Ngày 27/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.
Hội thảo diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - do Bộ VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Văn phòng T.Ư Đảng và các cơ quan liên quan tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.
Làm rõ 5 vấn đề chủ yếu
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư - nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Hội thảo là hoạt động ý nghĩa để chúng ta tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học, tầm vóc thời đại về sự ra đời của bản Đề cương trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng; góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị này.
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc, bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.
“Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, chúng ta càng thấy sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư yêu cầu tập trung thảo luận, làm sâu sắc 5 vấn đề chủ yếu: Khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển; Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người; Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển...
Văn hóa đồng hành cùng sự phát triển
“Với chủ trương “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” - Đảng ta đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước. Đề cương cũng nêu rõ, xây dựng một nền văn hóa mới “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”... trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hòa bình, thống nhất...”. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng khơi gợi bối cảnh lịch sử 80 năm về trước, Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng (diễn ra từ ngày 25 đến 28/2/1943 tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội) đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Đề cương xác định rõ phạm vi và nội hàm của văn hóa bao gồm ba thành tố cơ bản là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Các hoạt động bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam coi văn hóa như một lĩnh vực không ngừng biến đổi, với sự nối tiếp liên tục từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn hóa hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người. Văn hóa bám rễ vào cội nguồn lịch sử và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 80 năm qua.
Thông qua chiến lược phát triển văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt nhiều kết quả. Hiện, nước ta có 3.602 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 469 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó là đội ngũ văn nghệ sĩ hùng mạnh, phát huy được vai trò quan trọng trong việc tham gia phát triển văn hóa: 131 nghệ nhân nhân dân, 1.619 nghệ nhân ưu tú, 452 nghệ sĩ nhân dân, 2.623 nghệ sĩ ưu tú, 136 tác phẩm, cụm tác phẩm về văn học nghệ thuật được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 669 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng giải thưởng Nhà nước.
Việt Nam cũng giành nhiều giải thưởng quốc tế danh giá: Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á (2019, 2020); Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á (2019, 2020); Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (2020)…
Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam” cũng dành thời gian nghe - nghiên cứu và thảo luận các tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn, cũng như bàn về nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước giai đoạn mới.