Từ 16/7 đặt tên con phải có… bản sắc văn hóa dân tộc

Từ 16/7 đặt tên con phải có… bản sắc văn hóa dân tộc

Không được đặt tên quá dài, khó sử dụng

Bộ Tư pháp mới ban hành Thông tư số 04/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch năm 2015 và Nghị định 123/2015 của Chính phủ. So với Thông tư cũ, lần này Bộ Tư pháp có bổ sung thêm nhiều nội dung mới đáng chú ý. Một trong số đó phải kể đến việc bổ sung hướng dẫn về nội dung khai sinh.

Theo đó, từ ngày 16/7, Thông tư 04 hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP có hiệu lực với nhiều nội dung nổi bật. Cụ thể, việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Đặc biệt, không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em. Nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.

Đồng thời, để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, phải có các giấy tờ, tài liệu như văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc tổ chức khác có thẩm quyền xác nhận.

Trong trường hợp không thể chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo điều 5 Thông tư này. Phải có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Từ xưa việc đặt tên đã có "luật lệ, hương ước"

Liên quan đến việc đặt tên cho con, cháu dưới góc nhìn văn hóa, PGS,TS Phạm Ngọc Trung, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, việc đặt tên cho con theo truyền thống từ ngày xưa đã có "luật lệ, hương ước".

"Gái phải có đệm "thị", tên thường có 3 chữ hoặc 4 chữ. Trai thì không đệm "thị" là phổ biến. Tuy nhiên, còn tại các vùng dân tộc, dòng tộc có những hình thái riêng. Như một số vùng Tây Nguyên lấy họ mẹ để đặt tên cho con. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra một biểu mẫu cho đặt tên, tuổi thì phải nghiên cứu kỹ và tùy thuộc vào vùng miền, thậm chí các vùng dân tộc cho phù hợp…", PGS.TS Trung bày tỏ.

PGS.TS Trung cũng cho biết, thời hiện đại việc đặt tên có nhiều thay đổi. Có một bộ phận người dân đặt theo trào lưu như đệm thêm tên nước ngoài, có gia đình lấy cả họ cha và mẹ hoặc con gái không cần đệm "thị".

"Tên Phạm Hùng Dũng, Nguyễn Chiến Thắng… nhưng lại là con gái. Nếu cứ để quá tự do trong việc đặt tên, họ thì đôi khi đọc tên khó phân biệt giới tính. Nhưng nếu việc đặt tên đó không phạm luật cũng đành chấp nhận vì xã hội hiện đại…", PGS.TS Trung chia sẻ.

Theo PGS.TS Trung, căn cước công dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu không đủ chỗ in tên quá dài. Vậy phải có quy định về đặt tên cho con trước khi dẫn đến những rắc rối khi làm thủ tục hành chính và giao tiếp.

"Tên không quá dài về mặt quản lý hành chính Nhà nước là đúng. Nhưng người dân có phản ứng do chưa quen. Nhiều người học đòi đặt tên con không theo hình thức nào cả, ngẫu hứng không hiểu biết dẫn đến phản cảm, khó cho nhà quản lý…", PGS.TS Trung nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên với PGS.TS Trung, chị Nguyễn Hải Yến trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên (TP Hà Nội) cho biết, việc tên dài quá sẽ gây rắc rối khi làm giao dịch thường ngày cũng như thủ tục cấp giấy tờ tùy thân.

"Gia đình tôi đặt tên cho hai con không quá bốn chữ để dễ gọi. Tên ngắn để con thuận tiện giao tiếp bạn bè, công việc cũng như thực hiện giao dịch hành chính, hồ sơ giấy tờ liên quan…", chị Yến bày tỏ.

Cần làm rõ giới hạn ký tự

Là cán bộ tư pháp xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) bà Đồng Thị Hường cho rằng, việc ông bà được tín nhiệm giao đi khai sinh cho cháu không cần giấy ủy quyền là bước cải cách hành chính.

"Theo quy định trong vòng 60 ngày sau khi sinh, gia đình phải có trách nhiệm đi làm giấy khai sinh cho em bé. Trong trường hợp người mẹ chưa có sức khỏe tốt, người cha bận công việc thì ông bà đi khai sinh cho cháu cũng là hướng mở giảm thủ tục hành chính, thuận tiện cho nhân dân…", bà Đồng Thị Hường bày tỏ.

Theo bà Hường, thời gian qua, trên địa bàn xã Nam Triều không có trường hợp nào đặt tên quá dài chủ yếu là ba chữ đến bốn chữ.

"Có trường hợp đặt năm chữ cho con mới đây, tuy nhiên số lượng này rất ít. Phụ huynh cũng ý thức nếu đặt tên con quá dài sẽ gây khó khăn cho việc sinh hoạt về sau", bà Hương phân tích thêm.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Trong dự thảo Bộ luật dân sự 2015 cũng từng đưa ra đề xuất việc đặt tên không dài quá 25 ký tự. 

Tuy nhiên, đề xuất này sau đó không được đưa vào Bộ luật dân sự. Do vậy, có thể thấy quy định hiện hành lại không giới hạn độ dài của tên hay cấm việc đặt tên xấu, tên lạ. Dù thực tế việc đặt họ tên quá dài có nhiều trường hợp gây khó khăn cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cả người được đặt tên. Ví dụ như làm thẻ ngân hàng hoặc trên chứng minh nhân dân, bằng lái xe hay các giấy tờ tùy thân khác...

"Việc hướng dẫn theo Thông tư 04 là phù hợp. Thế nhưng Thông tư này lại không hướng dẫn thế nào là "quá dài" sẽ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện của các cán bộ khi thực thi, gây khó khăn cho người dân. Vì thế, cần thiết phải có quy định giới hạn là bao nhiêu ký tự một cách cụ thể…", luật sư Bình nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.