Văn hóa 'hụt hơi' trước tốc độ đô thị hóa của Hà Nội

GD&TĐ - Trước thực trạng văn hóa xuống cấp nên việc xây dựng chiến lược văn hóa người Hà Nội là vấn đề cấp thiết.

Tọa đàm nhằm góp ý trực tiếp vào Dự thảo Chỉ thị của Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tọa đàm nhằm góp ý trực tiếp vào Dự thảo Chỉ thị của Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đô thị hóa không chỉ khiến văn hóa khó bắt kịp tốc độ phát triển, mà còn gây ra những hệ lụy mang tính nền tảng xoay quanh hệ giá trị gia đình và các chuẩn mực.

Đô thị đi lên, văn hóa đi xuống

Đó là lý do Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực trạng và giải pháp” vào ngày 23/10.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, tiêu chí thanh lịch không còn phù hợp với đời sống hiện đại khi những hành vi phản văn hóa, phi chuẩn mực vẫn diễn ra hàng ngày, đi ngược lại với tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” - câu ca dao ấy có lẽ đủ sức phổ quát niềm tự hào của người Hà Nội về truyền thống thanh lịch của vùng đất ngàn năm văn hiến. Trong cuốn sách “Hà Nội - cõi đất, con người” của cố tác giả Nguyễn Vinh Phúc, câu ca dao này cũng được nhắc lại và nhấn mạnh các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong cách ứng xử.

Đọc cuốn sách ấy, người nay dễ nhận ra sự khác biệt của Hà Nội xưa và Hà Nội nay. Sự khác biệt ấy không phải ở tốc độ đô thị hóa, cũng không phải nằm ở quy hoạch thành phố mà ở chính nếp sống và cung cách ăn nói, ứng xử trong đời sống thường ngày.

Ngày ấy, khó có chuyện con cái đánh chửi cha mẹ, càng không có chuyện ra đường vì “cái nhìn vô cớ” mà sứt đầu mẻ trán. Ngược lại, con người thật bao dung, hiền hòa, sống với nhau không chỉ có nhân – nghĩa, mà còn chứa đựng tình yêu thương “khác giống nhưng chung giàn”.

Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng - Giám đốc Chương trình nghệ thuật tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hà Nội có tỉ lệ người nhập cư cao đã khiến nếp sống ngày càng pha tạp, đa tầng.

Tuy nhiên cũng cần biết, Hà Nội là đất quần cư – điều này được xác định từ thời Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long. Vậy trong thời gian hàng ngàn năm ấy, tại sao sự thanh lịch được tạo dựng, được duy trì và phát triển, và chỉ trong vài chục năm trở lại đây sự thanh lịch ấy không chỉ phai nhạt, mà còn phải dành chỗ cho những điều trái ngược?

Chỉ xét một khía cạnh rất nhỏ, đó là trang phục. Đồng ý là trong thời kỳ hội nhập, giới trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc với các xu hướng thời trang mới lạ, tuy nhiên lại không có sức đề kháng, thiếu chọn lọc dẫn tới những lố lăng khó chấp nhận. Trên các tuyến phố, tại các điểm tâm linh không khó để bắt gặp những cô gái ăn vận hở hang, ăn nói bỗ bã, xấc xược.

Trước thực trạng văn hóa xuống cấp nên việc xây dựng chiến lược văn hóa người Hà Nội là vấn đề cấp thiết. Trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Sau đại lễ, nội dung này được cụ thể hóa trong Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội.

Khoảng năm 2016, Đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” được tiến hành với những quy tắc tạo nền tảng cho cách ứng xử. Trong đó, có những quy ước về ăn mặc mà bất cứ ai đang sống, lao động và học tập trên địa bàn Hà Nội đều phải thực hiện như: Không cởi trần, mặc đồ ngủ đến nơi công cộng; không mặc đồ quá ngắn tại khu vực tín ngưỡng, tôn giáo…

Lấy lại “tiếng thơm” cho Hà Nội

Tại Tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực trạng và giải pháp”, các đại biểu nhất trí việc cần thiết phải khẳng định lại những giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Việc bổ sung giá trị mới phải dựa trên nghiên cứu lý luận và thực tiễn cũng như trong kinh nghiệm xây dựng văn hóa gia đình người Hà Nội ở một số địa phương.

Mặc dù đã có quy tắc, quy ước rõ ràng nhưng từ khi đề án đi vào cuộc sống (năm 2018) đến nay, “tiếng thơm” của Hà Nội vẫn chưa thể lấy lại.

Bạo lực, khạc nhổ, xả rác bừa bãi, gây mất trật tự, viết bậy, bôi bẩn… không những không giảm mà ngày càng phổ biến hơn. Có những vụ án không chỉ biểu hiện sự bất chấp luật pháp, mà còn phá vỡ nền tảng quan trọng nhất trong mối quan hệ ứng xử gia đình, dòng tộc, làng xóm.

Dưới các tác động xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực trạng và giải pháp” nhằm giải mã những vấn đề đặt ra để lấy “tiếng thơm” cho Hà Nội.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thừa nhận sự phát triển với tốc độ cao của Hà Nội, đặc biệt tình trạng đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp” gây ra nhiều hệ lụy, trong đó vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập.

Vấn đề đặt ra là những giá trị nào trong hệ gia đình cần gìn giữ và gìn giữ bằng cách nào? Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu cuộc sống hiện đại hay chưa? Có cần xây dựng những phẩm chất nào mới không? Nếu cần thì đó là phẩm chất gì?

PGS.TSKH Lương Đình Hải - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới là một yêu cầu tất yếu. Có rất nhiều vấn đề đặt ra, nếu không có bộ khung, chuẩn mực, hành lang văn hóa với cốt lõi là hệ giá trị thì khó tạo chuyển biến.

Bên cạnh việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cần đặt ra những giá trị mới, phù hợp với thời đại. Từ đó, đề ra những giải pháp khả thi, có hiệu quả cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tọa đàm đã thu hút trên 40 tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, cũng không ít người nghi ngờ rằng, tiêu chí thanh lịch không còn phù hợp với đời sống hiện đại khi những hành vi phản văn hóa, phi chuẩn mực vẫn diễn ra nhan nhản, đi ngược lại với tốc độ phát triển của Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ