Phát triển du lịch bền vững không chỉ là trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện sự tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa.
Đô thị hóa lấn át di tích
Hiện nay, phát triển du lịch bền vững không dừng lại với ý nghĩa là một thuật ngữ, mà còn là mục tiêu hướng tới của mọi quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển du lịch bền vững nói chung và phát triển du lịch tại các đô thị Việt Nam nói riêng.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VH,TT&DL), hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng bộc lộ bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, như gia tăng sức ép đến môi trường, điểm du lịch bị tắc nghẽn, cảnh quan đô thị bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng hạ tầng du lịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các đô thị mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch trên cả nước.
Vì vậy ngày 2/11, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” nhằm tạo diễn đàn cho các bên liên quan trao đổi, thảo luận các vấn đề về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ở Việt Nam.
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng quá nhanh, nếu như thập kỷ 90 số lượng đô thị đạt 500, thì đến năm 2022 cả nước đã có khoảng 900 đô thị. Trong đó, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương với 2 đô thị đặc biệt.
Giới chuyên gia nhận định, đô thị là nơi có môi trường tự nhiên luôn chịu áp lực lớn bởi sự tập trung dân cư và cũng là nơi phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. Vì vậy, phát triển du lịch đô thị sẽ chịu ảnh hưởng đến môi trường đô thị. Nếu môi trường du lịch không được đảm bảo thì không chỉ chất lượng sản phẩm du lịch đô thị sẽ không duy trì được tính hấp dẫn, mà việc phát triển bền vững cũng không thể thực thi.
Ngoài bề nổi dễ thấy về môi trường và hạ tầng đô thị, tốc độ đô thị hóa cũng đang “o ép” các di sản văn hóa. Có thể nhận thấy hàng loạt các di tích tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn của Việt Nam bị lọt thỏm giữa các nhà cao tầng, thậm chí chịu ảnh hưởng tàn phá của các dự án quy hoạch và phát triển đô thị.
Vụ việc di tích quốc gia đình Đại Mỗ, phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng bị “xén” để xây nhà cao tầng là một ví dụ điển hình. Tốc độ đô thị hóa cũng khiến cảnh quan di tích không chỉ biến dạng mà còn khiến giá trị thẩm mỹ của di tích biến mất, thậm chí lấn át các di tích – như chùa Kim Liên (Hà Nội) từng được ví là bông sen vàng bên hồ Tây, nay bị “bao vây” từ mọi phía và trở thành bông hoa bị “cầm tù” giữa những khối bê tông vuông vức.
Tác phẩm trong triển lãm 'Đô thị qua lăng kính'. |
Bảo tồn văn hóa ở các điểm du lịch
Tuy có nhiều hạn chế khi thực hiện phát triển du lịch đô thị, nhưng thực tế đã chứng minh du lịch đô thị lại là mô hình phổ biến nhất hiện nay. TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch dẫn thống kê của Hiệp hội Du lịch và lữ hành thế giới - hiện gần một nửa số chuyến du lịch quốc tế toàn cầu diễn ra ở các đô thị. Du lịch tại các đô thị đem lại nguồn thu lớn, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho dân cư đô thị.
Theo ông Vinh, thực tế phát triển du lịch tại các đô thị ở Việt Nam như: Sa Pa, Hạ Long, Hội An... cho thấy sự gia tăng lượng khách đến các đô thị, đặc biệt trong mùa du lịch đã đem lại nguồn lực vô cùng lớn đối với kinh tế nhưng cũng gây nên những áp lực không nhỏ đến hạ tầng đô thị.
Tuy vậy, có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng du lịch đô thị ngày càng phát triển. Khách quốc tế đến Việt Nam là sẽ đến các đô thị thăm quan các điểm di tích, công trình lịch sử, bảo tàng… chứ không đến các vùng quê, vì sự bất tiện trong di chuyển cũng như sự sắp xếp lẻ tẻ các điểm di tích. Điều này đặt ra bài toán tích cực để di sản thúc đẩy du lịch đô thị, nhưng cũng cần giải quyết được vấn đề giảm tải áp lực cho đô thị, hướng tới phát triển bền vững.
TS Ju Young Park - Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc giới thiệu dự án thành phố trung tâm du lịch Hàn Quốc. |
Tại hội thảo, TS Ju Young Park - Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc đã giới thiệu dự án thành phố trung tâm du lịch mà Hàn Quốc đang triển khai. Dự án nhằm giải tỏa sự tập trung khách du lịch quá lớn vào thủ đô Seoul, phân bổ khách du lịch thông qua thúc đẩy thành phố trung tâm du lịch. Hàn Quốc lựa chọn 5 địa điểm để phát triển thành phố trung tâm du lịch, trong đó Busan đóng vai trò đô thị du lịch quốc tế, 4 thành phố trung tâm du lịch vùng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam và Hàn Quốc có những khác biệt văn hóa, lịch sử, quy hoạch cũng như chiến lược và mục tiêu phát triển. Việc quy hoạch đô thị không chỉ cần thời gian mà còn kéo theo nguồn kinh phí khổng lồ. Trong khi đó, di sản văn hóa đô thị ở Việt Nam phong phú, là nguồn tài nguyên vô giá để thúc đẩy du lịch.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch không những là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều đô thị mà còn góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự đô thị mới và 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu “Bảo tồn các giá trị văn hóa” là tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương tại các điểm du lịch.
Cùng với hội thảo phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam diễn ra ở Hà Nội, triển lãm “Đô thị qua lăng kính” diễn ra tại TPHCM với gần 100 tác phẩm tái hiện không gian đô thị và bảo tồn kiến trúc phố phường.
Chuỗi sự kiện còn có các tọa đàm, workshop nhằm kết nối cộng đồng thảo luận chuyên sâu về tính bền vững, di sản kiến trúc và đô thị, ký họa với bảo tồn di sản và câu chuyện du lịch. Qua đó, công chúng sẽ có thêm góc nhìn về đô thị qua lăng kính nhân văn, vận động và sáng tạo để thích nghi.