“Nét chữ nết người!”. Thật vậy, nhìn vào chữ viết, có thể đoán được phần nào tính cách con người. Một số công ty, khi tuyển chọn, còn bắt buộc người dự tuyển phải ngồi tại chỗ viết đơn bằng tay, không đánh máy… Qua đó, người ta có thể phán đoán, biết được về tính tình, ý thức, suy nghĩ, trình độ của người dự tuyển.
Hiện nay, tình trạng chữ viết của học sinh ngày càng xấu, thậm chí dùng cả ký hiệu, viết tắt tùy hứng trong bài văn không còn là hiếm. Giáo viên bộ môn Ngữ văn nhiều phen vất vả, đổ mồ hôi khi chấm bài văn của các em vì phải “dịch tiếng Việt sang tiếng Việt”!
Chưa nói đến các lỗi khác, chỉ riêng về chữ viết đã làm cho giáo viên nhiều khi “ngại” đọc kỹ để chấm bài. Lúc thì thiếu nét, lúc thì viết chữ như dính liền nhau, lúc thì bỏ dấu không theo một quy tắc nào cả! Đã vậy, có khi chữ viết nhỏ li ti như con kiến, phải căng mắt ra mới đọc được phần nào.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo tôi, cơ bản là giáo viên trong các trường chưa đều tay trong việc rèn chữ viết cho học sinh.
Hồi đó con tôi đi học, khi thấy chữ viết của cháu càng lên lớp trên thì càng… tệ, tôi hỏi vì sao như vậy? Cháu trả lời là thầy dạy Toán nói các em không cần viết chữ rõ ràng mà chỉ cần viết con số, công thức cho đúng là được! Các giáo viên những bộ môn khác như Hóa học, Vật lý, Sinh học không yêu cầu các em viết chữ chân phương; đọc được vì chỉ làm mất thời gian chứ không có ích lợi gì (!).
Do đó, nhiều học sinh học rất giỏi khoa học tự nhiên nhưng chữ viết thì rất khó đọc! Phải chăng vì thế, sau này các em trở thành bác sĩ và “chữ viết bác sĩ” đã làm cho nhiều người bệnh không đọc nổi mà chỉ có người bán thuốc mới đọc được, phán đoán được!
Giáo viên các bộ môn khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… hiếm khi sửa lỗi chính tả cho học sinh khi chấm bài. Họ cho rằng công việc đó là của giáo viên Ngữ văn; còn các bộ môn khác chỉ cần gạch đầu dòng, viết nhanh cho kịp thời gian và cho phép dùng cả ký hiệu, viết tắt…
Thành ra, chỉ có bộ môn Ngữ văn “đơn thương độc mã” làm công việc đó; nếu giáo viên nào còn thương học sinh, còn yêu nghề thì ngồi cặm cụi sửa từng lỗi; còn không thì để các em viết sao thì viết; không ảnh hưởng gì tới mình (?).
Có thể các bộ môn khác chỉ quan tâm tới “hàm lượng” kiến thức truyền đạt, các em sẽ thu nhận được bao nhiêu! Còn về chữ viết để “chuyển tải” kiến thức thì không cần thiết, không quan trọng…
Trên thực tế không phải như vậy! Chữ viết vẫn rất cần rõ ràng, dễ đọc, chân phương; nếu viết đẹp nữa càng tốt. Cuộc thi “Văn hay chữ tốt” hàng năm vẫn còn duy trì nhằm tôn vinh viết chữ đẹp…
Chỉ cần nhà trường quan tâm vấn đề này; chỉ cần giáo viên trong trường cùng chung tay góp sức hướng dẫn, sửa lỗi cho các em về chữ viết; động viên, khích lệ kịp thời thì chuyện chữ viết nhất định có nhiều chuyển biến tốt…
Ngoài vấn đề giáo viên bộ môn phải mất nhiều thời gian, tâm sức khi chấm bài, góp ý, sửa lỗi thì có một thực tế là hiện nay trong đội ngũ GV còn có người viết chữ xấu và… viết còn sai chính tả. Cách đây mấy năm, trong những vấn đề mà học sinh TPHCM phản ánh với Bí thư Thành ủy TPHCM tại chương trình “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi” có nội dung là có nhiều giáo viên viết sai chính tả! Khi giáo viên còn viết xấu, viết còn sai chính tả thì làm sao họ có thể rèn cho HS viết chữ đẹp, đúng quy cách một cách có hiệu quả?
Muốn rèn HS viết chữ đẹp, đúng quy cách thì trước hết chính GV phải viết đúng và đẹp. Để làm được điều này phải bắt đầu từ các trường sư phạm. Tuyển sinh vào các trường sư phạm cần thiết ngoài kiểm tra văn hóa, năng khiếu ra còn phải kiểm tra chữ viết của thí sinh bằng hình thức cho các em trình bày một đoạn ngắn bài văn, khổ thơ trên giấy và cả trên bảng đen. Trong quá trình học tập ở trường sư phạm, sinh viên cần được rèn chính tả. Làm tốt điều này chắc chắn khi ra trường, GV sẽ thuận lợi nhiều trong chuyên môn, giảng dạy, rèn chữ viết cho HS.
Mai Nguyên