Tết cha, Tết mẹ, Tết thầy

GD&TĐ - Trên đường đời tôi có mối tình bất tận dành cho những người thân yêu, cho Hà Nội và những người thầy đáng kính của tôi.

Tết cha, Tết mẹ, Tết thầy

Những ngày giáp Tết, trời Hà Nội thay đổi nhiều, bầu trời xanh trong đã cùng đàn chim sâm cầm hồ Tây di cư xuống phương Nam tránh cái rét ngọt. Tôi đang lúi húi lau chiếc xe đạp Sterling ở ngoài sân thì Cường, ăn mặc chỉn chu với chiếc áo sơ-mi trắng, áo len cộc tay, chiếc quần soóc có quai đeo và chiếc mũ nồi đen đi từ nhà ngoài vào.

- Anh Hoài lau xe ăn Tết à.

Tôi chưa kịp nói gì thì Nga đi từ nhà trong ra, nói chen vào:

- Anh Hoài thì thiết gì Tết; lau xe đi đón chị Nga đấy.

- Nga nghiếc gì.

Nga là con bác Trữ, viên chức cùng Sở với bố tôi và cùng là nhiếp ảnh tài tử. Hai nhà thân nhau lắm, cùng đặt tên con gái là Nga, vì thế chúng tôi chơi thân với nhau từ nhỏ, nhưng có “ý tứ” với nhau mới từ đầu năm nay khi tôi vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Còn Nga, lớp Mười, năm cuối của hệ phổ thông mười năm. Mối tình chớm nở không bị “ba chìm bảy nổi” (Hồ Xuân Hương) vì hai nhà cũng muốn vun xới cho chúng tôi.

Tôi nói tiếp:

- Hôm nay đi tháp tùng cậu chụp ảnh hoa đào.

Cả hai cùng reo lên:

- Chúng em cũng đi mà.

Những ngày giáp Tết, trời Hà Nội thay đổi nhiều, bầu trời xanh trong đã cùng đàn chim sâm cầm hồ Tây di cư xuống phương Nam tránh cái rét ngọt. Những cơn gió se lạnh mùa thu đã lùi xa, thay vào đó là mưa dầm gió bấc làm cho cái rét đã “ngọt” lại ngọt thêm, giúp cho hương vị Tết thêm tròn trịa.

Mẹ tôi, Nga, Cường và Thoa ra cửa đứng đợi xe xích-lô đến. Tôi, “tiểu đồng” chụp ảnh của bố đạp xe đạp lẽo đẽo đi theo bố. Trên đường đến phố Hàng Lược, người đi sắm Tết bắt đầu đông, nhưng phố phường vẫn rất thoáng và sạch sẽ.

Năm nào cũng vậy, khi Tết đã đến ngưỡng cửa thì cuộc sắm Tết đầu tiên của nhà tôi là đi chụp cảnh hoa đào phố Hàng Lược và mua về một cành đào vừa ý. Chiếc lọ lộc bình nhỏ đã nằm sẵn trên đầu tủ buýp-phê, bên cạnh là một đĩa hương trầm, mà mùi hương của nó mang theo sự đầm ấm và linh thiêng.

Cùng mẹ đi mua đào Tết trên phố Hàng Lược, Hà Nội (1952). Ảnh: Nguyễn Văn Nhàn.

Cùng mẹ đi mua đào Tết trên phố Hàng Lược, Hà Nội (1952). Ảnh: Nguyễn Văn Nhàn.

Mẹ tôi năm nào cũng một bộ cánh truyền thống: Chiếc áo dài màu tím than, trời không lạnh lắm thì áo gấm, trời lạnh nhiều thì áo nhung, cổ đeo chuỗi ngọc trai trắng có mặt đá xanh, chiếc quần lanh trắng. Mẹ tôi là một phụ nữ rất đẹp của Hà thành, bộ trang phục trông khiêm tốn nhưng vừa tôn vẻ đẹp lại vừa tôn nét sang trọng.

Mẹ tôi rẽ vào vài hàng, chọn đào một cách tự nhiên, bọn trẻ cũng “hoạt động” theo kiểu riêng của chúng. Chiếc máy ảnh Rolex “cách” một cái lúc nào không ai biết và lập tức một chiếc ảnh đời thường với tất cả những nét thân thương thường thấy hiện lên.

Bố tôi rất giỏi bắt được cái thần của người và cảnh. Trên đường về trên xích-lô có thêm một cành đào nhỏ tán tròn, các nhánh phân bố đều, có dăm nhỏ, nụ mập mạp rải đều từ đầu đến cuối và gốc thẳng.

Vài hôm sau, tôi lên Hàng Ngang rủ Nga đi chơi Tết. Đi gần đến bến tàu điện An-pô cửa Nam, tôi thấy tàu đã chạy được một quãng đến gần đầu phố Hàng Bông. Tôi đuổi theo. Bọn trẻ Hà Nội như tôi không mấy khi nhảy lên toa hai, toa ba mà phải chạy bằng được lên toa đầu, bám vào tay cầm, đu một chân lên rồi sau đó là chân thứ hai nằm trên bậc lên xuống một cách ngon lành.

Cái giây phút đu người lên khỏi mặt đất, chưa đặt chân nào vào bậc lên xuống đã cho tôi cảm giác buồn buồn trong bụng của trạng thái “chân không đến đất, cật không đến giời”, cái cảm giác còn trong lòng “dân nhảy tàu Hà Nội” mãi mãi sau này. Lúc mới bám vào tay cầm của tàu, tôi nghe thấy tiếng một người phụ nữ từ trong toa nói vọng ra:

- Bác lái ơi, đỗ lại cho thằng bé lên.

Bác lái tàu cười to:

- Bà đừng lo. Chúng nó còn giỏi hơn xiếc ấy.

Bác lái vừa nói hết câu, tôi đã thò đầu vào trong và từ từ bước lên. Cả toa tàu cười ầm lên. Vụt một cái, chú bán vé tàu đã đứng trước mặt tôi, xé một chiếc vé xanh to bằng hai đầu ngón tay với giá một hào đi Bờ Hồ. Đến đầu phố Hàng Gai, bác lái tàu đạp chuông leng-keng vài lần rồi giảm tốc độ, xuống dốc đến bến Bờ Hồ.

Phố phường đón xuân. Ảnh tư liệu

Phố phường đón xuân. Ảnh tư liệu

Tôi nhanh chân nhảy ra khỏi tàu, chạm chân xuống đất chạy theo đà pạch-pạch dăm bước là đi vững vàng trên mặt đất, sang đường và đi thẳng đến Hàng Ngang. Nga và tôi nhảy lên tàu đi qua cửa nhà, xuống Bờ Hồ, nơi ấp ủ cái hồn cốt riêng của Tết Nguyên đán. Theo thói quen, Nga và tôi đi đến bãi cỏ xanh mượt, nằm dưới những lùm cây to bên cạnh đường đi vào cầu Thê Húc, ngồi chơi. Tôi nói với Nga:

- Nga ơi, đầu tuần sau có cuộc đấu boxing ở rạp Chuông Vàng, Hàng Bạc đấy. Có võ sĩ Hồng Phương, biệt danh là Be đấu đấy.

- Sợ chết lên được. Đấm đá sưng mày sưng mặt. Chịu. Mà sao cậu lại rủ con gái đi xem đấm nhau.

Tôi vội xin lỗi Nga vì thấy mình cũng thô lỗ thật, và chuyển sang chủ đề sát sườn hơn:

- Nga ơi, bao giờ cậu gọi mình bằng anh, xưng em?

Nga quay ngoắt sang nhìn tôi:

- Ngạc nhiên thế!

- Thật mà. Trường mình có quy định ba khoan, sinh viên chưa có người yêu - khoan yêu, đã có người yêu - khoan cưới và cưới rồi - khoan đẻ. Ra Tết mình phải báo cáo là đã có người yêu rồi, nếu không sẽ bị kỷ luật.

Nga nhìn tôi trêu chọc:

- Cậu phải hỏi mình trước chứ lị!

Tôi chưa biết trả lời ra sao, chỉ ngẩn người ra thì Nga mỉm cười trêu tiếp:

- Ừ cũng được, nhưng có điều kiện.

- Ừ?

- Cậu có dám hôn mình ở đây không?

Tôi đang ngơ ngác, ngạc nhiên thì “nàng” đã nhoẻn miệng cười hơi ngẩng đầu lên nhìn tôi thách thức:

- Đố đấy!

Tôi nhích lại gần Nga một chút, hơi cúi xuống, nghiêng đầu. Nga vội vàng che miệng, nói:

- Dám thật à!

Tôi bật cười:

- Thua rồi nhé.

Thực ra, có các vàng tôi cũng không dám vì đang ở giữa đường. Nền giáo dục gia đình và nhà trường không cho phép chúng tôi làm những việc vô cùng thiếu lịch lãm như thế. Ngồi im một lúc Nga bảo tôi:

- Anh Hoài …

Thấy tôi mỉm cười, Nga nhìn quanh không thấy ai, đấm tôi một cái rồi nói tiếp:

- … bố em bảo đầu tuần sau ở đây có tổ chức Triển lãm ảnh hoa đào ngày Tết đấy. Ông có một bức ảnh chụp hoa đào rừng được chọn cho cuộc này. Anh không thấy bố anh nói gì à? Chắc thế nào bác cũng có ảnh được chọn.

- Chưa thấy, Nga ạ.

Nga và tôi rủ nhau đi ăn chè ở mậu dịch Tràng Tiền. Hai bát chè đậu đen còn hơi ấm đặt lên bàn với hai chiếc thìa có lỗ ở giữa. Vừa nhấc thìa chè lên chưa kịp cho vào mồm, nước chè đen đã chảy tong tong xuống bát. Nga nhìn thấy cười rũ ra. Chắc mậu dịch báo hiệu cho chúng tôi là ăn cái trước rồi nhấc bát lên húp nước sau. Nga tò mò đi ra hỏi cô phục vụ:

- Cô ơi, sao thìa có lỗ ạ?

Cô nghiêm mặt lại:

- Để tránh bọn ăn cắp thìa.

Giao thừa. Theo thói quen của gia đình, mẹ tôi làm một mâm cơm cúng trời đất trên gác thượng, có một con gà trống hoa, mào đỏ, luộc nguyên con, mỏ ngậm bông hoa hồng và kế đó là mâm ngũ quả. Đúng lúc chuông Nhà Thờ Lớn điểm mười hai tiếng, bọn trẻ chúng tôi thích thú với một tràng pháo nổ, một loạt pháo tép nổ tành tạch thỉnh thoảng lại ken một quả pháo đùng “đoàng” một cái.

Người già, trẻ nhỏ nô nức đón Tết. Ảnh tư liệu

Người già, trẻ nhỏ nô nức đón Tết. Ảnh tư liệu

Nga và Thoa bịt tai, tôi và Cường đứng chăm chăm nhìn, chờ khi pháo nổ xong là lao đến nhặt những quả pháo tép xịt để bóc ra lấy thuốc pháo bên trong, gom lại và dí một que diêm vào cho nó phụt lóe lên. Trông thật là huyền diệu!

Bố mẹ tôi lững thững ra chùa Quán Sứ thắp hương, rồi về tự xông nhà. Ở nhà, chúng tôi đã sẵn sàng chờ hạ lễ mâm ngũ quả tống cựu, nghênh tân.

Mùng một Tết. Các cụ thường nói: “Mùng một Tết cha, Mùng hai Tết mẹ, Mùng ba Tết thầy”. Sáng mồng một mỗi đứa chúng tôi được bố tặng cho một chiếc phong bì mừng tuổi đỏ chót trong đó có hai hào. Hồi nhỏ, năm nào Nga cũng đến nhà tôi đốt pháo.

Nga đặt quả pháo xuống đất, ngồi lùi ra xa, tay cầm que hương, vươn ra châm vào ngòi pháo, nhưng vì ngồi xa nên que hương rung rung không châm trúng ngòi. Tôi nhè đúng lúc ấy kêu to “Đoàng!” làm Nga giật bắn người, bọn trẻ cười ầm lên, Nga dỗi.

Theo truyền thống “Mùng ba Tết thầy”, chúng tôi hiểu đó là tấm lòng “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, dành cho người thầy, người đã vun đắp phần hồn, chăm chút sự khôn ngoan và tinh thông cho chúng tôi. Tôi lên rủ Nga cùng đi, tuy rằng chúng tôi có những người thầy khác nhau.

Đến cửa nhà Nga tôi nghe tiếng đàn vọng ra. Chúng tôi được gia đình cho học đàn từ nhỏ để xây dựng một tâm hồn phong phú, và Nga học piano. Tôi đứng im không gõ cửa ngay mà chờ nghe hết bài Fur Elise của Ludwig van Beetheven, bài nhạc tình Beetheven viết tặng nàng Elise, người bạn và học trò của ông, nhưng cũng là người con gái ông đắm say.

Tôi gõ cửa. Nga ở nhà một mình, chờ tôi theo lời hẹn. Tôi nhẹ nhàng ôm Nga và hôn lên đôi môi mềm mại tưởng như không bao giờ dứt. Tôi nói, nhắc lại lời thách của Nga hôm ngồi ở Bờ Hồ:

- Bây giờ thì anh dám rồi nhé.

Nga trả lời tôi bằng cái đấm nhẹ vào vai. Trên đường đi đến nhà thầy Vân Phong, thầy dạy Văn của tôi, tôi mỉm cười nhìn Nga:

- Không biết cha mẹ của thầy có chủ ý gì không khi đặt tên thầy là Vân Phong (mây và gió). Lớn lên đúng là Vân Phong đã trở thành một thầy dạy Văn rất thu hút học trò.

Nga mỉm cười:

- Anh có thiên vị thầy của mình không đấy! Cô giáo dạy Văn của em cũng rất duyên dáng khi giảng Văn.

- Anh không so sánh. Anh trân trọng tất cả những người thầy dành tâm hồn mình cho bài giảng, cho học trò. Em biết không, thầy của anh khi giảng thường đi lại trong lớp làm cho giọng của mình vang đều trên lớp học, đôi khi mới đứng lại trước mặt học trò.

Những lúc ấy thầy luôn luôn nhìn thẳng xuống lớp, nhưng anh cảm thấy thầy chẳng nhìn ai mà nhìn khoảng không, đi tìm tác giả để truyền lại cái đẹp tâm hồn của tác phẩm cho bọn anh.

Trên đường đời tôi có mối tình bất tận dành cho những người thân yêu, cho Hà Nội và những người thầy đáng kính của tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảm giác hưng phấn là một chức năng tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: ITN)

8 lý do khiến bạn muốn 'yêu'

GD&TĐ - Hầu hết chúng ta bắt đầu cảm thấy hưng phấn khi bước vào tuổi dậy thì và đương nhiên, việc có cảm xúc tình dục là điều hoàn toàn bình thường.