Gìn giữ di sản vùng đất Tổ qua chương trình giáo dục địa phương

GD&TĐ - Để bảo tồn những giá trị văn hóa thiêng liêng vùng đất Tổ, tỉnh Phú Thọ đã có chính sách đặc thù nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của ngành GD-ĐT. 

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương trong buổi ngoại khóa tìm hiểu truyền thuyết và Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương trong buổi ngoại khóa tìm hiểu truyền thuyết và Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: NTCC

Thể hiện đậm nét giáo dục di sản

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là một thành phần hữu cơ của kế hoạch tổng thể thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường. Nội dung giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương. Đặc biệt, giáo dục về di sản vùng đất Tổ, Lễ hội Đền Hùng có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tỉnh Phú Thọ, cũng là nội dung quan trọng trong giáo dục địa phương ở các cấp học của tỉnh.

Đối với cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương ở lĩnh vực văn hóa - lịch sử gồm một số vấn đề mang tính thời sự: Lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa; phong tục, tập quán địa phương... Nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm để học sinh có điều kiện mở rộng hiểu biết về truyền thống văn hóa lịch sử quê hương Phú Thọ phù hợp với nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.

Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục địa phương được biên soạn thành bộ tài liệu có vị trí như sách giáo khoa, thuộc 7 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, lịch sử địa phương đặt ra các vấn đề có liên hệ mật thiết với truyền thống văn hóa lịch sử về thời đại các vua Hùng, Lễ hội Đền Hùng…

Tập trung cung cấp cho học sinh hiểu biết về truyền thống văn hóa, lịch sử Phú Thọ qua các thời kỳ, những nhân vật tiêu biểu thời Hùng Vương dựng nước, nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ. Có những chủ đề riêng viết về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Phú Thọ như: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận (hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương…).

Có thể thấy, chương trình giáo dục địa phương Phú Thọ, thời kỳ Hùng Vương gắn với truyền thống vùng đất Tổ, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng đã được đề cập đến với nhiều chủ đề xuyên suốt từ tiểu học đến THCS, THPT. Các nội dung chủ đề thể hiện đặc trưng văn hóa vùng đất Tổ được tập trung đào sâu trong tài liệu như: Lớp 6 với chủ đề Truyền thuyết thời đại Hùng Vương, chủ đề Nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước; lớp 7 với chủ đề Lễ hội Đền Hùng và Đền Mẫu Âu Cơ…

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) trong buổi học ngoại khoá về giáo dục di sản. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) trong buổi học ngoại khoá về giáo dục di sản. Ảnh: NTCC

Bồi dưỡng tình yêu với truyền thống văn hóa, lịch sử

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là chủ đề quan trọng trong nội dung chương trình giáo dục địa phương của Phú Thọ. Đây luôn được coi là một di sản văn hóa phi vật thể rất đặc biệt của Việt Nam, tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử, được cộng đồng người dân Việt - Mường ở Phú Thọ nói riêng, các dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam coi như một phần bản sắc của mình, để bảo tồn, phát huy.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là giữ cho Tín ngưỡng Hùng Vương trường tồn cùng người Việt. Cách hiệu quả, dễ thực thi nhất để Tín ngưỡng Hùng Vương thấm đượm trong tiềm thức, tâm khảm của học sinh chính là đưa Tín ngưỡng Hùng Vương vào trường học thông qua các chủ đề trong chương trình giáo dục địa phương.

Tài liệu giáo dục địa phương Phú Thọ cấp tiểu học (lớp 2) có hẳn một chủ đề: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ở chương trình giáo dục địa phương Phú Thọ cấp THCS, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tiếp tục được đề cập đến ở lớp 7 với chủ đề: Một số tín ngưỡng, phong tục tập quán tiêu biểu ở Phú Thọ. Trong chủ đề này, tác giả dành một phần tập trung giới thiệu riêng về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Hát Xoan Phú Thọ cũng là chủ đề tiêu biểu được đưa vào giảng dạy trong tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh, thể hiện đặc trưng, truyền thống của mảnh đất Tổ vua Hùng, gắn với ý thức bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Hát Xoan Phú Thọ được đưa vào thành một chủ đề riêng trong nội dung giáo dục địa phương nhằm cung cấp tri thức, hiểu biết cho học sinh về nguồn gốc, giá trị nghệ thuật, các chặng đường trình diễn hát Xoan; một số nghệ nhân và các phường Xoan tiêu biểu; nắm được các hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát huy giá trị di sản hát Xoan; thực hành hát Xoan; gắn với trách nhiệm của học sinh trong việc gìn giữ, phát triển di sản hát Xoan Phú Thọ với vai trò là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp…

Các nội dung được đề cập đến trong tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ phần nào đáp ứng nhu cầu cung cấp, trang bị những hiểu biết cơ bản, cần thiết nhất cho giáo viên, học sinh trên tinh thần “dân ta phải biết sử ta”. Từ đó, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, di sản văn hóa của địa phương; bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu vận dụng những kiến thức đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ được xây dựng và trình UBND tỉnh thẩm định đối với lớp 1, 2, 6, 7, 8, 9 và trình Bộ GD&ĐT phê duyệt đưa vào giảng dạy theo đúng lộ trình với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Đối với cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được giảng dạy tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Cấp THCS và THPT được thiết kế dưới hình thức lĩnh vực và chủ đề của lĩnh vực với tổng thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học và đưa vào giảng dạy trong chương trình như một môn học bắt buộc.

Bộ tài liệu đã góp phần định hướng về kiến thức, kỹ năng, cung cấp tri thức, hiểu biết cho học sinh các nhà trường trên địa bàn về lịch sử quê hương Phú Thọ, đặc biệt là truyền thống vùng đất Tổ, di tích văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Hùng cũng như những vấn đề ẩn sâu trong tiềm thức dân tộc về thời đại Hùng Vương dựng nước.

Tài liệu giáo dục địa phương các cấp học còn khai thác và đưa vào những nội dung thiết thực, phản ánh sâu sắc giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của quê hương Phú Thọ, gắn với thời đại các vua Hùng như: Nghệ thuật trình diễn dân gian Phú Thọ, Lễ hội truyền thống dân gian Phú Thọ, các phong tục tập quán, loại hình nghệ thuật truyền thống của tỉnh Phú Thọ, văn hóa ẩm thực Phú Thọ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...