Mùng 3 Tết thầy

GD&TĐ - Bên cạnh GD học sinh về truyền thống văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc, các giáo viên còn hướng dẫn học sinh bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Đó cũng là thông điệp được thầy cô nhắn gửi tới học trò về truyền thống tôn sư trọng đạo - “mùng 3 Tết thầy”.

Giản dị, thân thương

Ngoài Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Đỗ Ngọc Hân, giáo viên Trường Mẫu giáo Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) tự hào vì nghề dạy học có thêm ngày “mùng 3 Tết thầy”.

“Ngày Tết, tôi nhận được khá nhiều lời chúc mừng của học trò cũ. Họ từng là trẻ mầm non do tôi chăm sóc, giáo dục nay đã trưởng thành. Đó là niềm vui, hạnh phúc và tự hào mà không phải nghề nào cũng có được. Nhưng trên hết là sự trân quý, nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, tôn sư trọng đạo…”, cô Hân bộc bạch, đồng thời cho biết thêm, đến nay với trẻ mầm non vẫn hướng dẫn các bé biết nói lời yêu thương với gia đình, chúc mừng cô giáo trong ngày Tết và thể hiện tình yêu với quê hương.

Học sinh Trường Tiểu học Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang) được thầy, cô “đi Tết”. Ảnh: NVCC

Học sinh Trường Tiểu học Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang) được thầy, cô “đi Tết”. Ảnh: NVCC

25 năm gắn bó với nghề dạy học, Tết năm nào cô Lưu Thị Thanh Nga, giáo viên Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) cũng nhận được những lời chúc mừng của nhiều thế hệ học trò. Đó có thể là những dòng tin nhắn chân phương, những cuộc điện thoại tâm tình và cả những món quà quê do tự tay học trò làm mang tặng. “Tết thầy giản dị, thân thương và rất đỗi chân thành nhưng đủ để dệt thành những điều thiêng liêng trân quý giữa tình cảm thầy trò…”, cô Nga trải lòng và cảm thấy vui, hạnh phúc khi nhiều thế hệ học trò của mình vẫn giữ được nét đẹp văn hóa “mùng 3 Tết thầy”.

Nhắc đến ngày “mùng 3 Tết thầy”, cô giáo Châu Thanh Tuyền, Trường Tiểu học An Phú (Tịnh Biên, An Giang) nhớ lại: “Có năm, gia đình học trò cũ đến nhà tôi chúc Tết và nhận ra không chỉ bố, mẹ học sinh tôi đã dạy, mà còn các con của trò cũng là học trò hiện tại của tôi. Cô trò uống với nhau chén trà, ăn vài miếng bánh, không khí ấm cúng, thân tình, đan xen rộn rã tiếng cười của các thế hệ thầy trò. Trong những câu chuyện, chúng tôi không quên nhắc đến phong tục “mùng 3 Tết thầy” để gợi nhớ nét đẹp văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam”.

Sinh hoạt dưới cờ của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) giúp học sinh trải nghiệm đáng nhớ về văn hóa Tết cổ truyền. Ảnh: NTCC

Sinh hoạt dưới cờ của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) giúp học sinh trải nghiệm đáng nhớ về văn hóa Tết cổ truyền. Ảnh: NTCC

“Đi Tết” học trò

Cô giáo Châu Thanh Tuyền cho biết, “mùng 3 Tết thầy” cũng là một trong những chủ đề trọng tâm mà cô giáo dục học sinh trong dịp Tết Nguyên đán. Thông qua các giờ học giáo dục địa phương, sinh hoạt lớp… cô giải thích cho học sinh về nét đẹp văn hóa “Tết thầy” trong ngày Tết. Để học sinh dễ hình dung, cô liên hệ những câu chuyện thực tiễn của chính mình, từ đó các em sẽ hiểu vì sao lại có “mùng 3 Tết thầy”, để biết ơn, tri ân những thầy, cô giáo đã dạy dỗ mình.

Cô La Thị Mây, giáo viên Trường Tiểu học Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang) lại có cách giáo dục riêng cho học trò. Cô giải thích cho học sinh hiểu về lễ nghĩa, tôn sư trọng đạo; khuyến khích học trò đi Tết thầy cô đã dạy mình hoặc có thể gửi những tấm thiếp chúc mừng năm mới tự tay làm để tặng thầy, cô dịp Tết Nguyên đán.

“Ở vùng núi không có thầy đồ viết chữ đầu năm nên có thể khuyến khích học sinh chọn thời điểm thích hợp trong ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết viết một bài văn cảm nhận về không khí Tết cổ truyền trên quê hương. Đó cũng là cách khai bút đầu xuân, để sang năm mới học tập tốt hơn…”, cô Mây chia sẻ phương pháp giáo dục học trò về Tết, đồng thời cho biết, trước và sau Tết Nguyên đán thường lồng ghép các hoạt động giáo dục về văn hóa của dân tộc.

Cô Lưu Thị Thanh Nga trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cô Lưu Thị Thanh Nga trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cô Mây cho biết để giáo dục học sinh hiểu về văn hóa truyền thống “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” và khai bút đầu xuân, cô hay tổ chức hoạt động giáo dục ngoại khóa cho các em. Hoạt động mang chủ đề “Ngày Tết quê em”. Thông qua đó, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh hiểu về phong tục ngày Tết ngay tại quê hương mình.

Cũng theo cô Mây, để học sinh vui xuân mới nhưng không quên nhiệm vụ học tập, cô hay áp dụng giải pháp “đi Tết” học trò. Quà đơn giản là đôi tất, găng tay hay chiếc khăn quàng đỏ… nhưng cũng đủ làm ấm lòng học trò ngày Tết và trên hết là tình cảm cô trò gắn bó, học sinh thêm yêu trường lớp thích đi học đến trường khi hết Tết, tỉ lệ chuyên cần được duy trì.

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, cô La Thị Mây vẫn nhớ như in những khó khăn, vất vả thời điểm mới về trường nhận nhiệm vụ: “Ngày ấy, đường sá đi lại khó khăn; trình độ dân trí còn thấp, trường học thiếu thốn đủ bề. Không thể “cân đong, đo đếm” những khó khăn, vất vả mà giáo viên vùng cao đã trải qua…”.

Học trò của cô Mây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc. So với tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng hầu hết các em đều chưa đạt. Nhìn các em bé nhỏ, đen nhẻm hàng ngày phải băng rừng, lội suối đến trường khiến cô không khỏi động lòng.

“Với học sinh dân tộc, ngoài việc dạy chữ, chúng tôi còn dạy người. Dạy các em từ lời ăn tiếng nói, cho đến kỹ năng sống… Thế nhưng muốn làm tốt việc này, các thầy, cô giáo phải thường xuyên tăng cường tiếng Việt cho học sinh, từ đó giúp các em tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn. Cùng đó, giáo viên cũng phải học tiếng dân tộc để giao tiếp, tương tác với phụ huynh học sinh trong quá trình dạy học, kết hợp để nâng cao chất lượng giáo dục…” – cô Mây chia sẻ.

Cô Châu Thanh Tuyền và các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Cô Châu Thanh Tuyền và các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Giáo dục truyền thống từ Tết

Trước và sau kỳ nghỉ Tết, cô Châu Thanh Tuyền, giáo viên Trường Tiểu học An Phú (Tịnh Biên, An Giang) thường tổ chức cho học sinh trưng bày tranh ảnh không khí đón Tết ở địa phương. Cùng đó khuyến khích học trò chia sẻ các hoạt động trong nhà khi đón Tết. Cô cũng tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi “hái hoa dân chủ” theo chủ đề ngày Tết.

Cô lồng ghép khéo léo những câu hỏi xung quanh chủ đề Tết. Ví như: Mùa gì cho lá xanh cây/Cho bé thêm tuổi mới má hây hây hồng?; Hoa gì tượng trưng cho mùa xuân ở miền Nam?; Tên của ba vị thần tượng trưng cho sự giàu sang, hạnh phúc, sức khỏe?; Đồng thời thông qua hoạt động học mà chơi để vừa giáo dục học sinh về truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước; vừa rèn kỹ năng mềm và phát triển tư duy, hùng biện cho học sinh.

Trước khi nghỉ Tết, cô Lưu Thị Thanh Nga cùng đồng nghiệp trong trường trực tiếp hướng dẫn học sinh gói và luộc bánh chưng. Trong phạm vi lớp học, cô cho học sinh xem các video về lớp học xưa. Ở đó có những câu chuyện về tình thầy trò giản dị, thiêng liêng, cao quý. Cô cũng hướng dẫn học sinh khai bút đầu xuân và khuyến khích các em viết ngay sau thời khắc Giao thừa. Nội dung là lời chúc tới người thân yêu của mình và những mong ước trong năm mới. Sau Tết, tiếp tục tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế ý nghĩa như thăm quê Bác; xem ông đồ viết chữ và xin chữ đầu năm. “Tất cả các nội dung, hoạt động giáo dục liên quan đến Tết đều hướng tới giúp học sinh biết trân quý những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước…”, cô Nga chia sẻ.

Đồng quan điểm và nhấn mạnh những giá trị văn hóa truyền thống ngày Tết Nguyên đán, cô Mai Thị Lệ Huyền, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đã lồng ghép vào các hoạt động giáo dục thiết thực như: Tổ chức trò chơi dân gian, tìm hiểu và mặc trang phục truyền thống. Đoàn thanh niên của trường cũng triển khai các chương trình ý nghĩa nhằm hướng học sinh đến nhiều việc làm thiết thực. Qua đó, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Cô Huyền cũng cho biết năm nay, Đoàn Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tổ chức “Chiến dịch Xuân tình nguyện NBK 2023” thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ em mồ côi, gói 100 bánh chưng, bánh tét tặng người già neo đơn… Từ những hoạt động này, học sinh được trải nghiệm một số phong tục, tập quán đón Tết của nhiều địa phương khác nhau. Và trên hết xây dựng tinh thần đoàn kết, biết yêu thương, chia sẻ, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi học trò.

Bằng những câu chuyện mang đậm dấu ấn Tiên Rồng như: “Sự tích bánh chưng, bánh giầy”, đến những giai thoại li kì qua “Sự tích cây nêu ngày Tết”, “Sự tích hoa Mai” và cả những giai điệu vui tươi qua các bài hát về ngày Tết, cô Đỗ Ngọc Hân, Trường Mẫu giáo Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) cũng giúp học trò nhí trải qua từng cung bậc cảm xúc khác nhau của ngày Tết cổ truyền.

Không máy móc, cứng nhắc… cô Hân linh hoạt cùng trẻ nhắc về truyền thống văn hóa của dân tộc một cách “mầm non”, phù hợp đúng lứa tuổi, nhận thức. Đặc biệt để giúp trẻ biết tự hào với truyền thống con cháu Lạc Hồng, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cô Hân còn nhấn mạnh và giáo dục trẻ biết trân quý bữa cơm tất niên bên gia đình, biết nói lời chúc mừng năm mới bình an, hạnh phúc đến người thân… dù các em đang ở lứa tuổi nhỏ.

Theo GS.TS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Tết đến xuân về là dịp để các thế hệ học trò tri ân thầy, cô giáo đã dạy mình. Quà Tết không nặng về vật chất, mà cần coi trọng nghĩa tình. Học trò đi “Tết thầy” bằng tấm lòng biết ơn, trân trọng và mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với thầy, cô của mình. Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi nên thay vì trực tiếp đến nhà chúc Tết, có thể chúc Tết thầy qua điện thoại, Facebook, Zalo... Dù là hình thức nào cũng đáng trân trọng, bởi đó là tình cảm chân thành của học trò đối với thầy giáo của mình trong những ngày Tết đến xuân về...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.