Trong đó, chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) được cho là “mảnh đất màu mỡ” để triển khai nội dung quan trọng này.
Cách giáo dục truyền thống hiệu quả
Năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT Bắc Giang biên soạn nội dung GDĐP dành cho HS lớp 1. Nội dung này được đưa vào thực tiễn giảng dạy trong nhà trường, gồm tài liệu dạy học dưới dạng sách giáo khoa với 7 chủ đề tích hợp về khoa học xã hội, tự nhiên và con người, hướng nghiệp tại địa phương. Với lớp 2, 3, 4, 5, nội dung giáo dục truyền thống trong GDĐP được dạy lồng ghép ở một số môn học, như: Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Kỹ thuật, Khoa học, Lịch sử - Địa lý, Tiếng Việt; đặc biệt là dạy vào các tiết Lịch sử, Địa lý địa phương với lớp 4, 5.
Từ thực tế dạy học tại Trường Tiểu học Tân An (Yên Dũng, Bắc Giang), cô Hiệu trưởng Chu Thị Yến cho rằng: Giáo dục gắn với thực tiễn cuộc sống địa phương là một trong những hướng tiếp cận hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay một cách thiết thực nhất.
“Với nội dung này, HS Trường Tiểu học Tân An được dạy trên lớp qua hệ thống hình ảnh, video, câu chuyện kể do GV tìm hiểu thực tế hoặc HS tham quan thực tế tại địa phương. Các em rất hứng thú khi được về thăm làng kháng chiến Long Trì (xã Tân An), nghe kể lại về các nhân vật anh hùng của làng, được giới thiệu về đường hầm địa đạo xuyên dọc làng...; từ đó dễ dàng cảm nhận, nhớ, hiểu và tự hào về truyền thống quê hương. HS cũng được thăm trực tiếp nhà tưởng niệm Bác Hồ khi về thăm xã Tân An. Khi đứng ở đúng vị trí diễn ra sự kiện lịch sử đó, các em có nhiều cảm xúc, dễ dàng thấu hiểu và cảm nhận được giá trị lịch sử hơn…” – cô Chu Thị Yến chia sẻ.
Tại Phú Thọ, công tác giáo dục truyền thống cho HS cũng được chú trọng. Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, các trường trên địa bàn luôn đổi mới hoạt động giáo dục truyền thống với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Cụ thể: Lồng ghép qua các môn học (Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử...); tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa; hoạt động trải nghiệm (giáo dục di sản hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, những di sản văn hóa của tỉnh); thông qua các Cuộc thi: “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc thi sáng tác về thầy cô và mái trường… Đặc biệt, nội dung giáo dục truyền thống được thể hiện qua chương trình GDĐP của tỉnh Phú Thọ với nội dung thuộc 7 lĩnh vực văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường.
“Sở GD&ĐT Phú Thọ hoàn thiện nội dung GDĐP cấp tiểu học và đưa vào giảng dạy trong năm học 2020 - 2021; đã và đang triển khai viết, hoàn thiện nội dung GDĐP cấp THCS, THPT để bắt đầu giảng dạy từ năm học 2021 - 2022; 2022 - 2023. Chương trình GDĐP trang bị cho HS hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của tỉnh. Từ đó, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa cộng đồng dân cư các dân tộc. Qua đây, HS hình thành các năng lực, phẩm chất được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới” – ông Phùng Quốc Lập cho hay.
Vun đắp tình yêu quê hương
Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, từ năm 2008, Bộ GD&ĐT ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nội dung GDĐP. Từ đó, nội dung này được ngành Giáo dục Vĩnh Long biên soạn thành sách thông qua các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cấp THCS và Lịch sử, Địa lý cấp THPT. GV được khuyến khích sưu tầm thông tin, hình ảnh, tư liệu về lịch sử, địa lý, kinh tế và truyền thống địa phương để lồng ghép vào giờ học một cách linh hoạt. Các trường nhận, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa địa phương, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tổ chức hoạt động trải nghiệm tại các công trình lịch sử, văn hóa...
Tuy chưa có tài liệu GDĐP dành riêng cho HS tiểu học đang học chương trình GDPT 2006 nhưng Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã chỉ đạo các trường lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp để giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương (thông qua hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm; các buổi tọa đàm, kể chuyện về nhân vật lịch sử địa phương; hoạt động thăm viếng và chăm sóc di tích lịch sử)... Sở GD&ĐT đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu ở địa phương để đặt tên trường, ghi bia tưởng niệm hoặc tiểu sử nhân vật lịch sử để vinh danh, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho HS.
Tại Phú Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập cho biết: Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nội dung GDĐP nói chung, giáo dục truyền thống nói riêng. Thực hiện tốt tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, xã hội về GDĐP. Tổ chức xây dựng hoàn thiện nội dung tài liệu GDĐP theo đúng kế hoạch. Xây dựng kế hoạch tập huấn 100% cán bộ quản lý, GV thực hiện nhiệm vụ giảng dạy GDĐP trong trường học. Tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh để tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vất chất, thiết bị dạy học... bảo đảm yêu cầu tổ chức dạy học GDĐP.