Tạo sức hút cho môn Văn

GD&TĐ - Yêu nghề, hết lòng vì học trò và say mê nghiên cứu, sáng tạo, đó là những mô tả ngắn gọn về thầy giáo Nguyễn Đăng Sang (sinh năm 1969) - Tổ trưởng tổ Văn Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, TPHCM.

Thầy và trò vui vẻ, giao hòa trong tiết học văn
Thầy và trò vui vẻ, giao hòa trong tiết học văn

Học sinh - trung tâm trong tiết học

Nói đến thầy giáo Sang, nhiều đồng nghiệp trong trường đều dành cho thầy sự ngưỡng mộ bởi khả năng thuyết phục và truyền cảm hứng đam mê yêu thích môn Văn cho học sinh. Không chỉ dạy theo giáo án, thầy còn là một giáo viên tâm lý, vui tính luôn biết cách làm mới những tiết dạy của mình, nhằm đem đến sự hứng thú cho học sinh.

Nếu ai đó một lần được dự khán giờ dạy của thầy Nguyễn Đăng Sang sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi không khí lớp học thực sự sôi động như một buổi giao lưu “học mà chơi, chơi mà học” giữa thầy và trò. Khi lên lớp, điều đầu tiên thầy làm là đưa ra những câu hỏi về thơ văn, hoặc đọc thơ, kể vài câu chuyện liên quan đến đề tài tiết học như một cách “khởi động” đầy hứng khởi cho học sinh. Lần khác, thay vì đứng giảng bài cho học sinh ghi chép, thầy giao toàn quyền cho các em làm chủ bục giảng, thuyết trình về đề tài, còn thầy ngồi cuối lớp chăm chú lắng nghe, đến gần cuối tiết mới nêu nhận xét, đúc kết bài học.

Cách làm này tạo sự hứng thú làm việc theo nhóm trong học sinh, các em cùng tham gia đi sâu khám phá các giá trị của tác phẩm với những góc khai thác khác nhau kéo cả lớp hòa vào bầu không khí bàn luận sôi nổi, hăng say. “Nếu biết cách sáng tạo để mỗi tiết học là một “trò chơi” vui thú đối với học sinh thì bài học sẽ dễ tiếp thu và lắng lại sâu hơn trong tâm trí các em” - thầy Sang chia sẻ.

Đặt học sinh làm trung tâm của giờ học bằng cách hướng dẫn các em cách thuyết trình, làm việc nhóm…, thầy trao cơ hội để học sinh tự trình bày những kiến thức đã chuẩn bị, mạnh dạn bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân. Trong tổ chức học nhóm, thảo luận, thuyết trình đề tài, thầy luôn khơi gợi sự sáng tạo, tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của từng em. Ngoài kiến thức trong sách vở, thầy còn giới thiệu về các tấm gương học tốt trong bộ môn Văn, dạy tình yêu thương, tính nhân văn trong văn học.

Do đó, không chỉ có đề tài “Đổi mới ra đề kiểm tra Văn theo yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất từ các văn bản thơ lớp 9” thầy đã dày công biên soạn được áp dụng trong nhà trường mà còn nhiều đề tài mang tính thực tiễn khác của thầy trong bộ môn Văn như: “Giải pháp nâng cao hiệu quả tham dự cuộc thi Văn hay - chữ tốt”; “Rèn kĩ năng cảm thụ cho học sinh thông qua tiết dạy đọc - hiểu văn bản thơ hiện đại Việt Nam” cũng được đồng nghiệp hào hứng tiếp thu, chia sẻ.

Thầy Sang hướng dẫn, trao đổi với học sinh
Thầy Sang hướng dẫn, trao đổi với học sinh 

Phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi

Bằng sự quan sát, cảm nhận, thầy Sang có thể nhận biết, đánh giá được năng lực của từng em học sinh của mình. Sự sắc sảo của thầy còn thể hiện từ việc đưa ra những đề bài giúp các em tự bộc lộ khả năng. Thầy trực tiếp chấm bài, sửa lỗi, nhận xét kỹ lưỡng, thấu đáo giúp học sinh phát huy điểm mạnh, đồng thời chỉ ra những điểm còn hạn chế để các em khắc phục trong những bài làm sau. Khi các em làm được điều ấy có nghĩa là thầy đã nhen nhóm được ngọn lửa tình yêu môn Văn cho mỗi học sinh của mình.

Trong quá trình giảng dạy, thầy Sang yêu cầu học sinh sưu tầm trong sách vở, tài liệu những nhận định hay, đánh giá độc đáo, đặc sắc của những tác giả tên tuổi về tác phẩm văn học; những câu thơ, đoạn văn hay gắn với các chuyên đề bồi dưỡng để các em đọc lại nhiều lần và ghi nhớ. Đây là cách để các em mở mang vốn tri thức, khám phá vấn đề theo chiều sâu lẫn chiều rộng và sử dụng như những dẫn chứng hấp dẫn, tiêu biểu, tạo nên điểm nhấn, điểm sáng, giàu sức thuyết phục hơn trong bài làm. Nhờ thế trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi thành phố, thầy luôn đạt thành tích cao, số lượng học sinh đạt giải tăng dần qua các năm.

28 năm không ngừng phấn đấu, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, thầy Sang đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng. Đặc biệt, trên 10 năm thầy luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Niềm vui lớn nhất - như thầy tự nhận, là hằng ngày được “truyền cảm hứng, vẻ đẹp văn chương” đến từng học trò.

Thầy đúc kết công việc của mình như một triết lý: “Dạy Văn là dạy cho học sinh cách làm người theo đạo lý, lẽ phải, sống nhân văn hơn. Dạy văn còn nhằm định hướng việc hình thành nhân cách, kỹ năng sống để các em thích nghi với môi trường mà không dễ bị cám dỗ. Khi học sinh đồng cảm với những mục đích tốt đẹp đó thì văn dễ dàng đi vào lòng người!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.