xuyên suốt trong lịch sử phát triển của Trung Quốc. Như Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh trong bài phát biểu: “Với tất cả nỗ lực, Trung Quốc sẽ tiếp tục coi trọng giáo dục và tôn trọng giáo viên, chuyên gia giáo dục. Đất nước sẽ tăng cường cải thiện địa vị xã hội và nghề nghiệp của giáo viên để thầy cô có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của quốc gia”.

Trong lịch sử Trung Quốc, nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng “tôn sư trọng đạo” được ghi lại và lưu truyền cho đến đời sau. Những câu chuyện này được dạy trong chương trình mẫu giáo, chương trình tiểu học để nuôi dưỡng và hình thành cho những đứa trẻ niềm tin yêu, kính trọng người thầy.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng, gắn liền với thành ngữ “Cheng Men Li Xue”, nghĩa đen là “đứng trong tuyết trước cổng nhà Cheng”. Từ “Cheng” để chỉ Cheng Yi, một trong những triết gia giỏi giang ở thời nhà Tống (960 – 1276) có nhiều học trò say sưa theo học.

Một ngày giữa mùa Đông, hai học trò của Cheng là Yang và You Zuo xảy ra tranh cãi vì một bài toán chưa được giải đáp thỏa đáng. Họ đến nhà thầy Cheng xin lời khuyên.

Khi hai người đến nơi, người gác cổng nói rằng thầy Cheng đang nghỉ trưa. Không muốn làm phiền thầy giáo, hai học trò quyết định đứng đợi ngoài cổng giữa những cơn gió tuyết lạnh cắt da cắt thịt. Cả hai đứng sát vào nhau, quấn chặt quần áo vào người cho đỡ lạnh.

Một lúc sau, Cheng tỉnh dậy, hay tin liền cho mời hai học trò vào nhà. Ở bên ngoài, tuyết đã dày một thước (khoảng 40 cm). Cảm động trước tinh thần hiếu học của trò, Cheng đã dìu dắt Yang trở thành một học giả vĩ đại.

Làm gương là một trong những phương pháp người Trung Quốc sử dụng để giáo dục trẻ nhỏ thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng sâu sắc với người thầy của mình. Không chỉ qua các câu chuyện, học sinh được chứng kiến nhiều tấm gương thể hiện sự tri ân với thầy, cô giáo.

Đơn cử, vào Ngày Nhà giáo Trung Quốc (10/9) hàng năm, Chủ tịch Tập Cận Bình thường đến thăm các trường phổ thông, đại học. Trong các bài phát biểu của mình, ông Tập đánh giá cao công việc của các nhà giáo dục, đồng thời nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Giáo dục quốc gia nhân Ngày Nhà giáo năm 2018, ông Tập cho biết giáo viên là kỹ sư của tâm hồn con người, là người thúc đẩy nền văn minh nhân loại thông qua việc giảng dạy, nuôi dưỡng các thế hệ tương lai.

Trung Quốc có hơn 16 triệu giáo viên, là hệ thống giáo dục lớn nhất thế giới nên phải đối mặt với thử thách về khoảng cách về nguồn lực giảng dạy giữa nông thôn và thành thị. Các chuyên gia cho rằng, khoảng cách này là một trong những nguyên nhân khiến nghề giáo bị giảm nhẹ giá trị.

Để giải quyết tình trạng trên, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều giải pháp thu hút, phát triển và giữ chân giáo viên giỏi tại nông thôn. Nước này đang triển khai chương trình tuyển dụng đặc biệt nhằm khích lệ cử nhân sư phạm về nông thôn giảng dạy như tăng lương, trợ cấp học phí, trợ cấp đặc biệt hàng tháng, khám sức khỏe miễn phí hàng năm... Trong giai đoạn 2017 – 2018, khoảng 170 nghìn cử nhân sư phạm đã đăng ký chương trình và làm việc cho các trường học nông thôn.

Ngoài ra, Trung Quốc tổ chức vinh danh giáo viên công tác lâu năm ở các vùng xa xôi. Đơn cử, năm 2022, Trung Quốc đã trao tặng huân chương cho bà Zhang Guimei, Hiệu trưởng Trường Trung học Nữ sinh Huaping, tỉnh Vân Nam, vì đã nỗ lực nuôi dạy học sinh tại các vùng xa, vùng khó. Hàng nghìn nữ sinh nhà trường đã trúng tuyển đại học và thoát nghèo.

Như vậy, Chính phủ Trung Quốc không chỉ công nhận vai trò của người thầy, mà còn triển khai nhiều biện pháp, hành động thực tế để nâng cao vị thế, thể hiện sự tri ân dành cho thầy cô. Từ thái độ mạnh mẽ của chính phủ, “tôn sư trọng đạo” đã trở thành kim chỉ nam trong xã hội Trung Quốc và giá trị của người thầy chưa bao giờ bị mai một.

Trẻ em Trung Quốc trang trí thiệp, tặng hoa giáo viên.

Trẻ em Trung Quốc trang trí thiệp, tặng hoa giáo viên.

Nhường ghế cho giáo viên

Từ văn hóa và lối giáo dục trên, học sinh Trung Quốc luôn dành sự tri ân lớn cho thầy cô. Trong những ngày đặc biệt như Ngày Nhà giáo Trung Quốc (10/9) hay Tết Trung thu, học sinh sẽ dành tặng giáo viên những món quà ý nghĩa như hoa, thiệp, lời chúc để thể hiện lòng biết ơn, sự yêu kính đối với những người dạy dỗ mình. Theo truyền thống, cựu học sinh hoặc người trưởng thành sẽ trở lại trường cũ thăm thầy cô và chia sẻ về hành trình trưởng thành từ khi rời xa người thầy.

Ngoài ngày này, giáo viên Trung Quốc được học sinh đối xử lễ phép trong cả năm. Tại các trường phổ thông, học sinh đứng dậy khi trả lời câu hỏi, vỗ tay khi giáo viên vào lớp hay cúi đầu chào khi đi qua giáo viên. Nếu muốn phát biểu, học sinh phải giơ tay, đợi đến lượt giáo viên gọi.

Khác với Trung Quốc, Nhật Bản không có ngày nhà giáo nhưng “tôn sư trọng đạo” đã ăn sâu vào văn hóa nơi này. Người dân Nhật Bản dành sự tôn kính sâu sắc dành cho giáo viên.

Chẳng hạn, trên các phương tiện di chuyển công cộng, người dân sẽ nhường chỗ cho giáo viên. Giáo viên được miễn xếp hàng, được giảm giá tại một số cửa hàng. Bất kể tuổi tác, giáo viên được mọi người gọi bằng đại từ “sensei”, một danh hiệu kính trọng dành cho những người có học thức như thầy cô, bác sĩ, chính trị gia...

Văn hóa “tôn sư trọng đạo” đã truyền qua bao thế hệ ở Nhật Bản và những đứa trẻ lớn lên giữa tinh thần này. Lấy người lớn làm gương, những đứa trẻ dù chưa hiểu chuyện nhưng đã biết giáo viên là những người cần phải kính trọng, tôn kính. Đến khi đi học, các em được giáo dục để hiểu hơn về tinh thần “tôn sư trọng đạo”.

Khi tiết học bắt đầu, điều đầu tiên học sinh Nhật Bản làm là cúi chào giáo viên. Từng được dự giờ các tiết học tại Nhật Bản, phóng viên Celia Hatton, làm việc hãng CBS News (Australia), đánh giá cử chỉ nhỏ này nói lên nhiều điều. Đó là hành động đầu tiên mỗi ngày nhắc nhở học sinh về sự tôn trọng dành cho thầy cô.

Ngoài ra, trong những dịp đặc biệt như hoàn thành kỳ thi, tốt nghiệp, học sinh sẽ bày tỏ lòng biết ơn giáo viên bằng cách kiệu giáo viên vòng quanh trường. Truyền thống này bắt nguồn từ hình ảnh học sinh của một lớp học cõng thầy giáo trên lưng trong buổi lễ tốt nghiệp và từ đó lan rộng ở nhiều trường phổ thông trong nhiều thập kỷ.

Tôn trọng giáo viên là xương sống trong hệ thống trường học Nhật Bản. Vì tôn trọng, học sinh nghe lời giáo viên, phấn đấu học tập. Về phía giáo viên được tôn trọng, họ sẽ cảm thấy vinh dự, tự hào, thúc đẩy tự bồi dưỡng và nâng cao chuyên môn đào tạo.

Đó cũng là lý do góp phần vào thành công của chất lượng giáo dục Nhật Bản dù trong nhiều thập kỷ, nước này chi tiêu cho giáo dục thấp nhất trong số các nước phát triển, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Giáo viên là nghề được tôn trọng tại Nhật Bản.

Giáo viên là nghề được tôn trọng tại Nhật Bản.

Những lời chúc tốt đẹp

Còn tại các quốc gia châu Á khác, học sinh có nhiều cách độc đáo thể hiện sự tôn trọng giáo viên. Trước khi bắt đầu tiết học, học sinh Indonesia thường hôn vào mu bàn tay giáo viên. Ý nghĩa của hành động này là học sinh yêu quý thầy cô như cha mẹ thứ hai của mình.

Thái Lan có lễ “Wai Kru”, tổ chức vào thứ Năm bất kỳ trong tháng 6 hoặc tháng 7. Người Thái quan niệm thứ Năm là ngày của thần trí tuệ Brihaspati nên trong ngày này, học sinh sẽ bày tỏ lòng biết ơn với giáo viên.

Thực hành văn hóa này bắt nguồn từ niềm tin rằng giáo viên giữ vị trí đặc biệt trong xã hội, như cha mẹ trong gia đình. Lễ “Wai Kru” vừa là cơ hội để học sinh bày tỏ lòng biết ơn giáo viên, vừa là phương pháp giáo dục học sinh về truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Trong lễ “Wai Kru”, học sinh sẽ cầm hoa, quỳ gối trước thầy cô và đọc những lời chúc tốt đẹp dành cho giáo viên. Sau khi cầu nguyện, các em sẽ dâng tặng những bó hoa được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt cho giáo viên.

Ngoài châu Á, các chuyên gia đã từng thực hiện nhiều nghiên cứu cho thấy châu Phi có mức độ tôn trọng giáo viên cao hơn Mỹ và châu Âu. Đơn cử ở Nam Phi, người dân dành sự kính trọng, yêu quý đối với giáo viên vì họ nhận thức rằng giáo dục mang lại cho con cái tương lai tốt đẹp hơn, nhất là giáo viên tình nguyện đến từ các tổ chức phi chính phủ.

Họ sẽ mời giáo viên đến nhà ăn tối, trò chuyện hoặc tham gia các buổi tiệc tùng, lễ hội. Họ luôn nhắc nhở con cái phải nghe lời, ngoan ngoãn và tôn trọng giáo viên. Khi đến trường, học sinh cố gắng chăm chú nghe giảng, làm bài tập, hạn chế bỏ học là những cách các em bày tỏ niềm biết ơn đối với người thầy của mình.

Giáo viên giúp học sinh nhận thức đúng tầm quan trọng của học tập.

Giáo viên giúp học sinh nhận thức đúng tầm quan trọng của học tập.

Tuy nhiên, cần lưu ý mức độ tôn trọng giáo viên tại châu Phi là không đồng đều, phụ thuộc vào trình độ học vấn, điều kiện của khu vực. Có những nơi tại châu Phi, giáo viên rất được tôn trọng nhưng cũng có những nơi, học sinh không nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, nên còn thiếu tôn trọng giáo viên.

Do đó, khi giáo viên tình nguyện từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hoặc Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) đến châu Phi, họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập với mong muốn học sinh nhận thức đúng về giáo dục.

Bên cạnh hỗ trợ giáo viên nông thôn, lực lượng chiếm số đông trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, nước này còn tăng cường quan tâm, chăm lo cho giáo viên. Về mặt chuyên môn, giáo viên được bồi dưỡng hàng năm; nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ; thử nghiệm giải pháp giảng dạy sáng tạo... Ngoài ra, giáo viên được tăng lương nếu cống hiến cho ngành Giáo dục, được chia sẻ gánh nặng công tác hành chính, hỗ trợ thường xuyên và liên tục...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty quà tặng doanh nghiệp grand cru