Văn hóa địa phương hiện hữu trong tiết học

GD&TĐ - Giáo dục địa phương trở thành môn học bắt buộc khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Học sinh trong bộ trang phục truyền thống biểu diễn cồng chiêng và múa xoang.
Học sinh trong bộ trang phục truyền thống biểu diễn cồng chiêng và múa xoang.

Kể từ đây, các trường tích cực đưa văn hóa truyền thống vào dạy học để học sinh biết gìn giữ và phát huy nét đẹp của quê hương, đất nước.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Xây dựng trường học đa văn hóa

Trong những năm qua, đơn vị luôn chỉ đạo, khuyến khích các trường đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy. Trước kia, tùy thuộc vào điều kiện nhà trường, thầy cô đưa văn hóa truyền thống vào dạy học ở mức độ khác nhau. Từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, môn Giáo dục địa phương được triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với khu vực có học sinh dân tộc thiểu số khi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ thì cồng chiêng, múa xoang, đan lát… được đặc biệt chú ý, lồng ghép vào giờ học.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum.

Nội dung giáo dục là những vấn đề thời sự, văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường hướng nghiệp... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung trong cả nước. Qua đó, học sinh thêm hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng điều đã học để góp phần giải quyết vấn đề.

Môn Giáo dục địa phương xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình được thiết kế bài bản. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Đồng thời tùy vào đặc điểm văn hóa của địa phương, dân tộc…, nhà trường và giáo viên đưa vào giới thiệu, giảng dạy cho học sinh.

Văn hóa không chỉ có trong sách, báo, mà hiện hữu ngay ngoài cộng đồng. Nhà trường, thầy cô dành thời gian quan tâm, tìm hiểu và kiểm chứng sẽ truyền đạt đến học sinh nhiều thông tin bổ ích. Bên cạnh đó, tránh việc vay mượn, gắn văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, như: Học sinh Bahnar mặc đồ Giẻ Triêng…

Nhằm phát triển văn hóa truyền thống trong trường học, Sở GD&ĐT thường xuyên khuyến khích các trường thuê hoặc nhờ nghệ nhân đến truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm… hay nói chuyện với học sinh về văn hóa. Đặc biệt, ưu tiên và chủ động gắn văn hóa tại địa phương vào giảng dạy để học sinh dễ hình dung và liên hệ thực tế.

Văn hóa không tự nhiên đến với con người mà phải qua giáo dục, trao truyền. Ở những vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ huynh tất bật với nương rẫy để trang trải cuộc sống nên ít có thời gian quan tâm đến con em. Còn giáo viên lại gần gũi với học sinh hàng ngày, đây là điều kiện tốt nhằm truyền dạy để các em biết yêu quý, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà, Kon Tum): Học trò chủ yếu trải nghiệm tại địa phương

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) cùng học sinh trong hoạt động giáo dục địa phương.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) cùng học sinh trong hoạt động giáo dục địa phương.

Trong chương trình cũ, nội dung giáo dục địa phương được lồng ghép trong các môn học. Còn với Chương trình GDPT 2018, giáo dục địa phương trở thành môn học gồm hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương, có nội dung riêng biệt. Mỗi tuần 1 tiết, trong đó 15 phút là hoạt động trải nghiệm và 15 phút là giáo dục địa phương. Tại đây, giáo viên sẽ cho học sinh tìm hiểu văn hóa, giới thiệu về các nhà giáo, anh hùng tiêu biểu....

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Trong những năm qua, nhà trường đã dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 làm quen, trải nghiệm về văn hóa truyền thống dân tộc. Theo từng chủ đề và chủ điểm, thầy, cô linh hoạt lồng ghép những nét văn hóa truyền thống của địa phương để học sinh dễ tiếp cận và ghi nhớ. Bên cạnh đó, đều đặn hàng tuần nhà trường mở nhạc để học sinh múa xoang quanh sân trường, giúp các em ôn luyện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 4 trong năm học 2022 - 2023.

Do trường thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa nên không có điều kiện tổ chức cho học sinh đi thực tế ở xa. Chính vì vậy, trò chủ yếu trải nghiệm tại địa phương. Trường gần nhà rông nên mỗi khi đến tiết học liên quan, giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh đến tìm hiểu về ý nghĩa, quy trình dựng nhà rông… và ôn lại điệu múa xoang truyền thống. Bên cạnh đó, nhân dịp lễ hội, như: Mừng lúa mới, cúng nước giọt…, nhà trường tranh thủ đến tham dự, chụp hình và quay video để giới thiệu thêm cho học sinh.

Nhà trường có 4 - 5 giáo viên là người địa phương nên thuận lợi khi hỗ trợ, dạy múa xoang cho học sinh. Bên cạnh đó, thời gian rảnh rỗi, phụ huynh cũng nhiệt tình hướng dẫn các em múa nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cuối năm 2022, nhà trường tổ chức hội chợ “Tết quê em”, qua đó lồng ghép chương trình giáo dục địa phương. Cụ thể, tổ chức các trò chơi, bộ câu hỏi trắc nghiệm… để học sinh trả lời, giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc của quê mình. Khi trả lời đúng các em được nhận phần quà nhỏ nên ai cũng hào hứng tham gia, phụ huynh nhiệt tình ủng hộ.

Nghệ nhân H’Săn Ê ban (82 tuổi ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk): Mong lớp trẻ gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống

Nghệ nhân H’Săn Ê ban.

Nghệ nhân H’Săn Ê ban.

Từ xa xưa, văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Với người Ê Đê Bih, cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Trong tất cả sinh hoạt, lễ hội, thậm chí trong đám tang của người Ê Đê trước đây đều có âm vang của tiếng cồng chiêng.

Theo phong tục của người Ê Đê, cồng chiêng là nhạc cụ dành riêng cho nam giới. Phụ nữ và trẻ em không được đánh. Tuy nhiên, chỉ có nhánh Ê Đê Bih tại Buôn Trấp là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, phụ nữ được khuyến khích đánh cồng chiêng. Nhờ vậy, chị em trong làng cùng nhau lập dàn chiêng Jhô với 6 chiếc và 1 trống. Với đội chiêng Jhô, trống đóng vai trò dẫn dắt nhịp điệu cho toàn bộ dàn chiêng. Những năm qua, chị em trong làng luôn cố gắng gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Năm nay đã ngoài 80 nên bản thân rất trăn trở việc truyền dạy lại cho lớp trẻ. Bởi đánh trống làm sao cho khớp với nhịp điệu của dàn chiêng là điều khó. Bởi có nhiều người chỉ học được vài hôm thì nản lòng, bỏ cuộc. May mắn, tháng 6/2022, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng Ê Đê Bih tại Buôn Trấp cho 19 học sinh từ 6 - 13 tuổi.

Mong muốn thế hệ trẻ gìn giữ và phát triển đội cồng chiêng nữ, tôi xung phong truyền dạy cho các em. Sau vài tháng chỉ dạy, nhiều học sinh từ chỗ không biết cầm gõ chiêng, múa xoang nay đã đánh được các bài chiêng truyền thống, như: Đón khách, cúng lúa mới, cúng bến nước. Tôi rất vui khi việc làm của mình mang lại ý nghĩa. Hy vọng, lớp trẻ sẽ thay chúng tôi gìn giữ và phát triển những nét đẹp truyền thống này.

Nghệ nhân Ksor Siơh, dân tộc Jrai, làng Kly, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) dạy đánh cồng chiêng cho học sinh trong vùng. Ảnh: Hồng Điệp

Nghệ nhân Ksor Siơh, dân tộc Jrai, làng Kly, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) dạy đánh cồng chiêng cho học sinh trong vùng. Ảnh: Hồng Điệp

Chị Siu H’Mai (39 tuổi, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai): Cùng truyền dạy

Gia đình tôi có 3 người con, trong đó một cháu đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Tại trường, ngoài làm quen với mặt chữ và con số thì những dịp đặc biệt các con được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình khi đến lớp. Không những vậy, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tìm hiểu về cồng chiêng, múa xoang và các lễ hội truyền thống.

Ngay tại cổng trường, thầy, cô cũng bố trí một góc địa phương với hàng chục bộ trang phục truyền thống. Bên cạnh đó là những loại nhạc cụ dân tộc, như cồng chiêng, T’rưng… để học sinh làm quen.

Với tôi, việc nhà trường bố trí góc truyền thống rất thiết thực và ý nghĩa. Bởi thế hệ trẻ hiện nay ít mặn mà với văn hóa dân tộc nên một số nét đẹp truyền thống dần bị lãng quên và mai một. Để thế hệ trẻ biết yêu quý, giữ gìn thì phải giáo dục ngay từ bậc mầm non. Qua đó, dễ hình thành thói quen và giúp trẻ có ý thức bảo tồn và phát huy nét đẹp của quê hương, đất nước.

Là người con của dân tộc Jrai, những khi rảnh rỗi, tôi cũng đến trường cùng giáo viên dạy các con múa xoang. Tôi mong nhà trường tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động giáo dục văn hóa địa phương này. Qua đó, các em có thể biết đến, và ghi nhớ nét văn hóa của cha ông đã lưu truyền từ nhiều đời nay.

Em A Liêu - học sinh lớp 12, Trường THPT Trường Chinh (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum): Đưa nhạc cụ truyền thống vươn ra thế giới

Em A Liêu.

Em A Liêu.

Là người con của dân tộc Bahnar nên từ nhỏ em được làm quen với nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Vào dịp lễ hội, trong bộ trang phục truyền thống, em cùng ông bà, cha mẹ vui múa cùng dân làng. Khi tiếng đàn, tiếng chiêng ngân lên, em thấy thích thú và mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống này. Đặc biệt, trong kho tàng văn hóa của Tây Nguyên, đàn tre chính là loại nhạc cụ cổ mang âm thanh kỳ diệu của núi rừng và Ching-Kram (còn gọi là chiêng tre hay čing kram) là một minh chứng.

Ching-Kram là nhạc cụ độc đáo hình thành từ đời sống lao động của người dân Tây Nguyên. Nhạc cụ không chỉ đem lại âm thanh đặc trưng của vùng đất này, mà còn ẩn chứa trong đó cả giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Từ xa xưa đàn Ching-Kram gồm những thanh ching (chiêng) dài ngắn, dày mỏng. Khi dùng dùi gõ vào sẽ phát ra thanh âm mộc mạc, trong trẻo. Tuy nhiên, loại đàn này ít được phổ dụng bởi âm sắc chưa thật đa dạng và tinh tế.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống chế tác nhạc cụ dân tộc, em rất trăn trở và mong muốn tiếng đàn Ching-Kram trở nên tinh tế, đến gần hơn với mọi người. Chính vì vậy, em cùng người thân tìm tòi, sáng tạo và “biến” đàn Ching-Kram từ 6 thanh ching – 6 người biểu diễn thành 14 thanh ching với một người trình diễn. Ngoài cải tiến đàn Ching-Kram, em còn đam mê với nhiều loại nhạc cụ khác, như cồng chiêng, đàn T’rưng… May mắn nhà trường, thầy cô và gia đình luôn động viên và tạo điều kiện thuận lợi để chúng em phát huy được niềm đam mê, sở trường của bản thân. Không những vậy, trong quá trình học tập, thầy cô cũng giới thiệu cho chúng em biết thêm nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, những buổi hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, chúng em có cơ hội thể hiện kiến thức về văn hóa và sẻ chia với nhau nhiều hơn. Đây là động lực để em tiếp tục trau dồi và phát triển nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở Tây Nguyên.

“Hy vọng sẽ có nhiều bạn như em yêu thích, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, đưa những loại nhạc cụ, văn hóa truyền thống vươn xa nhằm quảng bá nét đẹp của Việt Nam nói chung và mảnh đất Tây Nguyên nói riêng. Còn với cá nhân, sau khi hoàn thành chương trình THPT em sẽ cố gắng học đại học và trở về quê nhà tiếp tục chế tác, phát triển các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống. Em mong có thể đưa nhạc cụ truyền thống phát triển không chỉ ở trong nước, mà còn vươn ra thế giới”, A Liêu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ