Văn hóa cố đô Huế hiện hình trong “Ảo ảnh”

GD&TĐ - “Ảo ảnh” - dự án nghệ thuật mới nhất của anh em nghệ sĩ song sinh: Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải.

19 bức tranh thể hiện sự đối thoại không hồi kết về dòng ký ức Huế.
19 bức tranh thể hiện sự đối thoại không hồi kết về dòng ký ức Huế.

Đó là một trạm thực nghiệm nghệ thuật được thực hiện trong nhiều năm, nhằm đưa văn hóa Huế lên các chất liệu nghệ thuật đương đại.

Từ các dự án: Chạm tới biển (2011), Cây cầu (2010 – 2015), Trước 86, Dự án đỏ (2013), Trò chơi (2013 - 2015)… “Ảo ảnh” là chuỗi suy tư gần nhất của anh em Thanh – Hải. Ban đầu dự án có tên gọi “Nỗi buồn chiến tranh”, nhưng nhanh chóng phát triển với hàm ý rộng, tiếp cận ở chiều sâu và bóc tách Huế trong các khung cảnh đối thoại với vật chất và ý thức.

Đan xen quá khứ - hiện tại

Triển lãm “Ảo ảnh” trưng bày 19 bức tranh và 4 chum gốm lớn, đánh dấu chặng dừng đầu tiên của một dự án dài hạn được khởi đầu từ cuối 2017. Những bức tranh được xử lý bằng các thủ pháp sơn mài, nhưng không quá phụ thuộc vào kĩ thuật truyền thống.

Theo giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, anh em nghệ sĩ Thanh - Hải dùng vải vẽ (toile) như một bề mặt phẳng và đặt các lớp hình thể được vẽ chồng lên một cách có chủ đích. Lớp đầu là các hình thể vẽ lại theo khảo sát và kí ức từ các kiến trúc cổ ở Huế, cũng như hoa văn chạm khắc trên Cửu đỉnh.

Tất cả được phủ lên bởi lớp thứ hai là chuỗi hoa văn liên miên của mây lửa, sóng nước, vẩy cá, chấn song. Thậm chí, cả những đường kỷ hà ảnh hưởng từ các trang trí chạm khắc trên kiến trúc, đồ vật cung đình được biến hóa theo sự tương tác với hình thể ở lớp thứ nhất.

4 chum gốm là cách thể nghiệm khác của hội họa bề mặt phẳng lên vật thể 3D trong chuỗi sáng tác “Ảo ảnh”. Chum là một vật dụng phổ thông trong đời sống người dân miền Trung, dùng để chứa đựng mọi thứ trong cuộc sống như nước, gạo, tương, cà, mắm muối.

Loạt chum này được anh em nghệ sĩ song sinh bắt đầu thực hiện từ cuối 2018, là bước tiếp cận thứ hai của dự án chuyển thể hình ảnh lên đồ vật. Phương án này khám phá sự tương tác giữa ứng xử nghệ thuật trên hiện vật có tính lịch sử và bản sắc địa phương, mà vẫn giữ sự nhất quán của ý tưởng.

Hai nghệ sĩ cho biết, “Ảo ảnh” sẽ phủ lớp màn lên nhiều đồ vật mang tính cô đọng khác trong các giai đoạn tiếp theo của dự án: Giường, sập, tủ, mâm, phản, ghế… Từ đó tạo ra tập hợp các đối thoại hình thể và cảm xúc xuyên qua quá khứ tới hiện tại, nhằm mang đến ý vị thẩm mỹ khác biệt, lồng ghép trong hình hài cổ kính. 

Câu chuyện về Huế

“Nghệ sĩ liên tục tạo ra cảnh sắc cổ xưa, đền đài, linh vật… như một thuyết trình tuôn chảy theo dòng kí ức. Các thảo luận và tranh cãi diễn ra giữa hai nghệ sĩ ngay khi cùng vẽ. Do vậy, tác phẩm không có kết thúc và không cần kết thúc, bởi tính diễn tiến liên tục của dòng tư duy và chuỗi đối thoại”. Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn

Quá trình vẽ tranh, tái hiện văn hóa cố đô Huế là một thú vị thực hành nghệ thuật rất đặc biệt chỉ có ở anh em Thanh – Hải. Khi bề mặt tranh đã sẵn sàng, một người sẽ vẽ những hình thể lên đó, người kia tìm cách tương tác với chúng bằng các chuỗi hình vẽ đè - chồng lên trên.

Cảm nhận bên ngoài, tranh Thanh - Hải có vẻ rối rắm nhưng ẩn đằng sau đó là sự tĩnh lặng, như ẩn như hiện trầm tích văn hóa cố đô. Chuỗi tác phẩm là câu chuyện của văn hóa Huế, thể hiện tinh thần làm nghệ thuật gắn liền với văn hóa.

Văn hóa Huế, kiến trúc Huế với những họa tiết đám mây, thủy ba, đuôi rồng, cổng Đại Nội… đại diện cho nét trang trí, kiến trúc của cung đình Huế như bị che lấp bởi cuộc sống hiện đại.

Trong dự án nghệ thuật này, anh em Thanh – Hải không sao chép lại những biểu tượng, hình ảnh của Huế. Họ có sự biến chuyển từ ký ức đến hiện thực, tương lai - những điều cảm nhận được và đặt vào tác phẩm.

Hình ảnh văn hóa Huế đọng lại là sự suy tư, chắt lọc từ quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa chứ không phải sáng tạo tác phẩm bằng cách sử dụng hình ảnh có sẵn.

“Nhìn vào bức tranh tựa như ta nhìn qua tấm kính của ngăn tủ trưng bày bảo tàng. Nhưng còn thực tế hơn, như khi chúng ta ngồi bên chấn song cửa sổ nhìn ra các chuyển động cuộc sống bên ngoài”, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Để thực hiện dự án này, anh em họa sĩ Thanh - Hải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về văn hóa Huế cũng như lịch sử triều Nguyễn. Từ đó, họ kết hợp giữa văn hóa truyền thống với suy tư nghệ thuật, để người xem có thể cảm nhận được văn hóa, con người, tình cảm khi xưa để so sánh với ngày nay, đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại.

“Ảo ảnh” không chỉ nằm ở sự phủ nhận hay che mờ sự vật và hiện tượng, mà còn ở trong chính mâu thuẫn nội tại của nhận thức và trực giác mỗi người, nằm giữa khát vọng ý thức hiện tại và bất lực trước hiện hữu vô minh. Những tìm kiếm và truy vấn này không nhằm để đuổi bắt quá khứ, mà là để quá khứ khởi sinh trong khung cảnh của hiện tại.

Có thể nói rằng, đề tài văn hóa Huế luôn thu hút các nghệ sĩ tìm hiểu khám phá và tìm cách đưa vào tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, để nắm bắt được cốt cách văn hóa truyền thống ấy không dễ, lại càng khó khi tìm cách thể hiện trên các chất liệu hiện đại.

Anh em nghệ sĩ Thanh – Hải cũng vậy. Là người Huế, ăn ở với đất cố đô nhưng cũng phải vật lộn kiếm tìm, từ những chi tiết nhỏ nhất của văn hóa nơi mình sống, đến những vĩ đại của vương triều Nguyễn.

Trong suốt quá trình sáng tạo, họ không ngừng tranh đấu tư duy để làm sao có sự thống nhất từ một góc nhìn. Văn hóa Huế không chỉ có sự mực thước lẫn mộng mơ, ở trong đó còn thần thái lịch sử - những cuộc tranh đoạt và máu.

Họ trình bày tất cả điều ấy dưới dạng tường thuật hình - nét trang nghiêm, mời gọi nhận thức của người xem trong sự tôn trọng văn hóa xưa cũ của cố đô Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ