Khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc
Từ tuần thứ 2 của tháng 12 (âm lịch), cô Mùa Thị Chứ – giáo viên Trường Tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La) bắt đầu tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục đón Tết cổ truyền như: Thờ cúng tổ tiên, gói bánh chưng, mừng tuổi đầu xuân, xin chữ đầu năm… Các hoạt động này, được cô lồng ghép trong các giờ sinh hoạt lớp, giờ học môn Đạo đức, Tiếng Việt. Từ đó mở rộng kiến thức và nâng cao kĩ năng cho học sinh.
“Trong giờ tiếng Việt, tôi cho học sinh đọc một đoạn văn viết về Tết Nguyên đán, sau đó hướng dẫn các em làm bài đọc hiểu; hoặc trong giờ đạo đức, tôi lồng ghép giáo dục học sinh về phong tục thờ cúng tổ tiên, mừng tuổi đầu năm… Qua đó, không chỉ giúp học trò nắm vững kiến thức bài học, mà còn hiểu được giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao phẩm chất, đạo đức; từ đó nêu cao tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc” – cô Chứ dẫn giải.
Tại Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), ngay từ đầu tháng 1, nhà trường tổ chức Chương trình “Hương sắc Việt Nam” với thông điệp “Thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, trong đó có Tết Nguyên đán. Chương trình có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Múa hát tập thể, giao lưu văn hóa, viết thư pháp… Theo cô Hiệu trưởng Lưu Thị Lập, văn hóa Việt Nam luôn có giá trị trường tồn. Việc giáo dục cho học sinh giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.
“Trong kế hoạch giáo dục toàn diện của Trường THPT Hoàng Cầu, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy – học, nhà trường còn quan tâm đến giáo dục học sinh những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; trong đó có Tết Nguyên đán. Qua đó, giúp các em nâng cao nhận thức về giá trị nhân văn Tết cổ truyền của dân tộc; đồng thời hiểu hơn về ý nghĩa sâu sắc của từng phong tục trong ngày Tết… Từ đó, các em thấy được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp đó” – cô Lập nhấn mạnh.
Chia sẻ về các hoạt động giáo dục của Trường THPT Hoàng Cầu, cô Lập cho hay: Có nhiều chương trình, hoạt động được nhà trường lồng ghép tổ chức như: Hoạt động ngoại khóa với hình thức sân khấu hóa theo từng chủ đề; tổ chức các trò chơi dân gian; trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền, tìm hiểu về phong tục trong ngày Tết, làm cây Điều ước, sáng tác thơ xuân…
“Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu, nội dung các môn học như: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục công dân, Công nghệ..., chúng tôi khuyến khích giáo viên tích hợp giáo dục học sinh về giá trị văn hóa Tết cổ truyền dân tộc. Ví dụ, tích hợp trong môn Ngữ văn lớp 10 - phần Văn học dân gian; hoặc lồng ghép vào chủ đề đa dạng văn hóa, các di sản văn hóa thế giới trong môn tiếng Anh.... Qua đó, học sinh nhận thức được những giá trị trường tồn của văn hóa dân tộc. Từ đó, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp về Tết cổ truyền Việt Nam” – cô Lập trao đổi.
Đa dạng các hoạt động giáo dục
Theo TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục và Giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội), giáo dục cho học sinh về Tết cổ truyền là cần thiết, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, chúng ta giáo dục những gì và giáo dục như thế nào để cho học sinh hiểu, gìn giữ và tiếp tục duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa đó.
Cần khẳng định rằng, những hoạt động diễn ra trong ngày Tết đều có ý nghĩa và có giá trị với mỗi người dân Việt Nam. Nhưng nhiều HSSV chưa hiểu hết giá trị sâu sắc của mỗi hoạt động văn hóa này. Các em chủ yếu làm theo những gì ông bà, cha mẹ đã làm, ít ai hỏi về ý nghĩa của từng việc làm trong ngày Tết như: Dọn nhà cửa, treo câu đối đỏ, mua sắm cành đào, hai cây mía, hái lộc, mừng tuổi đầu xuân, hoặc phong tục “Mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy”....
TS Ngô Xuân Hiếu nhấn mạnh: Đất nước ngày càng phát triển, khoa học tiến bộ. Theo vòng xoáy của kinh tế thị trường, ai nấy đều bận rộn với những áp lực của công việc và cơm áo, gạo tiền. Chính vì lẽ đó, chúng ta càng phải chia sẻ những nét đẹp văn hóa truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc. Đó cũng là những giây phút lắng đọng, an nhiên và để mọi người gần gũi nhau hơn; đồng thời cũng là dịp quan trọng để gia đình và người thân bên cạnh nhau, dành cho nhau những lời nói yêu thương, những cử chỉ đẹp và những lời chúc tốt lành.
Theo TS Ngô Xuân Hiếu, tất cả bậc học cần được giáo dục về truyền thống văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng yêu cầu, hình thức và cách thức tổ chức khác nhau. Ở lứa tuổi mầm non, giáo viên có thể kể những câu chuyện nhỏ về bánh chưng trong ngày Tết. Đến cấp tiểu học, có thể tăng dần lên bằng ý nghĩa của cành đào ngày Tết, phong tục chúc Tết, những việc làm nên kiêng trong ngày Tết. Đối với cấp THCS, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như: Gói bánh chưng, sáng tác thơ, hái hoa dân chủ hoặc cây Điều ước… Lên đến THPT và sinh viên đại học, có thể là những hoạt động sân khấu hóa hoặc trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động thiện nguyện…