Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục

GD&TĐ - Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục, nhưng điều quan trọng là giáo dục cần phải làm thế nào để thực hiện sứ mệnh to lớn này.

Gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc phải phụ thuộc vào sự giáo dục từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Ảnh: CT
Gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc phải phụ thuộc vào sự giáo dục từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Ảnh: CT

Vì sao chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục?

Lý giải vì sao chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục, thầy Nguyễn Đức Hùng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cho rằng: Văn hóa tốt đẹp hay không bắt nguồn từ con người. Con người tốt tạo nên văn hóa tốt đẹp. Không có văn hóa nào trên thế giới được tạo ra từ những con người có nhân cách xấu, kiến thức lạc hậu.

Mà giáo dục lại đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển nhân cách của con người. Trong đó quan trọng nhất là vai trò định hướng và tổ chức dẫn dắt; can thiệp, điều chỉnh các yếu tố khác nhằm tạo thuận lợi cho quá trình hình thành, phát triển nhân cách của cá nhân. Do đó, muốn chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu từ giáo dục.

ThS Lưu Thúy Hiền, giảng viên môn Văn hóa, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: Muốn xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi phải có con người tiên tiến, hiện đại. Làm được điều đó có vai trò to lớn và không thể thiếu từ giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Định, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp thì khẳng định: “Nền văn hóa ngàn đời” và “nền giáo dục ngàn năm văn hiến” như hai bộ phận không thể tách rời trên một cơ thể. Hơn bao giờ hết, giáo dục cần tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử, thực hiện đầy đủ sứ mệnh “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, không chỉ cung cấp đầy đủ, kịp thời, mà còn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đủ sức đảm đương trọng trách giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; tiếp tục phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa cho thế hệ trẻ từ những điều nhỏ nhất. Ảnh minh họa
Xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa cho thế hệ trẻ từ những điều nhỏ nhất. Ảnh minh họa 

Dưới góc nhìn chuyên gia, theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, xét về bản chất, văn hóa là mục đích, nội dung của giáo dục và cũng là mục tiêu hướng tới của giáo dục. Vì vậy, giáo dục là con đường cơ bản nhất để giữ gìn, phát triển, cũng như là động lực để phát triển xã hội ở mỗi nước. Rõ ràng, giáo dục, cụ thể hơn văn hóa học đường là cái gốc của văn hóa ở mỗi quốc gia. Muốn chấn hưng văn hóa quốc gia phải chấn hưng từ gốc, tức bắt đầu từ giáo dục.

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) cũng nhấn mạnh chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục là tất yếu, xuất phát từ nhiệm vụ, chức năng của giáo dục. Giáo dục có nhiệm vụ giúp con người trưởng thành, phát triển nhân cách và chuẩn bị vào cuộc sống. Đối với xã hội, giáo dục có chức năng đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tri thức, giá trị văn hóa từ thế này sang thế hệ khác. Con người trưởng thành, có giáo dục phải là con người có văn hóa. Nền kinh tế có tính cạnh tranh khi đội ngũ lao động được đào tạo tốt và có văn hóa.

Mối liên hệ giữa giáo dục từ gia đình đến nhà trường là sợi dây không thể tách rời. Ảnh minh họa
Mối liên hệ giữa giáo dục từ gia đình đến nhà trường là sợi dây không thể tách rời. Ảnh minh họa

Gia đình, nhà trường, xã hội cùng vào cuộc

Đưa giải pháp để giáo dục thực hiện sứ mệnh chấn hưng văn hóa, ông Đặng Tự Ân lưu ý, trước hết Nhà nước cần sớm chỉnh sửa hệ giá trị văn hóa quốc gia làm định hướng cho phát triển môi trường văn hóa học đường; gắn xây dựng con người trong môi trường văn hóa học đường với nhiệm vụ đổi mới GD-ĐT trong phạm vi cả nước.

Xác định văn hóa mạng là phần không thể tách rời của môi trường văn hóa học đường - đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và dạy học thích ứng với dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Nhà nước cần từng bước xây dựng văn hóa mạng, trước hết là văn hóa mạng trong văn hóa học đường; ngành Giáo dục xác định các giá trị, chuẩn mực, niềm tin mà thầy trò cùng chia sẻ, theo đuổi với không gian mạng, hướng đến văn hóa tích cực, hạn chế sự xuống cấp văn hóa học đường đã được cảnh báo.

TS Nguyễn Văn Cường thì nhấn mạnh văn hóa là phạm trù rộng, giáo dục văn hóa trong nhà trường không nằm ở một môn học cụ thể mà thông qua toàn bộ môn học, hoạt động giáo dục, các dự án liên môn. Mỗi môn học góp phần giáo dục văn hóa cho HS với những nội dung theo đặc thù của môn. Bên cạnh truyền thụ kiến thức khoa học, cần giúp HS có hiểu biết về đặc trưng văn hóa truyền thống dân tộc và địa phương, tự hào về truyền thống văn hóa đất nước cũng như văn hóa địa phương.

Cụ thể trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục nhà trường cần cụ thể hóa kiến thức, giá trị đặc trưng của văn hóa truyền thống địa phương, văn hóa Việt Nam và những giá trị văn hóa toàn cầu. Trên cơ sở đó, thế hệ trẻ có thể tiếp tục giữ gìn, phát triển những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống; có những hiểu biết, phẩm chất và năng lực phù hợp với môi trường lao động quốc tế hóa.

Cùng với yếu tố chương trình, sách giáo khoa, ThS Lưu Thúy Hiền cho rằng: Để thực hiện sứ mệnh chấn hưng văn hóa, giáo dục cần có đội ngũ nhà giáo yêu nghề, giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ; được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới. Đồng thời, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm khoa học giáo dục từ các nước phát triển, chắt lọc thành tựu đã đạt được để vận dụng hiệu quả vào thực tế giáo dục nước nhà.

Từ thực tế giáo dục, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) Trần Văn Hân nhấn mạnh: Vấn đề hiện nay là cần tập trung xây dựng nhân cách con người với những giá trị cốt lõi: Sự tử tế, tính lương thiện, lòng trung thực và tinh thần trách nhiệm. Tạo sự gắn kết, đồng bộ, không để xung đột giá trị giữa ba môi trường văn hóa: Nhà trường, gia đình và xã hội để tránh tác động tiêu cực đến nhân cách con người. Tránh yêu cầu quá cao dẫn đến hệ quả là không đạt được mục đích, xuất hiện “văn hóa thành tích”, “văn hóa lừa dối”...

Đặt vấn đề xuất phát từ hiện thực cuộc sống, với các mục tiêu thiết thực, có thể giải quyết được ngay, hơn là những mục tiêu to tát mà không thể thành hiện thực, thầy Hân lưu ý: Từng nhà trường phải xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục gắn liền với mục tiêu xây dựng văn hóa; với sứ mệnh, tầm nhìn cụ thể thì cán bộ, giáo viên, HS có định hướng rõ ràng và thực hiện hiệu quả.

Giáo dục là phương pháp tốt nhất giúp con người hướng đến những chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa. Vì vậy cần giáo dục nhân cách trẻ ngay từ nhỏ. Giáo dục nhân cách không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể. Mọi hành vi thái độ, lối sống của người lớn có tác động trực tiếp đến hình thành nhân cách trẻ nhỏ. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội. - Thầy Nguyễn Đức Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ