Việc xây dựng chiến lược văn hóa giai đoạn mới, là khơi dậy và phát huy được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh. Văn hóa được xác định là động lực của sự phát triển, là yếu tố nội sinh. Mục tiêu xây dựng văn hóa là hướng tới xây dựng con người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ.
Dự thảo đưa ra thể hiện giải pháp quan tâm đầu tư cho văn hóa dân tộc, cho di sản. Thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội.
Dự thảo chiến lược đặt mục tiêu: Có ít nhất 5 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh. 95 - 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65 - 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa.
Với văn học, có 8 - 10 giải thưởng văn học ASEAN. 15 - 20 tác phẩm văn xuôi, thơ ca xứng tầm. Hằng năm có 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng.
Mỗi năm sản xuất 55 - 60 phim truyện, 35 - 40 phim hoạt hình, 45 - 50 phim tài liệu, phim khoa học. Xuất khẩu đạt 30% số lượng phim sản xuất hằng năm chiếu rạp và trên mạng Internet…
Chiến lược cũng đặt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Và một trong các giải pháp là tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
Nhìn vào dự thảo, có lẽ nhiều người sẽ lạc quan hi vọng vào sự phát triển văn hóa trong tương lai. Tuy nhiên, hãy nhìn vào thực tế để thấy nền văn hóa của chúng ta đang ở đâu, và tụt dốc như thế nào trong hành trình phát triển của đất nước và nhân loại.
Nhớ bản báo cáo 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa 2009 - 2019, với nhiều kết quả được lượng hóa bằng những con số. Nghe báo cáo, nhiều người vẫn có thể vui mừng vì thấy “văn hóa đi lên”.
Nhưng hãy nhìn vào thực tế để thấy rằng, nhiều di tích “bỏ thì thương, vương thì tội”, rồi sự phá hoại, xâm phạm di sản diễn ra khắp nơi. Người ta có thể “trấn yểm” cả Đền Hùng, phá vỡ cảnh quan Mã Pì Lèng, “thay áo” cho di tích nghìn năm bằng bê tông, cốt thép…
Hãy nhìn vào nền văn chương, như nhà thơ Hữu Thỉnh – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – từng nói chúng ta có hàng nghìn CLB thơ nhưng rất khó tìm được bài thơ hay, có sức sống lâu dài.
Hãy nhìn vào nền điện ảnh, như đạo diễn Đặng Nhật Minh từng bi quan về những gì đang diễn ra và chua chát kết luận: Sau hơn 20 năm xã hội hóa, chúng ta chỉ còn lại một “nền điện ảnh thương mại lai căng”.
Hãy nhìn vào lĩnh vực sân khấu, như NSƯT Lê Chức ngậm ngùi ví von “sân khấu nay như người ốm nằm khoa hồi sức cấp cứu”.
Và cuối cùng, hãy nhìn vào cách sống – cách ứng xử của một số nghệ sĩ nổi tiếng thời gian gần đây. Bởi con người, chính là tấm gương phản chiếu rõ nhất đối với hiện thực.
Tăng lên 2% tổng chi ngân sách hằng năm để đầu tư cho văn hóa là đúng. Nhưng, đầu tư như thế nào cho đúng – trúng – hiệu quả, thì Bộ VH-TT&DL cần có tính toán, chiến lược cụ thể, tuyệt đối tránh lãng phí.
Vì lãng phí – với nội hàm của nó, chính là hành vi phản văn hóa!