(GD&TĐ) - Ngay sau khi báo Giáo dục & Thời đại Online mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”, nhiều bạn đọc trong cả nước đã có những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm để tìm lời giải cho "bài toán điềm sàn".
GS.TS Trương Bá Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng: Tính điểm sàn nên có sự linh hoạt!
|
GS.TS Trương Bá Thanh |
Tôi đồng ý với việc xét tuyển chung nhưng nên linh hoạt, có ưu tiên điểm sàn thấp hơn đối với những vùng khó, mặt bằng dân trí thấp. Nơi nào thích tuyển sinh riêng thì vẫn cho, nhưng phải cùng thời gian.
Số thi bị hỏng đại học ở nơi này đưa vào nơi khác là không chuẩn mà nên đưa vào bậc thấp hơn (cao đẳng). Nên khuyến khích những ngành có tính chất “thợ”, vì đâu phải ai cũng làm thầy được, đào tạo ra một người không đúng tính chất “thầy” sẽ nguy hiểm.
Phân luồng rất cần phải làm; buộc học sinh ở năng lực nào thì đào tạo theo năng lực đó. Theo tôi, học sinh trung bình không nên thi vào đại học, nhất là những ngành có yêu cầu cao như Y, Luật liên quan đến con người, cần phải có người giỏi thật để thi vào, chứ nếu người không giỏi mà thi, lỡ đâu may mắn đậu thật là rủi ro cho xã hội.
PGS.TS Lê Văn Anh - Phó Giám đốc Đại học Huế: Trường nào cũng phải tuân thủ mức điểm sàn chung!
|
PGS.TS Lê Văn An |
Năm nay Bộ quy định các trường không được phép hạ điểm chuẩn. Quy định này đã khắc phục được tình trạng gây mất ổn định trong tuyển sinh xảy ra ở năm 2012.
Tôi cho rằng dẫu là trường công lập hay dân lập thì vẫn phải tuân thủ mức điểm sàn chung, chứ trường nào mà cũng có thể tuyển được, mỗi trường một phách thì sẽ khó có chất lượng.
Phân luồng tất nhiên là có nhiều ưu điểm nhưng phải có kiểm định chất lượng nếu không thì không thể đánh giá được hết.
|
PGS.TS Nguyễn Hồng Anh |
PGS.TS Nguyễn Hồng Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn: Học sinh trung bình vẫn có thể thi vào đại học!
Theo tôi, nên lấy 50% tổng số thí sinh để tính điểm sàn. Khác với các nước phát triển, học sinh của mình tới 65% là con em nông dân, ít có điều kiện học tập, nhưng khi vào một môi trường đào tạo thuận lợi thì vẫn thành đạt.
Có những học sinh ở trong nước thi hỏng nhưng sang nước ngoài vẫn thi đại học và theo học được. Vì vậy quan điểm của tôi là học sinh trung bình chất lượng văn hóa trung bình vẫn có thể thi đại học được. Chất lượng đào tạo là một quá trình, trong đó có sự sàng lọc, loại thải.
NGƯT Hoàng Ngọc Quý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế: Phải cạnh tranh để có chất lượng!
|
NGƯT Hoàng Ngọc Quý |
Tôi đồng ý với phương án của Bộ, những TS thuộc đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành TS đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy.
Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính qui của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Nên chăng, Bộ quy định điểm sàn của liên thông mềm hơn so với điểm sàn của học sinh trung học phổ thông, với mức độ cụ thể khác nhau, vì thí sinh thi liên thông đã có thời gian bị ngắt quãng chương trình phổ thông.
Không thể chấp nhận ý kiến đưa ra là bỏ điểm sàn; vì như thế tất chất lượng sẽ kém. Cũng không thể tách biệt giữa công lập và dân lập trong tuyển sinh, vì nói tới chất lượng là phải chấp nhận cuộc cạnh tranh và sự bình đẳng, cũng như ngoài thị trường, doanh nghiệp mà không có sản phẩm, không bán được hàng thì tất yếu phải tẩy chay.
Từ ngày 2/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) và Báo Dân trí (dantri.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: diemsan2013@gmail.com |
Thúy Hồng ghi