Tết Thầy thời Covid

GD&TĐ - Dịch Covid-19 khiến việc gặp mặt thầy cô và học trò vào ngày mùng 3 Tết trở nên khó khăn. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên vẫn tìm cách hướng về thầy cô, về việc học tập trong ngày Tết Thầy.

Người dân Hà Nội đi mua sách trong ngày mùng 3 Tết Thầy.
Người dân Hà Nội đi mua sách trong ngày mùng 3 Tết Thầy.

Chúc Tết thời Covid-19

Nhắc đến ngày mùng 3 Tết Thầy, em Nguyễn Tiến Dương, sinh viên năm ba Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chia sẻ: Dù đã lên đại học, em vẫn nhớ về cô giáo chủ nhiệm năm cấp 3 bởi cô luôn quan tâm, động viên em học tập. Mỗi dịp lễ Tết, từ khi học cấp 3 đến năm nhất đại học, em thường cùng bạn bè trong lớp đến thăm hỏi, chúc Tết cô và gia đình. Tuy nhiên, 2 năm nay do dịch Covid-19, em chỉ có thể gọi điện cho cô vào ngày mùng 3.

Giống như Dương, em Phan Minh Khuê, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội, cho biết: Theo dự kiến, ngày mùng 3, em và các bạn trong lớp sẽ đến chúc Tết cô giáo chủ nhiệm và một số thầy cô bộ môn. Nhưng do dịch, chúng em đã cử bạn lớp trưởng đại diện cho lớp nhắn tin chúc Tết các thầy cô.

“Không thể đến nhà thầy cô, em thấy buồn. Nhưng nghĩ lại, sau Tết, chúng em có thể trở lại trường nên em cảm thấy phấn chấn hơn. Năm mới em mong dịch Covid-19 sớm qua đi để cuộc sống trở lại như trước kia”, em Khuê bày tỏ.

Mua sách và xin chữ đã trở thành thói quen đầu năm của Ngọc Minh.
Mua sách và xin chữ đã trở thành thói quen đầu năm của Ngọc Minh.

Trong khi đó, em Nguyễn Ngọc Minh, học sinh lớp 11, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, dành buổi sáng ngày mùng 3 để đi Phố Sách 19-12 nằm trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nữ sinh đeo hai lớp khẩu trang, mang theo nước rửa tay khô và khai báo y tế từ cổng vào.

“Từ mùng 1 Tết, em đã nhắn tin chúc mừng năm mới thầy cô giáo cũ và thầy cô đang dạy em. Ngày mùng 3 theo thói quen, em đi mua sách và xin chữ để cầu mong năm mới học hành thuận lợi, suôn sẻ. Em rất háo hức vì ra Tết được đến trường và gặp mặt trực tiếp thầy cô, bạn bè”, nữ sinh chia sẻ.

Theo Minh, có nhiều cách thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo trong ngày mùng 3 Tết. Ngoài việc gặp mặt trực tiếp, các bạn học sinh, sinh viên có thể gọi điện, nhắn tin, gửi lời chúc thầy cô thông qua các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo…

Duy trì truyền thống "tôn sư trọng đạo"

TS Nguyễn Tường Huy – Trưởng bộ môn Địa lý Kinh tế - Xã hội, khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: Ngày mùng 3 Tết Thầy gắn liền với quan niệm lâu đời của người Việt Nam trong ba ngày Tết gồm Mùng 1 Tết Cha, Mùng 2 Tết Mẹ, Mùng 3 Tết Thầy. Đây là dịp để mỗi người thể hiện truyền thống hiếu đạo, tôn sư trọng đạo.

Trong câu “mùng 3 Tết Thầy”, chữ “thầy” nên được hiểu theo nghĩa rộng. “Thầy” không chỉ là thầy cô trong nhà trường mà còn là người truyền cảm hứng, người đã giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống để chúng ta ngày một trưởng thành. “Không thầy đố mày làm nên” nên mỗi người cần giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn; từ đó, trở thành tấm gương để các thế hệ noi theo.

“Chúc Tết thầy cô giáo mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, đáng trân quý. Đó là dịp thầy trò cùng nhau chia sẻ về những điều đã làm được hay chưa làm được trong một năm vừa qua, về dự định trong tương lai”, TS Huy cho hay.

TS Nguyễn Tường Huy (ngoài cùng bên trái) và Giáo sư hướng dẫn đi nghiên cứu sinh kế nghề cá tại đầm Nha Phu, Khánh Hoà, năm 2009. Ảnh: NVCC.
TS Nguyễn Tường Huy (ngoài cùng bên trái) và Giáo sư hướng dẫn đi nghiên cứu sinh kế nghề cá tại đầm Nha Phu, Khánh Hoà, năm 2009. Ảnh: NVCC.

TS Nguyễn Tường Huy bộc bạch: "Khi chưa có dịch, mỗi dịp lễ Tết, tôi thường gửi quà biếu thầy cô ở xa, đến tận nơi thăm hỏi thầy cô ở gần. Đến ngày mùng 3, tôi gọi điện chúc Tết thầy cô. Việc thăm hỏi thầy cô trong dịp lễ Tết là nét đẹp truyền thống nhưng do dịch, hình thức thăm hỏi phải thay đổi linh hoạt. Dù vậy, tôi vẫn gửi quà, gọi điện chúc mừng thầy cô giáo cũ. Với một số thầy cô ở gần, tôi đến thăm nhưng chủ động phòng chống dịch.

Ngược lại, nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, dù ở xa, vẫn thường thăm hỏi, chúc mừng tôi trong dịp Tết Nguyên đán. Sự quan tâm, tình cảm của các em khiến tôi rất xúc động.

Hiện nay, mạng lưới chuyển phát, viễn thông rất phát triển. Do đó, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà dù gặp khoảng cách địa lý, học sinh, sinh viên có nhiều cách thức, hình thức thể hiện lòng biết ơn thầy cô và truyền thống tôn sư trọng đạo như gửi quà tặng, gọi điện, nhắn tin..."

TS Nguyễn Tường Huy nhấn mạnh, với người thầy, chỉ cần học trò nhớ đến mình, dù là cuộc gọi hay tin nhắn chúc mừng năm mới, cũng khiến thầy cô cảm thấy vui, hạnh phúc. Dù trong khó khăn nào, khi học trò nghĩ đến thầy cô, các em sẽ tìm được phương thức truyền tải cái tâm, sự chân thành của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.