Điều này đã giải tỏa lo lắng của những người làm giáo dục về hiện trạng giá trị văn hóa dân tộc có chiều hướng mai một trong nhận thức của học trò.
Yêu cầu cấp bách
Cô Đinh Thị Thanh Tuyền, Tổ trưởng chuyên môn Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ), cho biết: Trường THPT Hương Cần đóng trên địa bàn miền núi phía Tây huyện Thanh Sơn. Trường có HS dân tộc Mường, Dao, Tày, Cao Lan… theo học, trong đó dân tộc Mường chiếm đa số (trên 80%). Người Mường có nền văn hóa lâu đời với nhiều giá trị đặc sắc, độc đáo; từ ẩm thực, kiến trúc, trang phục, tín ngưỡng đến các sinh hoạt văn hóa tinh thần khác.
Là GV gắn bó lâu năm với miền núi, cô Tuyền nhận thức rõ, việc giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho HS hết sức quan trọng. Bởi lẽ, “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”. Giáo dục được một học trò giỏi về tri thức là chúng ta có một nhân tài. Nhưng giáo dục được một học trò vừa giỏi tri thức, vừa hiểu, thấm văn hóa dân tộc, chúng ta có cả một dân tộc.
“Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều HS dân tộc thiểu số chưa hiểu hết giá trị văn hóa của dân tộc mình, mà có xu hướng ưa chuộng những hình thức nghệ thuật mới, hiện đại. Là người làm giáo dục vùng cao, tôi thực sự băn khoăn, trăn trở về điều này và nhận thấy có một phần trách nhiệm của mình ở trong đó” – cô Tuyền chia sẻ.
Nhà trường chỉ có 6 HS dân tộc Kinh, còn lại là HS dân tộc thiểu số (trong đó 95% là dân tộc Ê - đê), thầy Lê Hoài Lâm, Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) luôn trăn trở làm thế nào để gìn giữ giá trị văn hóa đặc trưng của người Ê - đê.
“Giá trị văn hóa đặc trưng của người Ê - đê là các lễ hội, như cồng chiêng, lễ cúng bỏ mả, lễ hội đâm trâu, lễ cúng ché 3 ché 7 cho người trưởng thành, lễ bắt chồng, lễ cầu mưa… Nhưng các lễ hội này càng ngày càng mai một, ít được thực hiện, vì lớp trẻ không quan tâm. Sự hiểu biết gốc giá trị văn hoá dân tộc bị lãng quên, người truyền lửa và giữ lửa không có thì mai một là tất yếu” – Hiệu trưởng Lê Hoài Lâm trăn trở.
Cũng từ thực tế một trường có đông HS dân tộc, thầy Châu Long, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT An Giang (tỉnh An Giang) lo lắng khi HS thích lối sống hiện đại. Trang phục truyền thống của dân tộc ít được HS sử dụng (chủ yếu sử dụng trong các ngày lễ). Ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc ngày càng mai một; phần lớn các em học đối phó (do tiếng dân tộc không tham gia đánh giá, xếp loại). Chỉ số ít HS quan tâm học hành do phải thi sư phạm tiếng Khmer, hoặc do yếu tố ngành nghề bắt buộc phải học…
“Môi trường sinh sống của người dân có xáo trộn do đô thị hóa nông thôn. Đô thị hóa càng mạnh, sự hòa tan ngôn ngữ, phai nhạt văn hóa càng nhiều. Thanh niên ít vào tu vì mải theo đuổi nền học thuật cao hơn để có vị trí việc làm sau này. Điều này dẫn đến HS ít vào chùa bồi dưỡng thêm tiếng dân tộc thiểu số. Các em giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ càng hạn chế” – thầy Châu Long cho hay.
Giải pháp chiến lược
Làm thế nào để đưa giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc trở thành một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của học trò? Làm sao để mỗi HS dân tộc Mường không bỡ ngỡ, lúng túng khi được hỏi về bộ trang phục dân tộc mình, những phong tục tập quán của ông bà mình xưa kia? Trả lời câu hỏi này, cô Đinh Thị Thanh Tuyền cho biết: Trường THPT Hương Cần đã thành lập CLB văn hóa Mường nhằm giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho HS. CLB bước đầu mang lại kết quả nhất định.
“Chương trình GDPT mới có 20% dành cho giáo dục địa phương. Tôi cho rằng, đây là hướng đi đúng đắn mang tầm chiến lược. Trong Chương trình 2006, nội dung giáo dục địa phương đã có trong một số môn học, như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Công nghệ, Thể dục, nhưng chủ yếu ở dạng kiến thức lồng ghép, tích hợp; chưa có quy định thời lượng dạy, chưa được biên soạn thành tài liệu dạy học chính thức.
Tôi kì vọng tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình mới sẽ giúp chúng tôi có định hướng đúng đắn khi đưa giá trị văn hóa truyền thống vùng miền thấm sâu trong nhận thức của học trò. Để làm được điều đó, tài liệu giáo dục địa phương phải được thiết kế phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội, địa lý, lịch sử, văn hóa của từng vùng miền. Quá trình biên soạn tài liệu cần có sự tham gia không chỉ của các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu mà cả sự tư vấn của địa phương, các nghệ nhân, những người có thâm niên gắn bó với văn hóa truyền thống vùng miền. Hình thức và phương pháp tổ chức dạy học nội dung này cũng cần có sự đa dạng, linh hoạt…” – cô Tuyền chia sẻ.
Cùng quan điểm này, thầy Lê Hoài Lâm hy vọng, giáo dục địa phương sẽ là chương trình và tài liệu mở, để phát huy hết khả năng của giáo viên, nhà trường và phù hợp với bản sắc văn hóa vùng miền. Nội dung tài liệu không giáo điều, cứng nhắc; có sự kết hợp hài hòa giá trị truyền thống cốt lõi và xu thế văn minh hiện đại…
“Theo tôi nghĩ, các em rất sợ bị đánh giá là lạc hậu, chậm tiến, lỗi thời... Ngay cả người lớn của đồng bào dân tộc thiểu số cũng có suy nghĩ này! Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao khi nhắc đến giá trị văn hóa các dân tộc ít người, chính các thành viên của dân tộc đó phải hãnh diện, tự hào. Làm được điều này, chương trình giáo dục của chúng ta mới thành công” – thầy Lâm bày tỏ.
Quan tâm đến sách giáo khoa tiếng Khmer theo chương trình mới, thầy Châu Long cho rằng: Cần bảo đảm kiến thức sơ giản nhất; lưu ý soạn những bài mang tính đối thoại, hướng dẫn phát biểu miệng từ những câu đơn giản như “cảm ơn, xin lỗi”, đến những câu nói để trình bày quan điểm cá nhân… Trường dân tộc nội trú cần quan tâm và được phép tổ chức các cuộc thi phong trào liên quan ngôn ngữ, hùng biện, viết chữ đẹp - đó là hình thức khuyến khích động viên cho HS không quên ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.